WB dự đoán 4 xu hướng phát sinh mới của kinh tế Việt Nam sau dịch Covid-19

0
110
World Bank tin tưởng Việt Nam sẽ chịu đựng tốt cú sốc từ Covid-19 và phục hồi. (Nguồn: Financial Times)

Vai trò mới của nhà nước, sự trỗi dậy của nền kinh tế không đòi hỏi tiếp xúc, dấu ấn trong nền kinh tế thế giới đang được nâng lên và sự thận trọng trong theo dõi bất bình đẳng mới là 4 xu hướng phát sinh mới của kinh tế Việt Nam hậu Covid-19.

Trong buổi công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam T7/2020: “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của Covid-19”,  Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong nửa đầu 2020 nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm và 6,8% trong 2021 nếu tình thế thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020.

Trường hợp thế giới kém thuận lợi hơn, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021. Đây là những con số thấp hơn so với dự báo của nhiều tổ chức khác nhưng cũng là kết quả tương đối tích cực so với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới.

Bên cạnh đó, WB khẳng định, kinh tế Việt Nam, dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, vẫn chịu đựng tốt và sẽ phục hồi.

WB cho rằng, thách thức lớn của Việt Nam là phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục. Động lực tăng trưởng truyền thống của Việt Nam là sức cầu từ nước ngoài và tiêu dùng trong nước. Hai động lực này khó có thể sớm quay lại như trước khủng hoảng do vẫn còn nhiều yếu tố bất định cả trong nước và bên ngoài.

Quyền giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam Stefanie Stallmeister cho rằng, để thích nghi với trạng thái bình thường mới, các nhà hoạch định chính sách cần tìm ra hướng đi mới để bù lại cho những động lực tăng trưởng truyền thống đang yếu đi, đồng thời quản lý được tình trạnh bất bình đẳng gia tăng.

Tuy nhiên, theo bà Stefanie Stallmeister, nhờ đi trước các nước trong việc xử lý khủng hoảng Covid-19, Việt Nam có được cơ hội đặc biệt để tăng hiện diện của mình trên kinh tế toàn cầu và trở thành quốc gia đi đầu trong thế giới công nghệ số của ngày mai.

Bà Stefanie Stallmeister khẳng định, cuộc khủng hoảng lần này khác với lần trước và nếu được quản lý tốt thì khủng hoảng lần này có thể giúp Việt Nam tiến nhanh tới ước vọng thịnh vượng và trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. “Dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời thế giới”, bà Stefanie Stallmeister nhấn mạnh.

Về tác động của dịch Covid-19 đến Việt Nam, chuyên gia Kinh tế trưởng Jacques Morisset cho rằng, 4 xu hướng mới phát sinh sau dịch Covid-19.

Thứ nhất, Việt Nam sẽ bị rủi ro về bẫy kinh tế trước mắt. Ông cho rằng, Việt Nam sẽ phải tìm động lực mới và động lực mới có thể là từ khu vực nhà nước. Vị chuyên gia nhận định, khu vực nhà nước sẽ là động lực chính của đất nước trong vài năm tới.

Việt Nam làm rất tốt trong quản lí chính sách tài khóa kể từ năm 2016, tỉ lệ nợ trên GDP giảm 7% trong vòng ba năm qua. Chính phủ đã giảm được nợ công và ông cho biết Việt Nam là một trong số ít các quốc gia không phải tăng nợ vay từ khi dịch bắt đầu nhờ nguồn dự trữ ngân quĩ tốt.

Thứ hai, thế giới sẽ áp dụng công nghệ số nhiều hơn so với những gì chúng ta hình dung trước khi có khủng hoảng Covid-19. Do đó, Chính phủ cần phải hành động rất nhiều và ngay từ bây giờ, tính đến dịch vụ trực tuyến cho giáo dục và y tế bởi tầng lớp trung lưu sẽ đòi hỏi chất lượng ngày càng cao.

Thương mại điện tử và thanh toán công nghệ số sẽ phải song hành với nhau, vị chuyên gia kinh tế đề xuất. Đồng thời, khi thực hiện Chính phủ điện tử, điều này sẽ giảm chi phí giao dịch cho cả khu vực công và khu vực tư nhân.

Thứ ba, xu hướng sau đại dịch của Việt Nam là cơ hội để lại dấu ấn hơn trong nền kinh tế thế giới, bởi Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong công tác phòng, chống dịch.

Khi mà thương mại toàn cầu bị suy giảm và các chuỗi giá trị toàn cầu tái cấu trúc, khi các quốc gia vẫn còn đang chống chọi dịch thì ta có thể thấy chuỗi dịch chuyển giá trị tới Việt Nam tăng lên.

Thứ tư,  Việt Nam cần thận trọng theo dõi tình trạng bất bình đẳng mới. Ông cho rằng Việt Nam không tăng trưởng nhanh, mà tăng trưởng rất cân bằng. Chính Covid-19 đã tạo ra tình trạng bất bình đẳng mới giữa ngành, địa bàn,…

Chính phủ cần điều chỉnh chính sách bảo đảm xã hội vì người nghèo mới chưa chắc đã là người nghèo cũ. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh hệ thống thuế sao cho có tính chất phân phối cao hơn – từ giảm thuế trên thu nhập của người lao động đến tăng thuế trên lợi tức bất động sản, đầu tư và công nghệ số.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here