Trung Quốc công bố 9 nghề mới
Mới đây, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc phối hợp với Cục Thống kê quốc gia công bố 9 nghề mới, gồm: (1) kỹ thuật viên chuỗi khối (blockchain); (2) nhân viên quản lý intenet thành phố; (3) nhân viên tiếp thị internet; (4) nhân viên kiểm tra an ninh thông tin; (5) nhân viên thao tác ứng dụng blockchain; (6) giáo viên dịch vụ học tập trực tuyến; (7) trợ lý y tế công cộng; (8) nhà đánh giá năng lực người cao tuổi; (9) nhân viên điều khiển thiết bị in 3D (Additive Manufacturing). Đây là lần thứ 3 Trung Quốc bổ sung các nghề mới kể từ khi Trung Quốc công bố “Danh mục phân loại ngành nghề” (bản năm 2015) đến nay.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng trong số 9 nghề mới Trung Quốc được bổ sung lần này có tới 2/3 nghề liên quan đến lĩnh vực thông tin, cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển “cơ sở hạ tầng kiểu mới”. Trọng tâm công tác này là xây dựng trạm 5G, trung tâm dữ liệu mới, trí tuệ nhân tạo, internet công nghiệp. Thời gian tới, Trung Quốc rất cần nguồn lực cho lĩnh vực này. Báo cáo công tác Chính phủ năm 2020 cũng nhấn mạnh cần hỗ trợ xây dựng “2 mới và 1 lớn” (2 mới: cơ sở hạ tầng kiểu mới và đô thị mới; 01 lớn: các dự án quy mô lớn như giao thông, thủy lợi, đường sắt). Việc đưa ra nhiều ngành nghề mới cũng là nhằm tạo điều kiện việc làm cho các sinh viên tốt nghiệp ra trường. Dự kiến trong năm 2020, Trung Quốc có khoảng 8,7 triệu sinh viên mới ra trường. Trung Quốc đang phấn đấu trong 2 năm (2020-2021) đào tạo cho trên 35 triệu lượt người, các trường cao đẳng dạy nghề chiêu sinh trên 2 triệu học viên.
Trung Quốc nhân rộng kinh nghiệm cải cách từ FTZ
Mới đây, Quốc Vụ viện Trung Quốc ra thông báo yêu cầu nhân rộng ra toàn quốc các kinh nghiệm thí điểm cải cách tại các Khu thí điểm thương mại tự do (FTZ). Đây là lần thứ 6 Trung Quốc yêu cầu nhân rộng trên quy mô toàn quốc kinh nghiệm cải cách từ FTZ.
Thông báo nêu rõ: Về lĩnh vực quản lý đầu tư, cần nhân rộng 9 lĩnh vực như công nghệ thông minh hỗ trợ khai báo thuế VAT quy mô nhỏ, “giấy phép một cửa, liên kết xử lý”, làn xanh cho phê duyệt dự án điện; Về thuận lợi thương mại, nhân rộng 7 lĩnh vực như ứng dụng trực tuyến hành chính kiểm tra biên giới, mô hình kho trung tâm nhập khẩu bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới; Về lĩnh vực mở cửa tài chính, nhân rộng trong 4 lĩnh vực như thiết lập “làn xanh” đối với quy trình phê duyệt dự án, đơn giản hóa đăng ký bất động sản.
Đến nay, Trung Quốc đã thành lập 18 FTZ[1], đóng vai trò tiên phong trong cải cách mở cửa thông qua thử nghiệm các cách thức mới trong quản lý đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi cho thương mại và chuyển đổi các chức năng của Chính phủ để đưa nền kinh tế hội nhập tốt hơn với kinh tế thế giới. Trong bối cảnh dịch bệnh tác động nặng nề đối với nền kinh tế, việc nhân rộng các kinh nghiệm từ FTZ ra toàn quốc có lợi cho việc Trung Quốc tăng cường mở cửa hơn nữa, thúc đẩy thuận lợi đầu tư thương mại, tăng cường thu hút FDI và xuất khẩu.
[1] 18 FTZ của Trung Quốc: FTZ đầu tiên tại Thượng Hải (2013); 3 FTZ đợt 2 tại Quảng Đông, Thiên Tân và Phúc Kiến (2015); 7 FTZ tại Liêu Ninh, Chiết Giang, Hà Nam, Hồ Bắc, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Thiểm Tây (2017); 1 FTZ tại Hải Nam (2018); 6 FTZ tại Sơn Đông, Giang Tô, Quảng Tây, Hà Bắc, Vân Nam, Hắc Long Giang (2019).
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)