Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (tháng 6/2020) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ suy giảm 4,9% trong năm 2020. Mối lo ngại lớn hơn là thiệt hại kéo dài đối với kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, sự tham gia của lực lượng lao động và định hình nguồn nhân lực (hay gọi là “vết sẹo kinh tế”). Đại dịch COVID-19 cũng có tác động tới các hệ thống tài chính ở châu Á và các khu vực khác ở cả mặt tích cực và tiêu cực.
Chuyển đổi kỹ thuật số trong dịch vụ tài chính
Các biện pháp phong tỏa, cách ly và ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã tạo ra cú hích đối với các phương thức thanh toán điện tử, ngân hàng kỹ thuật số và dịch vụ tài chính (cho vay, kiều hối, bảo hiểm, tài chính thương mại…) kết hợp với các kỹ thuật công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối blockchain và điện toán đám mây.
Các chức năng kỹ thuật số đã trở nên thiết yếu, mang tính sống còn trong việc đảm bảo rằng hệ thống tài chính có thể tự phục hồi và các dịch vụ tài chính được vận hành tương đối thông suốt, trơn tru tại nhiều quốc gia. Ví dụ, tại Singapore, lĩnh vực dịch vụ tài chính đã tăng trưởng 5,9% trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, lĩnh vực này đã trở thành một trong những điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh kinh tế của Singapore suy giảm 6,7% trong giai đoạn này.
Với việc dịch COVID-19 trở thành “chất xúc tác” chính dẫn tới những thay đổi lớn trong thói quen người tiêu dùng hướng tới thế giới kỹ thuật số, đây nhiều khả năng sẽ trở thành xu hướng lâu dài và bền vững. Ở khía cạnh cung ứng, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS, ngân hàng trung ương) đã cam kết mạnh mẽ về việc mở rộng, phát triển lĩnh vực tài chính kỹ thuật số tại Singapore nhằm chuẩn bị cho một “thế giới hậu COVID-19”. Bên cạnh đó, MAS vẫn chú ý áp dụng các biện pháp bảo vệ nhằm đảm bảo các mối nguy cơ thực sự trên thực tế (như gian lận, lừa đảo, rửa tiền, vi phạm thông tin cá nhân, ăn cắp dữ liệu, tấn công mạng…) được kiểm soát một cách hiệu quả.
Ngoài việc cung cấp gói hỗ trợ Tài trợ Tăng cường Kỹ thuật số hấp dẫn để thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số ở các định chế/tổ chức tài chính nhỏ hơn và các công ty kỹ thuật tài chính (fintech) tại Singapore, MAS cũng đã thiết lập Viện Tài chính Kỹ thuật số châu Á (AIDF). Đây vốn là viện nghiên cứu chung giữa MAS, Quỹ Nghiên cứu Quốc gia (NRF) và Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và khởi nghiệp doanh nghiệp, phát triển và nâng cao các kỹ năng cho người lao động Singapore trong lĩnh vực dịch vụ tài chính kỹ thuật số và fintech.
Singapore cũng đang lên kế hoạch cấp năm giấy phép chứng nhận ngân hàng số, trong đó có hai giấy phép hoạt động ngân hàng đầy đủ (DFB) và ba giấy phép ngân hàng bán buôn (DWB). Những ngân hàng số này, cùng với sự chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra tại nhiều ngân hàng truyền thống khác, sẽ tạo ra động lực lớn hơn cho lĩnh vực tài chính.
Các nguy cơ đối với hệ thống ngân hàng
Ở khía cạnh tiêu cực, tình trạng phá sản gia tăng đối với doanh nghiệp và hộ gia đình có thể gây ra những tác động hoặc sức ép không mong muốn đối với hệ thống ngân hàng và tài chính. Mặc dù nhiều ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã bơm các khoản tiền khổng lồ để giữ cho hệ thống tài chính và các doanh nghiệp tồn tại, và cũng đã khuyến khích các định chế tài chính đưa ra điều kiện ưu đãi như giãn nợ cho các cá nhân và doanh nghiệp.
Tại Singapore, MAS cũng đã đưa ra các yêu cầu có tính bắt buộc tạm thời đối với các định chế tài chính để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế trong nước. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh và sự tái di chuyển lực lượng lao động trong các lĩnh vực kinh tế, chắc chắn nguy cơ phá sản và gia tăng nợ nần là điều khó tránh khỏi.
