Dự đoán chính sách kinh tế châu Á của ứng viên Tổng thống Mỹ Joe Biden

0
358
ứng viên Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: Getty Images)
Ứng viên Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: Getty Images)

Bài phân tích mới đây của tác giả Eric Johnston về chính sách đối ngoại đối với Nhật Bản và các nước châu Á của Washington nếu ứng cử viên Joe Biden giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.

Theo đó, Chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một cách tiếp cận mang tính độc đoán. Trong khi đó, theo các chuyên gia hàng đầu của Mỹ về vấn đề châu Á và quan hệ Mỹ-Nhật, chính quyền của ông Joe Biden, ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ, sẽ nhấn mạnh sự hợp tác và phối hợp với Nhật Bản và các đồng minh châu Á khác của Mỹ trong các lĩnh vực quốc phòng, thương mại và các vấn đề mang tính khu vực khác, đặc biệt là để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong mọi lĩnh vực, từ sự mở rộng hoạt động quân sự tới không gian mạng.

Ông Kurt Tong, thành viên của tổ chức “The Asia Group” và đã từng trải qua nhiều vị trí ngoại giao cấp cao của Mỹ ở Hong Kong (Trung Quốc) và Tokyo trong giai đoạn 2011-2014 khi ông Biden còn giữ chức Phó Tổng thống Mỹ, nói: “Tôi hy vọng sẽ chứng kiến sự tập trung mạnh mẽ của chính quyền ông Biden vào việc hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và các đồng minh khác của Mỹ. Điều này có thể thu hút thêm các quốc gia có chung chí hướng khác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để giải quyết hàng loạt các vấn đề. Chắc chắn là nhằm giải quyết các vấn đề do cách tiếp cận của Trung Quốc gây ra cho khu vực này”.

Theo ông Tong, Mỹ, Nhật Bản và các đồng minh khác có thể sẽ cố gắng xây dựng các mối liên kết mạnh mẽ hơn giữa những nước này trong các lĩnh vực như phát triển kinh tế, chính sách dữ liệu và hệ thống thông tin, cũng như thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác mà họ có chung mối quan tâm.

Ông Biden đã từng gọi Trung Quốc là một “thách thức đặc biệt” về các nỗ lực của nước này nhằm xuất khẩu mô hình chính trị của Bắc Kinh ra bên ngoài. Ông cũng cho rằng Mỹ cần có hành động cứng rắn với Trung Quốc và rằng nếu Bắc Kinh tiếp tục như hiện nay, họ sẽ “cướp đoạt” công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và các công ty Mỹ.

Vào tháng 10/2019, Mỹ và Nhật Bản đã ký thỏa thuận thương mại kỹ thuật số. Thỏa thuận này cấm áp đặt thuế đối với các sản phẩm kỹ thuật số được phân phối trên mạng và đảm bảo rằng dữ liệu có thể chuyển giao xuyên biên giới bởi tất cả các nhà cung cấp. Bên cạnh đó, thỏa thuận này cũng bao gồm các biện pháp bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Ông Tong cho biết, Chính quyền của ứng cử viên Biden có thể sẽ quyết định duy trì thỏa thuận này và mở rộng thỏa thuận đó sang các nước khác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong khi đó, chuyên gia Glen S. Fukushima, cựu thành viên của Nhóm công tác châu Á của bà Hillary Clinton và một nhà nghiên cứu về quan hệ Mỹ-châu Á, cũng cho rằng chính quyền của ứng cử viên Biden sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đồng minh của Mỹ ở châu Á, thay cho cách tiếp cận đối đầu của Tổng thống Trump.

Ông Glen S. Fukushima nói: “Về mặt chiến lược, chính quyền của ứng cử viên Biden sẽ ứng xử với Trung Quốc như một địch thủ và đối thủ cạnh tranh chứ không phải như kẻ thù. Họ muốn đạt được tiến bộ với Triều Tiên nhưng theo cách mang tính chiến lược và có hệ thống hơn nhiều so với các cuộc gặp thượng đỉnh bất thình lình và không được chuẩn bị trước và không đem lại bất cứ kết quả nào như hiện nay”. Ông cho biết thêm: “So với chính quyền của Tổng thống Trump, ông Biden và những phụ tá của ông ấy có thể sẽ khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về các vấn đề liên quan tới Triều Tiên”.

Các vấn đề quốc phòng giữa Mỹ và Nhật Bản có thể sẽ liên quan tới thương mại bởi vì Nhật Bản đang tìm cách tăng cường sự sẵn sàng phòng vệ của mình, trong đó có các hệ thống vũ khí và liên lạc, để đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Hoạt động đầu tư vào các công nghệ liên quan tới quốc phòng mà Tokyo đang thực hiện và làm thế nào để phối hợp các hoạt động này với đồng minh Mỹ. Đây sẽ là mối quan ngại chính đối với bất cứ ai thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Tổng thống Trump đang thúc giục Nhật Bản mua công nghệ quốc phòng của Mỹ, trong đó có các hệ thống phòng thủ tên lửa lớp Aegis trên bộ. Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) của Nhật Bản đang thảo luận về các nhu cầu phòng thủ của nước này và xem xét các công nghệ nào sẽ hiệu quả nhất trong bối cảnh các quan ngại về vấn đề ngân sách do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra vẫn còn chưa nguôi.

Dưới thời chính quyền của ứng cử viên Biden, chuyên gia Tong cho rằng ông kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cuộc thảo luận chi tiết và hữu ích hơn giữa Mỹ và Nhật Bản về vai trò và sức mạnh phòng thủ, và các trọng tâm đầu tư. Ông nói: “Nếu các quyết định về các hệ thống vũ khí và các quyết định tương tự khác không được đưa ra trên cơ sở hợp tác và phối hợp, điều này có thể mang lại các kết quả yếu kém hơn nhiều về mặt hiệu quả phòng ngự tổng thể”.

Tuy nhiên, liệu việc tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư trong các ngành công nghệ như ô tô và nông nghiệp có phải là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ Nhật-Mỹ dưới thời chính quyền của ứng cử viên Biden hay không vẫn chưa rõ ràng. Tổng thống Trump thường chỉ trích các chính sách thương mại của Nhật Bản là không công bằng và các nỗ lực của ông này nhằm khuyến khích hoặc gây áp lực buộc Nhật Bản phải đầu tư nhiều hơn vào Mỹ có vẻ như đang mang lại thành công.

Trong báo cáo công bố tháng trước, Cục Phân tích Phân tích của Mỹ nhấn mạnh Nhật Bản đang là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Mỹ trong năm ngoái, với tổng số vốn đầu tư lên tới 619,3 tỷ USD.

Đào Tùng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here