Đầu tư nước ngoài năm 2020-Cơ hội và thách thức cho Việt Nam

0
1291
(ảnh minh hoạ)

Đối với những nước đang phát triển với nguồn tích lũy vốn nội bộ trong nền kinh tế còn thấp như Việt Nam, việc thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài, trong đó có nguồn vốn FDI là rất cần thiết cho phát triển nền kinh tế. Trong những năm qua, việc thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI tại Việt Nam đã có những kết quả đáng khích lệ. Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế tạo ra nhiều cơ hội trong việc thu hút nguồn vốn FDI, tuy nhiên những biến động của nền kinh tế toàn cầu cũng đặt ra không ít những thách thức khó khăn cho Việt Nam.

  1. Tổng quan về FDI 2019

Năm 2019 chứng kiến bức tranh kinh tế Việt Nam tiếp tục có nhiều mảng sáng, 12/12 chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài.

– Về tình hình đầu tư nước ngoài:

Trong năm 2019, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong bối cảnh suy giảm chung của dòng vốn FDI toàn cầu, việc vẫn duy trì được mức tăng trưởng là thành quả đáng khích lệ.

– Về tình hình xuất, nhập khẩu:

Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 181,35 tỷ USD, tăng 4.2% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 68,8% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 179,33 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 68,1% kim ngạch xuất khẩu.

Nhập khẩu của khu vực FDI đạt gần 145,5 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 57,4% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong năm 2019, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 35,86 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 33,8 tỷ USD không kể dầu thô. Như vậy, thặng dư thương mại từ khu vực đầu tư nước ngoài là nguồn bù đắp cho phần nhập siêu 25,9 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, khiến cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư 9,9 tỷ USD trong năm 2019.

– Về tình hình đăng ký đầu tư:

Tính đến ngày 25/12/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó:

+ Vốn đăng ký mới: đến ngày 25/12/2019, cả nước có 3.883 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư, tăng 27,5% số dự án so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký cấp mới 16,75 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2018. Quy mô vốn đăng ký bình quân của dự án mới giảm từ 5,9 triệu USD năm 2018 xuống còn 4,3 triệu USD năm 2019. Mặc dù vốn đầu tư đăng ký mới trong năm 2019 giảm nhưng tốc độ giảm đã nhỏ dần so với các tháng trước. Nếu không tính các dự án lớn trên 1 tỷ USD được cấp mới thì tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong năm 2019 tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2018.

+ Vốn điều chỉnh: có 1.381 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký điều chỉnh 5,8 tỷ USD, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong năm 2019, quy mô điều chỉnh mở rộng vốn của các dự án nhỏ.

– Về lĩnh vực đầu tư:

Trong năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 24,56 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong vốn đăng ký cả về đăng ký vào các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng và góp vốn, mua cổ phần.

– Về đối tác đầu tư:

Trong năm 2019, đã có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,92 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hồng Kông đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 7,87 tỷ USD; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,5 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư; Tiếp theo là các nước Nhật Bản, Trung Quốc,… Trong đó, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Cụ thể: đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 1,65 lần, từ Hồng Kông tăng 2,4 lần so với cùng kỳ 2018.

  1. Đầu tư nước ngoài năm 2020 – Cơ hội và thách thức

2.1. Cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm ước đạt 34% GDP, 3 năm (2017 – 2019) ước đạt 33,5% (mục tiêu 5 năm 32-34%). Tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước giảm; tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước tăng, trong đó đầu tư tư nhân ước đạt 42,4%, bình quân 3 năm 2017 – 2019 đạt 40,8%, cao hơn giai đoạn 2011 – 2015 (38,3%). Tổng vốn đăng ký của các dự án FDI cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần năm 2019 (tính đến 25/12/2019) đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện tiếp tục tăng tích cực, năm 2019 giải ngân đạt khoảng 20,38 tỷ USD (tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018) cao nhất từ trước đến nay. Xu hướng tăng trưởng đều trong những năm qua có thể coi là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của dòng vốn FDI trong năm 2020. Thực tế cho thấy, Việt Nam đang có khá nhiều cơ hội để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu thu hút dòng vốn FDI:

Thứ nhất, trong những năm gần đây xu hướng của nguồn vốn FDI vào châu Á đang có hướng đi mới, chuyển dịch từ Trung Quốc (hiện đứng đầu thế giới về thu hút FDI) sang các nước khác, mà Việt Nam lại là một quốc gia đang được đánh giá cao trong khu vực; được xem là điểm đến tiềm năng đối với các tập đoàn xuyên quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã vượt qua biên giới của hai nước, tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã khiến nhiều ngành công nghiệp điêu đứng, trong đó lĩnh vực công nghệ bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Điều này khiến các hãng công nghệ có xu hướng chuyển hướng đầu tư, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn và chưa có dấu hiệu được kiểm soát cũng khiến các tập đoàn lớn suy nghĩ đến việc không nên tập trung toàn bộ nguồn lực vào một nơi. Một vài ông lớn như Google và Microsoft đang cố chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại, laptop… từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. Việt Nam và Thái Lan dự kiến sẽ là điểm đến được hai ông lớn công nghệ này lựa chọn. Rõ ràng, đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam chiếm lĩnh thị phần.

