Cần một lộ trình mới cho hội nhập kinh tế – thương mại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

0
93
Trong bối cảnh hiện nay, các nước cần kiên định ủng hộ mở cửa thương mại, tăng cường hợp tác khu vực.

Đại sứ quán Australia tại thủ đô Washington (Hoa Kỳ) và Viện Chính sách thuộc Hội Châu Á vừa tổ chức công bố Báo cáo với chủ đề “Xác định một lộ trình mới cho hội nhập kinh tế – thương mại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”. Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh cùng với nhiều quan chức phái đoàn ngoại giao tại Mỹ, và đại diện nhóm tác giả của Báo cáo là nguyên Phó thường trực Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Wendy Cutler, và nguyên Đại sứ Australia tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Peter Grey đã chủ trì buổi công bố các kết quả và kiến nghị của bản báo cáo. Buổi công bố báo cáo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo chính giới, học giả và doanh nghiệp sở tại.

Hoài nghi về toàn cầu hóa

Báo cáo nhấn mạnh tới nhu cầu về các hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao bởi các hiệp định thương mại hiện có không theo kịp sự phát triển của thương mại của khu vực. Theo Báo cáo, thương mại toàn cầu và khu vực Thái Bình Dương hiện đang chịu nhiều thách thức, từ việc giảm tốc của thương mại toàn cầu đến việc các hiệp định thương mại hiện có không theo kịp sự phát triển của thương mại. Đặc biệt, làn sóng hoài nghi, thậm chí là chống tự do hóa thương mại và toàn cầu hóa đang mạnh lên, thể hiện qua kết quả trưng cầu dân ý về việc Anh rút khỏi Liên minh Châu Âu (EU) và bầu cử 2016 tại Mỹ.

Việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đặt chính sách thương mại khu vực trước giao lộ quan trọng.

Trong tình hình đó, báo cáo tiếp tục nhấn mạnh thương mại đã và sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và ổn định toàn cầu, nhất là ở Châu Á, nơi các chính sách mở cửa thương mại đã đưa đến tăng trưởng kinh tế, giúp hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói và góp phần vào hòa bình, ổn định.

Báo cáo cho rằng các hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao tiếp tục là phương cách tốt nhất để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, đồng thời đưa ra 4 kiến nghị đối với các nhà hoạch định chính sách Châu Á-Thái Bình Dương, gồm:

      Một là, tiếp tục sử dụng mô hình gồm các tiêu chuẩn cao của TPP ở khu vực, bao gồm cả việc đưa các tiêu chuẩn này vào nội hàm cải cách của mỗi nước và vào các khuôn khổ đàm phán song, đa phương khác.

Hai là, tăng tiêu chuẩn trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP).

Ba là, theo đuổi các cơ hội tự do hóa thương mại khu vực thông qua các nỗ lực song phương, đa phương, đặc biệt tại các diễn đàn như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Bốn là, xây dựng lại sự ủng hộ đối với thương mại bằng cách cải thiện thông điệp, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng với thương mại và toàn cầu hóa.

Báo cáo là kết quả của quá trình nghiên cứu trong hơn 1 năm của nhóm tác giả là các chuyên gia hàng đầu về thương mại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, gồm một nguyên Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, hai cựu Bộ trưởng Thương mại của Phillipines và Indonesia, ba cựu đại sứ tại WTO của Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc, cùng một giáo sư hàng đầu về kinh tế chính trị quốc tế từ Trung Quốc.

Tham dự Lễ công bố báo cáo trên, Đại sứ Phạm Quang Vinh đã cùng các đại biểu trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến thương mại và hội nhập ở khu vực. Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định, chủ trương tích cực hội nhập và ủng hộ tăng cường thương mại của Việt Nam, đồng thời cho biết sắp tới, các nước sẽ tham gia hội nghị tại Chile để thảo luận về định hướng tương lai của TPP, một hiệp định tiêu chuẩn cao, làm sao đảm bảo được ưu tiên và lợi ích của các bên.

Trong bối cảnh hiện nay, các nước cần kiên định ủng hộ mở cửa thương mại, tăng cường hợp tác khu vực, có thể tham chiếu các tiêu chuẩn cao của TPP và các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới khác trong đàm phán thương mại quốc tế, kể cả song phương và đa phương. Đại sứ cũng thông tin về việc Việt Nam tiếp tục đổi mới kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện đầy đủ cam kết tại các FTA tiêu chuẩn cao mà Việt Nam đã ký kết, đóng góp tích cực vào hội nhập kinh tế, thương mại khu vực.

Trung Kiên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here