Chế độ của Tổng thống Nicolás Maduro một lần nữa phải đóng cửa các trạm xăng trên toàn quốc khi tình trạng thiếu nhiên liệu trở nên ngày càng trầm trọng, động thái này là do 02 nhà máy lọc dầu lớn nhất phải ngừng hoạt động và lượng nhiên liệu đến từ Iran vào cuối tháng 5 đang dần cạn kiệt. Iran cũng đã cử các kỹ thuật viên khôi phục hoạt động của các nhà máy lọc dầu nhưng không thành công.
Khoảng 950 trên tổng số 1.570 trạm xăng trên toàn quốc (60%) đã đóng cửa, trong đó 70% trạm bán xăng trợ giá và 50% các trạm bán xăng bán bằng USD. Venezuela đã quay trở lại tình trạng cách đây 5 tháng, khi người dân đứng trước 02 lựa chọn: phải xếp hàng dài vài ngày hoặc phải trả tới 4 USD/lít để mua xăng chợ đen.
Các phương tiện giao thông công cộng hoat động rất hạn chế, người lao động thậm chí phải đi bộ hàng chục ki-lô-mét để đến nơi làm việc. Dự báo một cuộc khủng hoảng hậu cần sắp xảy ra khi 90% hàng hóa thương mại Venezuela phụ thuộc vào vận tải đường bộ.
Jonathan Durvelle, trưởng phòng vận chuyển hàng hóa tại Puerto Cabello, cảng lớn nhất Venezuela, cho biết các dịch vụ vận chuyển hàng hóa đã chậm lại do nguồn cung dầu diesel đang rất thấp. Hiện có khoảng 3.000 xe tải chở hàng liên kết đã xếp hàng trong nhiều ngày để chờ vận chuyển.
Manolo Ferraz, đại diện nông dân đến từ Bailadores ở vùng núi Andean (nơi cung cấp 85% lượng rau cả nước) cho biết họ đã phải vứt bỏ bắp cải, cà rốt, rau xanh,… vì thiếu nhiên liệu để vận chuyển đến các trung tâm phân phối.
Theo nhà kinh tế và Phó Chủ tịch Quốc hội (đối lập) José Guerra, Venezuela không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc mua hoặc trao đổi dầu thô lấy xăng của Iran vì sẽ không có quốc gia nào giao dịch với Venezuela tại thời điểm này. Đây là một bài toán nan giải vì giá xăng từ Iran sẽ cao do cước phí vận chuyển và bảo hiểm để thực hiện hành trình khoảng 13.600 km trong 21 ngày đến các bờ biển của Venezuela, ước tính chi phí sẽ tăng tối thiểu 10%.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)