Lượng kiều hối của Bangladesh chuyển về đạt mức cao kỷ lục 2,6 tỷ USD trong tháng 7

0
90
(ảnh minh hoạ)

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), trong kịch bản tồi tệ nhất do tác động của đại dịch Covid-19, kiều hối Bangladesh có thể giảm 27,8% vào năm 2020, do kiều dân bị mất việc làm và cắt giảm việc làm.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, dòng kiều hối về Châu Á và Thái Bình Dương sụt giảm 2,7%, kiều hối của Bangladesh giảm 19,3%.

Nghiên cứu của một tổ chức về tài chính có trụ sở tại Manila với tiêu đề “Ảnh hưởng Covid-19 đối với di cư quốc tế, kiều hối và hộ gia đình người nhận ở các nước đang phát triển châu Á” hôm thứ Hai (03/8) cho biết, trong trường hợp xấu nhất, do tác động của Covid-19, lượng kiều hối giảm dao động từ mức 5,2% so với kiều hối cơ bản năm 2018 đối với nền kinh tế bị ảnh hưởng ít nhất, đến mức gần 30% đối với nước bị ảnh hưởng nặng nhất. Trong số các nền kinh tế Châu Á đang phát triển, năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Nepal, nơi kiều hối có thể giảm 28,7%, Tajikistan 27,9%, Bangladesh 27,8%, Pakistan 26,8% và Cộng hòa Kyrgyz 25,2% trong năm 2020.

ADB cảnh báo “Với nhiều hộ gia đình phụ thuộc vào kiều hối quốc tế trong các nước đang phát triển Châu Á, đặc biệt là ở Thái Bình Dương và Trung và Tây Á, việc mất nguồn tiền đột ngột đối với các khu vực này có thể đẩy người dân vào tình trạng nghèo đói”.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Bangladesh, dòng kiều hối chuyển về đã đạt kỷ lục mới là 18,20 tỷ USD trong năm tài chính FY20, mặc dù Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các nền kinh tế toàn cầu.

Tháng 6/2020, kiều hối đạt mức cao mới 1,83 tỷ USD. Tháng 7/2020, người Bangladesh ở nước ngoài đã chuyển về nhà 2,6 tỷ USD, mức cao nhất trong một tháng trong lịch sử kiều hối của Bangladesh, bất chấp mọi khó khăn do đại dịch bùng phát toàn cầu. Với lượng kiều hối này đã giúp dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương đạt mức kỷ lục 37.287 tỷ USD cho đến ngày 31/7/2020.

Bộ trưởng Tài chính AHM Mustafa Kamal cho biết Chính phủ đang nỗ lực để có thêm lượng kiều hối từ 3 đến 5 tỷ USD trong năm tài chính hiện nay. “Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các bước để đảm bảo rằng chuyển tiền được gửi qua các kênh hợp pháp, sẽ loại bỏ tất cả những trở ngại mà người dân ở nước ngoài phải đối mặt khi khi gửi tiền về nhà”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này không có nghĩa là Bangladesh sẽ tiếp tục duy trì lượng chuyển tiền cao hơn trong những tháng tới. Ahsan H Mansur, giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu chính sách (PRI) cho rằng, “người Bangladesh di cư ở nước ngoài đang gửi tiền tiết kiệm của họ về nhà vì họ sợ không quay trở lại vì chủ lao động đang cắt giảm công việc do đại dịch. Họ cũng đã gửi nhiều hơn bình thường vào dịp lễ Hồi giáo Eid-ul-Azha”. Ông cho biết các nền kinh tế toàn cầu đang chịu tác động của đại dịch Covid-19 và lao động nhập cư đang trở về nhà, đặc biệt là từ các nước Trung Đông, sẽ là một cú sốc cho nền kinh tế Bangladesh. Ông cũng kêu gọi Chính phủ hỗ trợ tài chính cho những người lao động nhập cư trở về để tự làm ăn hoặc sử dụng chuyên môn của họ trong ngành công nghiệp trong nước.

