1. Thu hút FDI tháng 7 của Trung Quốc tăng gần 16%
Tại cuộc họp báo ngày 13/8/2020, ông Tôn Trường Thanh, Vụ trưởng Vụ Quản lý vốn đầu tư nước ngoài Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2020, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc đạt kết quả tốt hơn dự kiến.
Số liệu cho thấy, trong tháng 7/2020, Trung Quốc đã thu hút 63,47 tỷ NDT vốn FDI (khoảng 9,05 tỷ USD), tăng 15,8% so với cùng kỳ, tăng trưởng dương trong 4 tháng liên tiếp. Thu hút FDI[1] trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt 535,65 tỷ NDT (khoảng 76,98 tỷ USD), tăng 0,5% so với cùng kỳ, tăng 1,8 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm, chuyển từ tăng trưởng âm sang dương.
Ông Tôn Trường Thanh cho biết, tình hình thu hút FDI của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2020 có 3 đặc điểm chính:
(i) FDI vào ngành dịch vụ tăng mạnh. FDI thực tế trong ngành dịch vụ đạt 414,59 tỷ NDT (khoảng 59,2 tỷ USD), tăng 11,6% so với cùng kỳ, chiếm 77% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc; thu hút FDI trong ngành dịch vụ công nghệ cao tăng 27,4% so với cùng kỳ, trong đó, dịch thông tin (tăng 57,6%), dịch vụ R&D (tăng 57,6%), dịch vụ kỹ thuật chuyên ngành (tăng 166,8%), dịch vụ chuyển đổi thành quả khoa học kỹ thuật (tăng 15,6%);
(ii) FDI từ các nguồn đầu tư chính vẫn tăng ổn định. Nguồn vốn FDI từ Hồng Kông, Singapore và Anh lần lượt tăng 8,2%, 4,6% và 48,6%;
(iii) Nhiều công ty đa quốc gia tiếp tục tăng đầu tư vào Trung Quốc, điển hình là việc Exxon Mobil, BMW, Toyota, INVISTA đẩy mạnh đầu tư, triển khai các dự án tại Trung Quốc. Các dự án quy mô trên 100 triệu USD chiếm 68% tổng giá trị FDI 7 tháng đầu năm.
2. Chỉ số phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc trong tháng 7 tiếp tục được cải thiện
Theo số liệu công bố gần đây của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc, chỉ số phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEDI) của Trung Quốc trong tháng 7/2020 đạt 86,6 điểm, tăng 0,2 điểm so với tháng 6/2020, mức cao nhất kể từ tháng 02/2020.
Chỉ số SMEDI được đánh giá thông qua khảo sát tình hình kinh doanh và sản xuất của 3.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 8 ngành nghề chính. Trong số các doanh nghiệp vừa và nhỏ được khảo sát, 93,55% doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất; tình hình khôi phục sản xuất của ngành bán buôn và bán lẻ đạt mức cao nhất với tỷ lệ 96,67%, ngành khách sạn và ăn uống đạt mức thấp nhất với tỷ lệ 89,74%.
Số liệu cho thấy, chỉ số phát triển của 8 ngành nghề chính vẫn ở dưới ngưỡng phát triển (100). Trong đó, ngành dịch vụ xã hội giảm 0,2% so với tháng 6/2020; ngành giao thông vận tải, ngành bưu chính và kho bãi không thay đổi so với tháng 6/2020; một số ngành có mức tăng nhẹ như ngành công nghiệp (tăng 0,3 điểm), xây dựng (tăng 0,4 điểm), bất động sản (tăng 0,5 điểm), bán buôn bán lẻ (tăng 0,3 điểm), phần mềm và thông tin (tăng 0,5 điểm), khách sạn và ăn uống (tăng 0,3 điểm). Đánh giá từ chỉ số phụ, các chỉ số chi phí, vốn, lao động trong tháng 7/2020 duy trì trên ngưỡng 100; chỉ số kinh doanh, thị trường, đầu tư, thu nhập đều dưới ngưỡng 100.
Theo phân tích của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc, cùng với công tác phòng chống dịch đạt được kết quả rõ rệt và việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích sức sống thị trường, niềm tin của doanh nghiệp được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Trung ương thực hiện sách tiền tệ thận trọng một cách linh hoạt và phù hợp, định hướng hạ thấp lãi xuất thị trường, duy trì thành khoản hợp lý và dồi dào, nhằm hạ thấp chi phí huy động vốn đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu vốn của doanh nghiệp. Ngoài ra, các ban ngành, địa phương ban hành nhiều biện ổn định việc làm, cung và cầu lao động đều được cải thiện rõ rệt, khiến tình hình sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục phục hồi.
[1] Không bao gồm lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)