Mặc dù được dự báo là chất lượng tài sản suy giảm cũng như các khoản biên lợi nhuận ròng bị thu hẹp, các định chế tài chính tại Singapore được đánh giá là có sự quản lý hiệu quả, có khả năng tự phục hồi với nguồn vốn mạnh và dự trữ thanh khoản tốt. Thêm vào đó, họ có vị trí tương đối tối hơn so với hầu hết các đối tác toàn cầu khi phải đối phó với các cú sốc do dịch COVID-19 gây ra và nguy cơ suy thoái kinh tế sâu.
Chính phủ có thể gánh đỡ một phần nợ xấu trong trường hợp các khoản cho vay của ngân hàng trong nước dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng mất thanh khoản. Mặc dù sự hào phóng này sẽ giúp bảo vệ các tổ chức tài chính trong nước khỏi những khoản lỗ nặng, nhưng vẫn cần “để mắt” đến những hậu quả tiềm năng của chính sách này.
Sau Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) năm 2007-2008, hệ thống ngân hàng toàn cầu đã tái cấu trúc và trở nên vững mạnh hơn so với thời kỳ trước GFC, với các nguồn dự trữ, bổ sung thanh khoản và vốn mạnh mẽ.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cao cấp Stephen Bartholomeusz cảnh báo, một thế giới hậu COVID-19 sẽ ngập trong “núi” nợ và thu nhập giảm. Theo đó, đời sống hậu COVID-19 sẽ đặt ra rất nhiều thách thức đối với các chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình, đồng thời tạo ra vô số tình huống khó khăn cho các ngân hàng trung ương khi phải cố gắng cân bằng giữa nợ không bền vững, tham vọng tăng trưởng kinh tế và rủi ro từ bong bóng tài chính. Đây là những yếu tố có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính khác trong khi thế giới vẫn còn rất “mong manh”.
Thách thức lớn nhất và cũng là hạn chế lớn nhất của các chính phủ, doanh nghiệp, hộ gia đình và ngân hàng trung ương là di sản nợ. Nợ công toàn cầu hiện ở mức cao nhất trong lịch sử. Do hậu quả của những chương trình hỗ trợ tài chính mà các chính phủ đã bổ sung khoảng 11.000 tỷ USD nợ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tại các nền kinh tế tiên tiến, nợ công được dự báo sẽ tăng gần 19% trong năm nay lên tương đương 130% GDP toàn cầu.
Tuy nhiên, không chỉ có nợ chính phủ đang tiếp tục tăng lên. Trong báo cáo vừa công bố tuần qua của nhà quản lý quỹ toàn cầu Janus Henderson, tác giả đã chỉ ra rằng những khoản vay mượn của các công ty toàn cầu đã tăng 8,1%, lên mức kỷ lục 8.300 tỷ USD vào tháng Một, ghi nhập tốc độ tăng nợ nhanh nhất trong vòng 5 năm. Nhưng đó là thời điểm trước khi đại dịch bùng phát.
Những căng thẳng trong khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí còn nghiêm trọng hơn vì nhiều người trong số đó đã mất đi thu nhập do các lệnh phong tỏa và hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, trong khi lãi suất trên các khoản nợ, ngay cả khi việc thanh toán đã được trì hoãn hoặc tái cơ cấu lại nợ, thì nợ vẫn tiếp tục tăng lên. Nhiều doanh nghiệp khó trụ vững được cho tới khi đại dịch kết thúc.
Đối với các chính phủ và ngân hàng trung ương, di sản này – đến sau một thập kỷ tăng trưởng thấp và nợ tăng sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – sẽ là một hạn chế đối với các chính sách trong tương lai. Nợ liên quan tới đại dịch sẽ có thể được dự báo là tăng trưởng thấp nhất, ảnh hưởng đến chính nguồn thu của chính phủ, khi các chính phủ cố gắng kiểm soát ngân sách và các khoản vay không bền vững, hạn chế chi tiêu ít nhất là trong năm tới.
Đối với các ngân hàng trung ương, đại dịch rõ ràng đã “khóa” họ vào một môi trường có tỷ lệ từ âm đến cực thấp. Tuy nhiên, các cơ quan này vẫn sẽ tiếp tục bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính của mình. Một tỷ lệ lãi suất thực và tín dụng dồi dào sẽ khuyến khích sức mạnh đòn bẩy và buộc các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro ngày càng tăng. Hậu quả là bong bóng đầu cơ có thể xuất hiện.
