Ngày 20/7/2020, Nội các Bangladesh đã chấp thuận sửa đổi và sẽ trình lên Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung. Trong Luật Doanh nghiệp dự thảo sửa đổi, Chính phủ Bangladesh đã cho phép thành lập công ty 1 người nhằm thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và thu hút các nhà đầu tư.
Bộ trưởng Nội các Khandker Anwarul Islam cho rằng việc cho phép thành lập công ty 1 người sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cải thiện thứ hạng của quốc gia về Chỉ số thuận lợi hóa kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB). Chính phủ cam kết sẽ nhanh chóng lên hạng từ vị trí thứ 168 hiện tại lên trên hạng 100 trong vài năm tới.
Bộ trưởng Tài chính AHM Mustafa Kamal cho rằng các doanh nhân và doanh nghiệp gia đình sẽ không còn lo ngại về tính không chính thức và tiếp cận với các dịch vụ tài chính và kinh doanh có sẵn trong nền kinh tế chính thức.
Những thay đổi trong Luật Doanh nghiệp là một phần yêu cầu trong khoản hỗ trợ ngân sách 250 triệu USD của WB dành cho Chính phủ Bangladesh gần đây. Thông thường, một quốc gia phải đáp ứng các điều kiện trước khi nhận hỗ trợ ngân sách từ WB. Bangladesh đáng lẽ ra đã phải đáp ứng một số điều kiện từ hồi tháng 6. Nhưng do Chính phủ cần hỗ trợ tài chính khẩn cấp, WB đã hạ thấp yêu cầu của mình khi phê duyệt quỹ để giúp Bangladesh đối phó với những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, WB kêu gọi Bangladesh bắt đầu hoàn tất các điều kiện ngay khi nhận hỗ trợ ngân sách. Vì vậy, Chính phủ đang nỗ lực để hoàn thành.
Sau khi Nội các thông qua, Luật sửa đổi dự kiến có hiệu lực trong năm nay. WB cho rằng: “Sau khi ban hành, các sửa đổi có thể có tác động ngay lập tức đến môi trường kinh doanh, vì chúng không yêu cầu thêm các quy tắc hoặc thể chế mới”.
Ông Zahid Hussain, nguyên trưởng bộ phận kinh tế văn phòng WB tại Bangladesh, cho rằng đây chỉ là điểm bắt đầu trong một loạt những cải cách trong hệ thống về quy định nhằm hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ và SMEs. Những sửa đổi lần này sẽ cải thiện khả năng của SMEs tiếp cận đầu tư và nguồn vốn lưu động, cho phép các doanh nghiệp gia đình chuyển sang hình thức công ty và góp phần cải thiện việc thực hiện hợp đồng. SMEs càng trở nên quan trọng hơn trong việc phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)