Chuyển dịch chuỗi công nghiệp và ứng phó của Trung Quốc

0
98
(Internet)
(Internet)

Trong thời gian qua, do các yếu tố chi phí sản xuất tăng, các điều kiện về tài nguyên và môi trường ngày càng khắt khe, cọ sát thương mại Trung-Mỹ leo thang, lĩnh vực chế tạo loại hình gia công theo thiết kế, thâm dụng lao động của Trung Quốc đã có hiện tượng dịch chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á; dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, khiến các quốc gia phát triển cân nhắc việc chuyển chuỗi sản xuất về chính quốc. Đây là một trong những vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt và giải quyết trong quá trình phát triển.

Chuyển dịch chuỗi công nghiệp tại Trung Quốc có một số đặc điểm chính: (i) chủ yếu là các ngành thâm dụng lao động như dệt may, sản xuất điện tử tiêu dùng; phần lớn là các ngành sử dụng nguyên liệu và tiêu thụ phụ thuộc vào bên ngoài; (ii) chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân; (iii) chủ yếu diễn ra tại khu vực ven hải miền Đông như khu vực đồng bằng sông Châu Giang và đồng bằng sông Trường Giang; (iv) các quốc gia Đông Nam Á là điểm đến hàng đầu, một số lựa chọn quay về chính quốc hoặc các khu vực xung quanh. Hiện tại, chuyển dịch chuỗi công nghiệp tại Trung Quốc đang ở giai đoạn đầu, nhưng có xu hướng tăng tốc trong hai năm trở lại đây. Bên cạnh đó, đã xuất hiện hiện tượng chuyển dịch của một số doanh nghiệp hàng đầu trong chuỗi cung ứng dẫn theo sự chuyển dịch theo cụm của các doanh nghiệp hạ nguồn, doanh nghiệp phụ trợ và dần dần lan từ ngành sản xuất cấp thấp chuyển sang ngành chế tạo trung và cao cấp. Đại dịch COVID-19 có thể sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch này, đây là điều Trung Quốc cần theo dõi chặt chẽ.

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến sự chuyển dịch chuỗi công nghiệp, nhiều chuyên gia nhận định: (i) Đây là kết quả tất yếu của quá trình toàn cầu hóa, là quy luật của phát triển kinh tế thế giới[1]; (ii) Chi phí lao động, đất đai và các chi phí khác như thuế, tài chính, logistics và nguyên liệu thô trong những năm gần đây tăng cao[2]; (iii) Cọ sát thương mại Trung-Mỹ dẫn đến chi phí xuất khẩu tăng; các biện pháp áp thuế của Mỹ, lo ngại căng thẳng leo thang và mở rộng sang nhiều lĩnh vực; (iv) tiến trình nâng cấp ngành nghề và phát triển thân thiện môi trường buộc ngành sản xuất cấp thấp, thâm dụng lao động từng bước rút khỏi Trung Quốc; (v) sức thu hút của thị trường và tiềm lực phát triển của các quốc gia mới nổi; (vi) phổ biến ứng dụng công nghệ mới như tự động hóa và robot chế tạo khiến tỷ lệ chi phí lao động trong tổng chi phí sản xuất giảm, cùng với tác động của cọ sát thương mại khiến một số ngành chế tạo có hàm lượng kỹ thuật, thị trường tiêu thụ tại Mỹ và châu Âu dịch chuyển về các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Đánh giá về mặt lợi và bất lợi của việc chuyển dịch chuỗi công nghiệp, các chuyên gia nhận định: Về mặt lợi, việc chuyển dịch không chỉ tạo sức ép buộc khu vực miền Tây đẩy nhanh nâng cấp ngành nghề, mà còn tạo cơ hội phát triển cho các ngành công nghiệp mới nổi, thúc đẩy chuyển đổi động lực mới và cũ, có lợi cho việc tối ưu hóa phân bổ nguồn tài nguyên; phù hợp với nhu cầu “đi ra ngoài” của  doanh nghiệp Trung Quốc, có lợi cho việc mở rộng không gian phát triển của ngành sản xuất truyền thống; mặc dù một số ngành công nghiệp thâm dụng lao động dịch chuyển, nhưng các doanh nghiệp thượng nguồn, hạ nguồn, doanh nghiệp phụ trợ vẫn ở trong nước, Trung Quốc có thể nắm bắt thời cơ để xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất với Trung Quốc là trọng tâm, nâng cao vị thế của Trung Quốc trong chuỗi giá trị.