Mối quan ngại lớn nhất hiện nay xuất phát từ các cường quốc châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ. Cả hai nước đều đang chứng kiến những tác động của đại dịch COVID-19 đối với tình hình quản trị công ty, bất ổn cơ bản trong các phân khúc của hệ thống ngân hàng chính thức và đặc biệt là hệ thống ngân hàng vô hình (các nhóm trung gian tài chính không chịu sự giám sát của cơ quan quản lý) cũng như các tổ chức tài chính phi ngân hàng (NBFC).
Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm khuếch đại những lỗ hổng này và đòi hỏi việc tái cơ cấu khu vực tài chính (bao gồm tái cấp vốn và xóa các khoản nợ xấu) trong vài năm tới một khi đại dịch COVID-19 được kiềm chế và các chính sách kích thích kinh tế hết hạn. Ấn Độ đặc biệt dễ bị tổn thương do thiếu không gian tài chính và thực tế là nhiều thành phố và các bang trong nước tiếp tục phải vật lộn để kiểm soát sự bùng phát của dịch COVID-19. Về phía Trung Quốc, do thông tin tài chính của nước này không rõ ràng và thiếu số liệu chính xác nên có thể có rất nhiều “quả mìn bị che đậy”.
Trong khu vực ASEAN, hãng xếp hạng S&P trong một báo cáo hồi tháng Tư đã nêu lên những lo ngại về vấn đề ổn định tài chính của Indonesia. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati, người lãnh đạo Ủy ban Ổn định Hệ thống Tài chính (KSSK), đã cảnh báo rằng nền kinh tế trong nước suy thoái nghiêm trọng, chất lượng tín dụng doanh nghiệp dự kiến sẽ suy giảm cùng với đó là các khoản nợ xấu gia tăng. Dịch COVID-19 “gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền kinh tế và cả sự ổn định của hệ thống tài chính”.
Sự ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn?
Kể từ đầu những năm 1990, sự độc lập của ngân hàng trung ương đã được chấp nhận rộng rãi như là một trong những lý do đằng sau giai đoạn “Dung hòa tuyệt vời” (Great Moderation) của tăng trưởng toàn cầu, mà giai đoạn này đã đột ngột chấm dứt sau sự kiện GFC.
Mục tiêu chính của các ngân hàng trung ương ở hầu hết các nền kinh tế mới nổi là đảm bảo lạm phát được giữ ở mức mục tiêu; duy trì sự ổn định tài chính bao gồm cả hoạt động trơn tru của hệ thống thanh toán quốc gia; và quản lý sự biến động tỷ giá hối đoái quá mức.
Nhìn chung, hầu hết các ngân hàng trung ương châu Á đã hoạt động khá hiệu quả kể từ những năm 2000, đóng góp vào những thành công kinh tế của khu vực, vốn đã dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu cho đến vài năm gần đây.
Trong khi các chính sách tiền tệ khác thường trong thời kỳ GFC chỉ giới hạn ở các nền kinh tế tiên tiến, phát triển, thì nhiều nền kinh tế mới nổi cũng đã tiến hành các hoạt động mua sắm tài sản khổng lồ trong thời gian này. Một số nước như Indonesia và Philippines, đã thực hiện các bước hướng tới tiền tệ hóa một phần nợ (các nhà hoạch định chính sách trước đây thường sử dụng thuật ngữ mang tính ngoại giao là “chia sẻ gánh nặng”).
Trong khi việc phối hợp chính sách để quản lý những biến động kinh tế đang diễn ra là điều tích cực, vẫn có quan ngại về khả năng sự độc lập của ngân hàng trung ương không được bảo vệ thích đáng và các mục tiêu trở nên phụ thuộc vào chính phủ, thì khi đó một chính phủ dân túy có thể buộc ngân hàng trung ương thực hiện các chính sách không phù hợp với ổn định kinh tế vĩ mô như hoạt động in và bơm thêm tiền để chi trả các khoản nợ công.
Trong bối cảnh vấn đề nợ gia tăng trên toàn cầu, đây không phải là một mối lo ngại viển vông mà hậu quả có thể dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô, khủng hoảng tiền tệ và tăng trưởng chậm kéo dài. Mặc dù cuộc khủng hoảng hiện tại có mức độ nghiêm trọng đến mức cần đến những chính sách chưa từng có tiền lệ, điều quan trọng là các quốc gia ở châu Á và những nước khác không được từ bỏ những khuôn khổ thể chế mà trong đó các ngân hàng trung ương của họ đã vận hành thành công. Nếu từ bỏ những yếu tố đó sẽ gây ra tác động tiêu cực lâu dài, ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế rất lâu sau đại dịch.
Mai Ly