Kinh tế Ấn Độ liệu có bị “cô lập”?

0
73
(http://tapchitaichinh.vn)
(http://tapchitaichinh.vn)

Ngày 08/8/2020, Thời báo Hoàn cầu đăng bài viết của giáo sư Lầu Xuân Hào, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc với nhan đề “Kinh tế Ấn Độ tự lập liệu có bị ‘cô lập’?”, sau đây là một số nội dung chính:

Sau khi đại dịch Covid-19 lan rộng, Ấn Độ ngày càng nhấn mạnh ý tưởng về cái gọi là “Vòng kinh tế tự lập”. Tháng 5/2020, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công bố kế hoạch kích thích kinh tế quy mô lớn trị giá 20 nghìn tỷ Rupi (khoảng 265 tỷ USD, tương đương 10% GDP của Ấn Độ) và 17 lần nhắc đến từ “tự lực” (Aatma Nirbhar) trong bài phát biểu dài khoảng nửa giờ. Nội dung cốt lõi của kế hoạch này dựa trên 5 trụ cột gồm: kinh tế, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, dân số và nhu cầu; và 8 lĩnh vực gồm: than, khai khoáng, quốc phòng, hàng không dân dụng, phân phối điện, cơ sở hạ tầng xã hội, không gian và năng lượng nguyên tử để xây dựng một “Ấn Độ tự cung, tự cấp”.

Kế hoạch này đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận Ấn Độ và quốc tế. Một mặt, các nhà lãnh đạo Ấn Độ, trong đó có Thủ tướng Modi tích cực thúc đẩy triển khai kế hoạch này. Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan nhanh chóng đề ra một loạt giải pháp hỗ trợ nhằm khẳng định “Ấn Độ tự lập” sẽ là phương châm chỉ đạo lâu dài của chính phủ đối với phát triển kinh tế. Mặt khác, toàn cầu hóa kinh tế đang gặp trở ngại, chuỗi ngành nghề toàn cầu đang tái định hình, Ấn Độ rút khỏi các cuộc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào năm ngoái, và gần đây liên tiếp áp dụng các biện pháp bảo hộ kinh tế chống lại Trung Quốc. Bối cảnh đó khiến người ta có lý do để hoài nghi liệu có phải một Ấn Độ với chủ nghĩa dân tộc kinh tế đang trỗi dậy đang đi theo con đường “cô lập kinh tế” ?

Đưa ra ý tưởng này không phải là hành động nhất thời của chính phủ Ấn Độ, mà là một kế hoạch chủ động phát triển kinh tế. Trong đó, không chỉ phản ánh chủ nghĩa dân tộc kinh tế đang trỗi dậy ở Ấn Độ, mà còn cho thấy Ấn Độ muốn nội địa hóa chuỗi ngành nghề, qua đó nâng cao tính an toàn của chuỗi ngành nghề trong nước, tích cực tận dụng cơ hội định hình lại chuỗi ngành nghề toàn cầu và việc Mỹ đẩy nhanh quá trình phân tách các ngành công nghiệp ra khỏi Trung Quốc, đưa Ấn Độ trở thành “điểm đến thay thế của ngành công nghiệp chế tạo”. Tuy nhiên, ý tưởng “tự lực” của Ấn Độ đối mặt với nhiều hạn chế và vẫn cần phải chờ xem kết quả cuối cùng.

Một là, khó có thể tiến hành thuận lợi cải cách kinh tế trong nước. Năm 2014, ông Modi đã sử dụng “con bài phát triển kinh tế” để giành ghế Thủ tướng. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã đưa ra nhiều đề xuất cải cách nhưng hầu hết chỉ dừng ở khẩu hiệu, cải cách kinh tế thiếu hiệu quả. Ví dụ điển hình là “Make in India” (sản xuất tại Ấn Độ). Do sự chậm trễ trong cải cách luật lao động, luật đất đai và sự thiếu hụt lao động tay nghề cao, tỷ trọng của ngành công nghiệp chế tạo trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ đã giảm từ 15% năm 2014 xuống 14% năm 2019. Trong bối cảnh hệ thống các ngành công nghiệp kém phát triển, chuỗi cung ứng thiếu hoàn chỉnh, kế hoạch “tự lực cánh sinh” của Ấn Độ rất cần nguồn vốn quốc tế rót vào. Nếu không, kế hoạch này sẽ là sự “quay ngược bánh xe lịch sử”, trở lại với chính sách “thay thế nhập khẩu” hẹp hòi.

