Các doanh nghiệp Trung Quốc đối mặt nhiều rủi ro hơn khi đầu tư ra nước ngoài

0
182
(https://foreignpolicy.com)
(https://foreignpolicy.com)

Báo cáo “Xếp hạng mức độ rủi ro đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc 2020” do Viện nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố gần đây cho thấy, cùng với leo thang căng thẳng thương mại Trung-Mỹ diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 khiến môi trường đầu tư toàn cầu xấu đi, rủi ro về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục gia tăng.

Báo cáo đánh giá toàn diện các rủi ro chính mà doanh nghiệp Trung Quốc phải đối mặt khi đầu tư ra nước ngoài; đánh giá 114 quốc gia và khu vực dựa trên 42 các chỉ số về nền tảng kinh tế, khả năng thanh toán nợ, sức đàn hồi của xã hội, rủi ro chính trị và quan hệ với Trung Quốc; kết quả xếp hạng được phân làm 9 mức độ từ thấp đến cao AAA, AA, A, BBB, BB, B, CCC, CC và C. Trong đó, AAA-AA là mức rủi ro thấp gồm 18 quốc gia, A-BBB là mức rủi ro trung bình gồm 68 quốc gia, BB-B là mức rủi ro cao gồm 28 quốc gia.

Đánh giá từ kết quả xếp hạng, nền tảng kinh tế của các quốc gia phát triển tương đối tốt, rủi ro chính trị thấp, tính đàn hồi của xã hội tốt, khả năng thanh toán nợ cao, rủi ro về đầu tư thấp hơn so với các nền kinh tế mới nổi. Trong số 18 quốc gia có rủi ro thấp, chỉ có UAE là nền kinh tế mới nổi, xếp thứ 15. Còn đối với các nền kinh tế mới nổi, thực tế vẫn còn tồn tại khoảng cách nhất định về nền tảng kinh tế, rủi ro chính trị so với các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên trong tương lai, khi nhu cầu đầu tư tăng lên, các nền kinh tế mới nổi vẫn là điểm đến tiềm năng nhất đối với doanh nghiệp Trung Quốc.

So với xếp hạng năm 2019, trong số các nền kinh tế phát triển, có 10 quốc gia tăng hạng, 17 quốc gia tụt hạng và 04 quốc gia không thay đổi thứ hạng. Đáng chú ý, xếp hạng rủi ro đầu tư tại Mỹ liên tục giảm trong những năm gần đây, từ vị trị thứ 4 năm 2018 xuống vị trí 27 năm 2020. Theo đánh giá, với việc thực hiện “Đạo luật hiện đại hóa đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài” (FIRRMA) của Mỹ, đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Mỹ sẽ trở lên khó khăn hơn, nhiều vụ mua lại và sát nhập (M&A) của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ bị gián đoạn do lý do an ninh quốc gia, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao, tài chính, cơ sở hạ tầng.

Trong số các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển, 28 quốc gia tăng hạng, 50 quốc gia tụt hạng, 5 quốc gia không thay đổi thứ hạng. Trong đó, Nicaragua tăng hạng nhanh nhất, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc ít có hoạt động đầu tư tại đây. Trong số các điểm đến ưa thích của các đầu tư Trung Quốc, rủi ro đầu tư tại các nước Uzbekistan, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan tăng lên, đây là điều các nhà đầu tư Trung Quốc cần thận trọng.

Về xếp hạng rủi ro đối với 51 quốc gia dọc tuyến “Vành đai và Con đường”. Báo cáo nhận định, rủi ro về đầu tư tại khu vực “Vành đai và Con đường” cao hơn mặt bằng chung. Các quốc gia dọc tuyến “Vành đai và Con đường” chủ yếu là các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tại Châu Á, nền tảng kinh tế tương đối kém, kết cấu kinh tế đơn nhất, tính ổn định kinh tế thấp, kết cấu nợ không hợp lý, năng lực thanh toán nợ yếu; một số quốc gia Tây Á có địa chính trị phức tạp, chế độ thay đổi thường xuyên và rủi ro chính trị cao, khiến cho đầu tư tại đây trở nên không chắn chắn.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here