Tác động toàn cầu về kiều hối trong kịch bản xấu nhất.

Giả sử rằng các nền kinh tế mất khoảng một năm để kiểm soát sự bùng phát trong nước và đưa các hoạt động kinh tế trở lại bình thường, kiều hối toàn cầu dự kiến sẽ giảm 108,6 tỷ USD vào năm 2020, tương đương với 18,3% lượng kiều hối cơ bản trên toàn cầu.

Kiều hối ở châu Á sẽ giảm 54,3 tỷ USD, tương đương 19,8% so với lượng kiều hối cơ bản trong năm 2018, và Nam Á nơi sẽ ghi nhận mức giảm lớn nhất là 28,6 tỷ USD.

Trong khi đó, thiệt hại kinh tế trên diện rộng do Covid-19 dự kiến sẽ là từ 5,8 nghìn tỷ đến 8,8 nghìn tỷ USD trên toàn cầu, tương đương từ 6,4% đến 9,7% GDP toàn cầu, hậu quả do sự lây lan rộng đại dịch ở châu Âu, Mỹ và các nền kinh tế lớn khác.

Việc làm tại các nền kinh tế chủ nhà lao động nhập cư bị thu hẹp.

ADB cho biết, các nền kinh tế bị ảnh hưởng do Covid-19 lây lan trên toàn thế giới, bao gồm thất nghiệp lan rộng và thu nhập thấp hơn. Đến cuối tháng 6/2020, đóng cửa làm việc được áp dụng tới 77% ở các quốc gia trên toàn thế giới, mặc dù ở một mức độ khác nhau, 9 nước vẫn yêu cầu đóng cửa nghiêm ngặt tất cả các nơi làm việc thiết yếu.

ADB ước tính vị trí việc làm ở Châu Á – Thái Bình Dương sẽ giảm tới hơn 167 triệu người, trong khi việc làm bị cắt giảm thu nhập tiền lương cũng giảm với ước tính sẽ dao động từ 359 tỷ USD đến 550 tỷ USD.

Việc làm trong nền kinh tế chủ nhà của người di cư châu Á đang giảm đáng kể. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tác động tiêu cực đến việc làm dự kiến sẽ xảy ra trong quý II năm 2020 ở Châu Mỹ, Châu Âu và Trung Á, với giờ làm việc có thể giảm 18,3% và 13,9% trong quý, tương ứng với quý trước khi dịch xảy ra. Ở nước Châu Á, Thái Bình Dương và Ả Rập, giờ làm việc được cho là đã giảm 13,5% và 13,2% trong quý II.

Các khuyến nghị.

ADB khuyến nghị, có chính sách đền bù những người lao động nhập cư bị giãn việc hoặc đưa người lao động nhập cư vào các chương trình cứu trợ xã hội và cứu trợ khẩn cấp khác như các đối tượng lao động ở các nước sở tại bị ảnh hưởng do Covid-19, đồng thời hỗ trợ những người lao động nhập cư bị mắc kẹt, bị sa thải hoặc gặp các khó khăn khác và cung cấp các hỗ trợ về nhân đạo, y tế, pháp lý cần thiết khác.

Ngoài ra, các cơ quan đại diện ngoại giao can thiệp đảm bảo phúc lợi, tiền lương và lợi ích cho người lao động nhập cư ở lại nước sở tại. Tạo điều kiện duy trì việc làm và vị trí làm việc. Tạo điều kiện, đơn giản hóa quy trình trong việc gia hạn giấy phép làm việc và khuyến khích người sử dụng lao động duy trì lực lượng lao động nhập cư cũng như cung cấp việc làm cho lao động nhập cư bị sa thải.

ADB khuyến nghị thêm, đảm bảo cơ hội việc làm và thúc đẩy tinh thần kinh doanh của những người lao động nhập cư hồi hương, đồng thời khởi xướng các công việc làm trực tuyến phù hợp với lao động thất nghiệp ở nước ngoài và thực hiện các chương trình đào tạo để nâng cao khả năng được tuyển dụng đối với họ./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here