Thứ hai, dư địa để thu hút thêm vốn FDI là rất lớn, theo báo cáo công bố của UNCTAD, với 14,5 tỷ USD vốn FDI thực hiện năm 2015, vốn FDI đổ vào Việt Nam chỉ chiếm hơn 1% FDI toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có cơ hội rất lớn để thu hút thêm nguồn vốn FDI quan trọng này.

Thứ ba, Việt Nam bước đầu tham gia vào các hiệp định thương mại tự do mới, việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan sẽ tạo thuận lợi cho thương mại hai chiều giữa nước ta với các nước phát triển khác như Mỹ, Đức, Anh, Pháp,… Đây là cơ hội tốt có tác động tích cực đến dòng vốn FDI từ những nền kinh tế lớn đổ vào Việt Nam. Quan hệ hợp tác Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) đã có những phát triển tích cực và toàn diện. Đặc biệt, việc Nghị viện châu Âu thông qua hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA); Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam (EVIPA) ngày 12/2/2020 kỳ vọng sẽ tạo ra bước phát triển mạnh mẽ trong thu hút nguồn vốn FDI từ các nước EU vào Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chính là thời điểm – thời cơ mở ra một kỷ nguyên mới trong thu hút FDI vào Việt Nam.

Khi Việt Nam tổng kết 30 năm thu hút FDI, câu chuyện về một “kỷ nguyên mới” trong thu hút FDI đã được nhắc tới. Với những cơ hội đang đặt ra ngay trước mắt, rõ ràng không còn là kỳ vọng hay kế hoạch, mà “kỷ nguyên mới” đó dường như đã gần với hiện thực hơn rất nhiều. Nhìn nhận được những cơ hội tiềm năng này, Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị đã vạch ra mục tiêu cụ thể về số lượng và chất lượng của dòng vốn FDI trong giai đoạn tới, từng bước đưa Việt Nam trở thành một nền “kinh tế xanh”.

2.2. Thách thức trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Bên cạnh những cơ hội rất lớn, Việt Nam cũng đứng trước không ít những khó khăn, thách thức trong quá trình thu hút nguồn vốn FDI, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến của nền kinh tế thế giới đang diễn biến khó lường do hậu quả của chiến tranh thương mại và đại dịch Covid-19 gây nên, cụ thể:

Thứ nhất, môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng hoàn toàn được yêu cầu của các nhà đầu tư quốc tế. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam nhưng nhiều doanh nghiệp FDI vẫn than phiền về những bất cập trong môi trường đầu tư như thủ tục hành chính rườm rà, hạ tầng và công nghiệp phụ trợ yếu kém, lạm phát gia tăng,… Luật Đầu tư 2014 đã có nhiều thay đổi đáng kể nhưng lại khiến các nhà đầu tư không kịp xoay xở và không yên tâm đầu tư kinh doanh. Đây là vấn đề đã được các nhà đầu tư nước ngoài đề cập nhiều lần tại các hội nghị đầu tư trong và ngoài nước hàng năm.

Khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nói chung và môi trường đầu tư Việt Nam nói riêng có thể coi là thách thức lớn nhất trong việc thu hút FDI, vì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng của nguồn vốn FDI. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi các giải pháp tăng cường thu hút, sử dụng hiệu quả và quản lý nguồn vốn trong giai đoạn tới. Điều này đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, nguồn vốn FDI vào Việt Nam thiếu tính bền vững, vì vẫn phụ thuộc quá nhiều vào một vài dự án quy mô vốn lớn. Trong những năm trở lại đây, nguồn vốn FDI hàng năm đều dựa vào một số dự án tỷ đô của các nhà đầu tư đến Việt Nam, như dự án Samsung, LG Display,… Đó là những dự án có quy mô có thể mang lại nhiều lợi ích cho địa phương, tuy nhiên, nếu những dự án này không được cấp phép, hoặc rút vốn, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến địa phương đó.

Thứ ba, Việt Nam đang mất dần lợi thế thu hút FDI so với các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, do mất dần lợi thế về nhân công, tài nguyên và chính sách ưu đãi. Đặc biệt, gần đây, sự trỗi dậy của Ấn Độ cũng có thể coi là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc thu hút FDI.

Thứ tư, hiện nay Việt Nam đang phải chọn lựa những dự án đầu tư chất lượng hơn như: có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và ít ô nhiễm môi trường hơn, điều này khiến cho số lượng các dòng vốn FDI có thể sẽ bị giảm sút.

Thứ năm, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những hạn chế trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thực sự là một thách thức không nhỏ cho Việt Nam để đạt được những mục tiêu thu hút FDI như kỳ vọng.

Ths. Phạm Thị Thùy Linh (Trường ĐHKT-KTCN)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Kế hoạch và Đầu tư (2019), Số liệu về tình hình thu hút vốn FDI các năm từ 2017 đến 2019.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Kỷ yếu Hội nghị 30 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
  3. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2019.
  4. Lê Thị Khánh Ly, Nguyễn Thị Thúy (2018), Một số giải pháp tăng cường thu hút FDI trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 07 tháng 03/2018 (683).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here