Tin Kinh tế Bangladesh

0
187
(ảnh minh hoạ)

1. Xuất khẩu giảm kỷ lục 17% trong năm tài khóa 2019-2020 (FY20)

Giá trị xuất khẩu của quốc gia giảm kỷ lục 17%, tương đương 6,86 tỷ USD trong năm tài khóa FY20 vừa kết thúc, kể từ hồi năm tài chính 2001-02. Giá trị xuất khẩu trong nhiều thập kỷ đã dần tăng lên từ năm tài chính 2001-02 khi Bangladesh giảm còn 5,98 tỷ USD so với 6,46 tỷ USD thu được trong năm tài chính 2000-2001.

Bangladesh chỉ thu về 33,67 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong năm tài chính FY20, so với 40,53 tỷ USD trong năm tài khóa FY19, theo dữ liệu tạm thời của Cục Xúc tiến Xuất khẩu (EPB). Giá trị xuất khẩu cũng thấp hơn 25,99% so với mục tiêu 45,50 tỷ USD mà Chính phủ đã đề ta cho năm tài chính vừa qua.

Trong tháng 6/2020, xuất khẩu giảm 2,5% xuống còn 2,71 tỷ USD so với tháng 6/2019. Các khoản thu khác trong tháng 6 giảm 31,15% so với mục tiêu. Các chuyên gia cho rằng xuất khẩu kém là do sự suy giảm các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm hàng may sẵn (RMG), dệt may gia đình, da, thực phẩm đông lạnh và các sản phẩm nông nghiệp. Đại dịch Covid-19 diễn ra càng làm xấu đi tình hình sau khi có dấu hiệu chậm lại trước khi dịch bệnh bùng phát.

Ngành RMG đóng góp khoảng 83% tương đương 27,94 tỷ USD vào tổng giá trị xuất khẩu trong năm tài chính FY20. Ngành này cũng chứng kiến ​​mức tăng trưởng âm 18,12% trong năm tài chính FY20. Doanh thu của ngành cũng thấp hơn 26,83% so với mục tiêu đặt ra cho năm tài chính FY20. Bangladesh thu được 13,90 tỷ USD từ xuất khẩu hàng dệt kim, giảm 17,65% so với 16,88 tỷ USD trong năm tài chính FY19. Thu nhập từ xuất khẩu hàng dệt thoi là 14,04 tỷ USD tài khóa FY20, giảm hơn 18% so với 17,24 tỷ USD trong năm tài chính FY19.

Ngoài ra, thu nhập từ xuất khẩu dệt may gia đình giảm 10,90% xuống còn 758,91 triệu USD. Con số này cũng giảm so với mục tiêu là 14,82%.

Khi được hỏi, cựu Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt kim Bangladesh (BKMEA) Fazlul Hoque cho biết sự tăng trưởng tiêu cực gây ra nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông nói rằng điều đó không bất ngờ vì RMG không thể hoạt động tốt ngay cả trước đại dịch.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), Tiến sĩ Rubana Huq cho biết mức giảm 8,5% trong tháng 6 là theo chu kỳ trong một năm. Giải thích về sự tăng trưởng âm nói chung, bà Huq cho biết đã có sự sụt giảm trong tiêu dùng toàn cầu do đại dịch Covid-19. Đơn đặt hàng chỉ vào khoảng 40-45% của khối lượng thông thường. Ngành công nghiệp này có thể có doanh số tăng theo mùa trong dịp Giáng sinh nhưng sự phục hồi hoàn toàn có thể diễn ra vào giữa năm 2021.

Về sự tăng trưởng tích cực của hàng đay, việc tư nhân hóa các nhà máy đay thuộc sở hữu nhà nước có thể giúp giải quyết việc áp thuế chống bán phá giá của các nước nhập khẩu để ngành tăng trưởng hơn nữa. Ngành đay đã có sự tăng trưởng tích cực trong suốt tài khóa vừa qua. Thu nhập từ xuất khẩu hàng đay và đay tăng 8,10% lên đến 882,35 triệu USD trong năm tài chính FY20, từ 816,27 triệu USD trong tài khóa trước.

Về các mặt hàng xuất khẩu khác, giá trị xuất khẩu rau quả tăng 64,53% lên đến 164 triệu USD. Thu nhập từ xuất khẩu dược phẩm đạt 135,79 triệu USD, đánh dấu mức tăng trưởng 4,49%. Ngay cả thu nhập từ đồ nội thất cũng tăng 2,03% lên 76,41 triệu USD trong năm tài chính vừa qua.

Bangladesh đã thu được 797,6 triệu USD từ xuất khẩu đồ da và da trong năm tài chính vừa qua, giảm 21,79% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu cá tươi và đông lạnh cũng giảm 8,84% xuống còn 456,15 triệu USD trong năm tài chính FY20.