Tuy nhiên, nền tảng chủ nghĩa dân tộc kinh tế của chính phủ Modi, cùng với sự phản đối của các thế lực bảo thủ trong nước khiến Chính phủ Ấn Độ rất khó thúc đẩy các cải cách kinh tế sâu rộng, từ đó hạn chế khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng như thực hiện tái cơ cấu chuỗi ngành nghề. Theo số liệu từ Nomura Securities, trong số 56 công ty rời khỏi Trung Quốc từ tháng 4 đến tháng 8/2019, có 26 công ty chuyển đến Việt Nam, 11 công ty chuyển đến Đài Loan, 8 công ty chuyển đến Thái Lan và chỉ có 3 công ty chuyển đến Ấn Độ. Do đó, mặc dù Chính phủ Modi nhiều lần nhấn mạnh cải thiện môi trường kinh doanh và “tự lập” không phải là “cô lập kinh tế”, nhưng trong bối cảnh Ấn Độ thiếu động lực cải cách kinh tế và tình hình đại dịch Covid-19 vẫn chưa đi đến hồi kết, dòng vốn quốc tế sẽ vẫn trong trạng thái “chờ đợi”, chưa chảy vào Ấn Độ.

Hai là, khó thoát khỏi sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ rõ sự phụ thuộc sâu của Ấn Độ vào chuỗi ngành nghề Trung Quốc. Điều này khiến các quan chức và giới hoạch định chiến lược Ấn Độ lo ngại về sự an toàn của chuỗi ngành nghề quốc gia. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng thúc đẩy Ấn Độ khởi động ý tưởng “tự lập”. Chính phủ Ấn Độ một mặt tìm cách “đa dạng hóa” chuỗi ngành nghề quốc tế “China +”; mặt khác tăng cường hỗ trợ các ngành nghề trong nước, thực hiện “nội địa hóa” chuỗi ngành nghề. Trong bài phát biểu hồi đầu tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Ấn Độ nhấn mạnh, động lực quan trọng để Ấn Độ “tự lập” chính là “đánh giá lại sự phụ thuộc quá mức về nguyên liệu, linh kiện trong các ngành công nghiệp chủ chốt của Ấn Độ vào một quốc gia và khu vực cụ thể”.

Tuy nhiên, chuỗi ngành nghề hiện có ở Trung Quốc và Ấn Độ là kết quả của việc phân bổ thị trường trong quá trình toàn cầu hóa. Mặc dù can thiệp chính trị sẽ làm thay đổi chuỗi ngành nghề vốn có, nhưng đây là quá trình lâu dài. Những năm gần đây, Mỹ vận động nhiều đồng minh thực hiện “phân tách” kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến lược này khó thành công, đó là chưa tính đến thực trạng của Ấn Độ với hệ thống công nghiệp trong nước chưa hoàn thiện. Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 70% nguyên liệu thô, 25% phụ tùng ô tô, 50% linh phụ kiện hàng tiêu dùng, 80%-85% máy nén khí của Ấn Độ được nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu Ấn Độ dùng chiêu bài “tự lập” để thực hiện “thay thế nhập khẩu”, kinh tế Ấn Độ sẽ đứng trước rủi ro “đứt nguồn cung”, chứ chưa nói đến cái gọi là “tự lực”.

Ba là, khó phát triển các cụm ngành nghề hoàn chỉnh. Ấn Độ tin rằng dịch Covid-19 đã đẩy nhanh việc phân tách kinh tế Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia khác khỏi Trung Quốc, tạo cơ hội thu hút các công ty nước ngoài chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Một số quan chức Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Pompeo, nhiều lần tuyên bố Ấn Độ có thể trở thành điểm đến của các công ty Mỹ sau khi rời khỏi Trung Quốc, và rằng Chính phủ Mỹ sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho việc dịch chuyển đầu tư. Đầu tháng 5 vừa qua, một quan chức Ấn Độ tiết lộ với giới truyền thông rằng Chính phủ Ấn Độ đã tiếp xúc với một số công ty Mỹ có ý định chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Tuy nhiên, nền sản xuất hiện đại đòi hỏi mạng lưới chuỗi ngành nghề lớn và phức tạp. Ngay cả khi thành công trong thu hút đầu tư từ một số công ty quốc tế thì Ấn Độ cũng không thể xây dựng một mạng lưới chuỗi cung ứng quy mô cực lớn dựa trên chuỗi ngành nghề hoàn chỉnh như Trung Quốc. Ấn Độ khó có thể vượt, hay thậm chí thay thế Trung Quốc trong chuỗi ngành nghề.

Dịch bệnh Covid-19 cùng với gia tăng cọ sát kinh tế, thương mại Trung – Mỹ làm gia tăng tính không chắc chắn và nguy cơ đứt gãy chuỗi ngành nghề và chuỗi cung ứng toàn cầu. Tăng cường an toàn cho chuỗi cung ứng trong nước trở thành lựa chọn của một số quốc gia. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ thúc đẩy kế hoạch “tự lập” kinh tế. Tuy nhiên, nếu đây chỉ là hành động mang tính đầu cơ, thiếu cải cách kinh tế trong nước và nhấn mạnh quá mức vào việc tách rời, thậm chí cạnh tranh với chuỗi ngành nghề Trung Quốc, kế hoạch “tự lập” của Ấn Độ sẽ bị chệch hướng, khó đạt được các mục tiêu đề ra.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here