Chuỗi cung ứng Trung Quốc trước những thay đổi lớn

0
120
(The Economic Times)
(The Economic Times)

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kết cấu công nghiệp toàn cầu đã có sự thay đổi lớn. Trọng tâm kinh tế toàn cầu chuyển dịch về phía Đông; cách mạng công nghệ mới hình thành các hình thái, mô hình mới; cạnh tranh quốc tế gia tăng; biến đổi khí hậu và hạn chế về tài nguyên và môi trường thúc đẩy công nghiệp chuyển đổi theo hướng cacbon thấp và thân thiện với môi trường.

Đại dịch covid-19 lan rộng đẩy nhanh quá trình thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu, thể hiện trên các phương diện:

(i) Đại dịch đẩy nhanh sự phân hóa ngành nghề trên toàn cầu. Đại dịch tác động mạnh đến trật tự sản xuất và sinh hoạt các nước, nhiều ngành nghề, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí buộc phải đóng cửa. Do trình độ phát triển và khả năng chống chịu rủi ro của các nước khác nhau, vị thế, vai trò, tác dụng của các nước trong phân công lao động quốc tế sẽ được sắp xếp lại sau đại dịch.

(ii) Đại dịch đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu như hiệu quả của phân bổ nguồn lực, “chi phí – lợi ích”, việc bảo đảm an toàn cho chuỗi ngành nghề, chuỗi cung ứng chủ chốt của bản quốc cũng trở thành một trong những yếu tố quan trọng. Các nước Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ đã điều chỉnh chính sách đối với các ngành nghề quan trọng của mình, xu hướng khu vực hóa, nhóm lợi ích chuỗi cung ứng trở lên rõ ràng hơn, cạnh tranh của chuỗi cung ứng sẽ gay gắt hơn, hệ thống và cục diện chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có sự thay đổi lớn.

(iii) Đại dịch đẩy nhanh quá trình số hóa. Kinh tế số đã đóng vai trò không thể thay thế trong phòng chống dịch bệnh, thúc đẩy tiêu dùng tăng trưởng ổn định, hỗ trợ khôi phục sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội. Đại dịch làm nảy sinh nhiều nhu cầu mới, buộc các ngành công nghiệp truyền thống phải chuyển đổi và nâng cấp. Các hình thức kinh doanh trực tuyến, dịch vụ trực tuyến và quản lý trực tuyến bùng nổ; kinh tế số đã nhanh chóng thâm nhập vào các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Các ngành mới nổi như sản xuất thông minh, tiêu dùng trực tuyến, chăm sóc y tế trực tuyến, giáo dục trực tuyến và thương mại điện tử trở thành xu hướng phát triển mới.

Trước những thay đổi của tình hình trong nước và quốc tế, Trung Quốc cần tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi, nâng cấp, nâng cao chất lượng công nghiệp, xây dựng một hệ thống ngành nghề mới hướng ra toàn cầu, có sức cạnh tranh và khả năng phát triển bền vững, cụ thể:

 (i) Đẩy nhanh tốc độ nâng cấp ngành nghề, dùng tư duy chuỗi cung ứng và tư duy đổi mới để định hướng phát triển ngành nghề, thúc đẩy tích hợp ngành sản xuất và ngành dịch vụ, kết hợp tự chủ phát triển với mở cửa phát triển, bồi dưỡng một số doanh nghiệp chủ chốt trong chuỗi cung ứng, thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi sâu phát triển công nghiệp phụ trợ.

(ii) Phân loại thực hiện chính sách đối với chuỗi cung ứng khác nhau: ưu tiên bảo đảm an toàn đối với chuỗi cung ứng vật tư sinh hoạt, ưu tiên đẩy nhanh sản xuất vật tư phòng chống dịch, bảo đảm nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường dự trữ đối với các vật tư chiến lược như dầu thô, phát triển các nhà cung cấp trong nước đối với chuỗi cung ứng công nghệ cao, phòng ngừa rủi ro khi chuỗi cung ứng bên ngoài bị gián đoạn.

(iii) Sử dụng cơ sở hạ tầng mới như một điểm đột phá để đẩy nhanh quá trình số hóa, làm tốt quy hoạch chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng mới trong các lĩnh vực như internet công nghiệp, trung tâm dữ liệu lớn, 5G và F5G, blockchain, hình thành quyền chủ đạo, quyền kiểm soát đối với chuỗi cung ứng xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Đẩy nhanh phát triển các hình thái trực tuyến trong lĩnh vực internet công nghiệp, bán lẻ, dịch vụ tài chính, bồi dưỡng một số doanh nghiệp, thương hiệu trực tuyến hàng đầu. Tăng cường quảng bá các dịch vụ trực tuyến như chăm sóc y tế trực tuyến, giáo dục trực tuyến, thương mại trực tuyến.

(iv) Thúc đẩy doanh nghiệp tái cấu trúc chuỗi cung ứng và chuyển đổi thông minh, doanh nghiệp cần triển khai các kế hoạch tái cấu trúc chuỗi cung ứng phù hợp với tình hình phát triển thực tế, nâng cao tính linh hoạt của chuỗi cung ứng.

(v) Thực hiện bản địa hóa chuỗi cung ứng. Hỗ trợ các ngành công nghệ cao trong nước phát triển, thúc đẩy mua lại và sáp nhập xuyên quốc gia, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch đến Trung Quốc, hình thành hệ thống chuỗi ngành nghề hoàn chỉnh tại Trung Quốc.

(vi) Tích cực thúc đẩy xây dựng hệ thống quản trị và an toàn chuỗi cung ứng toàn cầu.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here