Về mặt bất lợi, việc chuyển dịch khiến đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc chuyển dịch theo, đồng thời các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc chịu sự cạnh tranh quốc tế từ các nước tiếp nhận; tác động đến chiến lược chuyển dịch chuỗi công nghiệp từ khu vực miền Đông sang khu vực miền Trung, miền Tây; kéo theo sự chuyển dịch của một số ngành dịch vụ có tính sản xuất; tạo áp lực về việc làm.

  Các chuyên gia đưa ra một số khuyến nghị: (i) giảm chi phí tổng hợp của ngành chế tạo, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế, phí; tăng cường cải cách kết cấu theo hướng trọng cung tài chính, định hướng các ngân hàng đặt trọng tâm phục vụ ngành chế tạo; tiếp tục tăng cường cải cách “phân quyền, quản lý, phục vụ”; thúc đẩy cải cách đất đai, nguồn lao động, năng động, điện lực theo hướng thị trường hóa; (ii) đẩy nhanh xây dựng hệ thống ngành nghề hiện đại để hỗ trợ phát triển chất lượng cao; thúc đẩy các ngành công nghiệp truyền thống chuyển đổi và nâng cấp; đẩy nhanh phát triển các ngành công nghiệp mới nổi; phát triển kinh tế số; (iii) bồi dưỡng một số khu thí điểm tiếp nhận chuyển dịch công nghiệp tại khu vực miền Tây, miền Trung; (iv) thuận theo xu thế, chủ động định hướng ngành chế tạo “đi ra ngoài”, xây dựng mạng lưới sản xuất “Trung Quốc thiết kế- Asean sản xuất” hoặc “Thương hiệu Trung Quốc- Asean chế tạo”, hình thành hệ thống chuỗi giá trị xuyên quốc gia và hệ thống phân công chuỗi công nghiệp với Trung Quốc làm chủ đạo; (v) tối ưu hóa kết cấu thu hút đầu tư đối với ngành chế tạo; tiếp tục mở cửa ngành chế tạo, mở cửa cho đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực hơn nữa; khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ngành chế tạo tiên tiến, công nghệ cao, khu vực miền Trung, miền Tây; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuỗi công nghiệp công nghệ cao, thu hút các doanh nghiệp có công nghệ then chốt của các quốc gia phát triển đến đầu tư, sản xuất và nghiên cứu tại Trung Quốc; tận dụng ưu thế thị trường siêu lớn.

[1] Sự chuyển dịch công nghiệp đầu tiên xảy ra vào giữa thế kỷ 19, các ngành dệt may chuyển dịch từ Anh sang Mỹ, châu Âu; sau đó lại chuyển dịch từ Mỹ và châu Âu sang Nhật Bản và “4 con rồng châu Á” sau lại Thế chiến II; tiếp tục lại chuyển dịch sang Trung Quốc sau khi Trung Quốc tiến hành cải cách, mở cửa và hiện tại là lần chuyển dịch thứ 4 từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á.

[2] Năm 2018, tiền lương cơ bản bình quân hàng tháng trong ngành chế tạo của Trung Quốc là 493 USD, gấp 1,19 lần so với Malaysia, 1,46 lần so với Việt Nam và 3,04 lần so với Myanmar; Tổng thuế suất của Trung Quốc năm 2019 là 59,2%, cao hơn 23,1% của Campuchia, 24,1% của Lào, 31,2% của Myanmar, 43,1% của Philippines, 29,5% của Thái Lan và 37,6% của Việt Nam.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here