2. Dư luận về chuyển đổi các nhà máy đay nhà nước sang PPP

Các kế hoạch của Chính phủ nhằm hồi sinh lĩnh vực đay bằng quan hệ đối tác công tư (PPP) đã vấp phải sự hoài nghi của các cổ đông trong ngành công nghiệp này sau khi Chính phủ công bố quyết định ngừng sản xuất tại tất cả các nhà máy đay thuộc sở hữu nhà nước và chuyển sang mô hình PPP trong nỗ lực hiện đại hóa lĩnh vực sản xuất này.

26 nhà máy đay thuộc Tập đoàn Đay Bangladesh đã lỗ trong nhiều năm trong 48 năm hoạt động, với khoản lỗ lũy kế 106,74 tỷ Tk và chính phủ đã phải trợ cấp cho khoản lỗ này để duy trì hoạt động, kể cả trả lương cho công nhân. Việc đóng cửa các nhà máy này, đẩy 25.000 công nhân mất việc, nghỉ hưu sớm theo một kế hoạch được gọi là “cái bắt tay vàng”.

Nhiều nhà xuất khẩu và thương nhân tin rằng số phận của ngành công nghiệp có thể thay đổi mà không cần đóng cửa các nhà máy. Những người khác cho biết các kế hoạch vận hành các nhà máy theo hình thức PPP dường như khó thành công trong môi trường hiện tại. Ngay cả khi kế hoạch này được triển khai như mong muốn, quá trình này sẽ kéo dài và nặng nề, điều này có thể khiến Bangladesh mất khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Bộ trưởng Dệt may và Đay Golam Dastagir Gazi hy vọng rằng các nhà máy đay thuộc sở hữu nhà nước sẽ sớm hoạt động với các thiết bị hiện đại theo mô hình PPP. Nhưng những kinh nghiệm trong quá khứ của các nhà máy đay do tư nhân điều hành cũng không có nhiều triển vọng, khi nhiều người đã phải đóng cửa do tổn thất tài chính nặng nề. Năm 2017, Chính phủ đã tiếp quản 4 nhà máy đay từ các chủ sở hữu tư nhân vì vi phạm hợp đồng.

Theo Abdul Barik Khan, Tổng thư ký Hiệp hội Nhà máy Đay Bangladesh, Chính phủ có thể hiện đại hóa các nhà máy đay thuộc sở hữu nhà nước mà không cần đưa vào hợp tác PPP, Chính phủ chỉ cần nâng cấp máy móc của các nhà máy đang hoạt động trong 6 tháng. Vẫn sẽ có người mua nếu các nhà máy đang hoạt động, nhưng sẽ không ai mua nếu các nhà máy đóng cửa bây giờ. Do đó, Chính phủ có thể duy trì hoạt động của các nhà máy trong khi xem xét chuyển sang hình thức PPP hoặc BMRE (Cân bằng, Hiện đại hóa, Phục hồi và Mở rộng – Balancing, Modernisation, Rehabilitation and Expansion). Ông tin rằng ngay cả khi các doanh nhân khu vực tư nhân tiếp quản các nhà máy đay thông qua PPP, họ sẽ không sẵn sàng chịu các trách nhiệm pháp lý trước đó, và đề xuất “Chính phủ có thể giữ lại 49% cổ phần của các nhà máy, dành 51% cho khu vực tư nhân”.

Tổng thư ký Hiệp hội Đay Bangladesh Shahidul Karim đề nghị thành lập các ngành công nghiệp mới thay vì các nhà máy đay vì nhu cầu về các sản phẩm đay đang giảm khá nhanh.

Tuy nhiên, Giáo sư Akhtaruzzaman, Tổng thư ký của Bangladesh Krishi Orthonitibid Samity, tin rằng Chính phủ đã đi đúng hướng với việc đưa các nhà máy đay thuộc sở hữu nhà nước theo mô hình hợp tác công tư. “Trong một nền kinh tế thị trường tự do, chính phủ khó có thể tự mình kiểm soát mọi thứ. Khu vực tư nhân cũng phải tiến lên. Chỉ sau đó, khu vực tư nhân mới đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế”. Theo ông, quá trình PPP có thể cần 2-3 năm mới có kết quả.

3. Xuất khẩu hàng may mặc đến Mỹ sẽ phục hồi chậm

Các nhà xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh mong đợi sự phục hồi chậm trong xuất khẩu sang thị trường Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Bangladesh. Do đại dịch Covid-19, xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ đã giảm 12,50% so với cùng kỳ, xuống còn 2,32 tỷ USD trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, theo Văn phòng Dệt may (OTEXA) của Hoa Kỳ.

Mặc dù các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ đã bắt đầu mở cửa dần dần, nhưng sẽ cần nhiều thời gian để bình thường trở lại vì người tiêu dùng vẫn ở nhà trong bối cảnh dịch, sợ lây nhiễm. Đại dịch đã tác động xấu đến nền kinh tế Mỹ làm giảm doanh số bán hàng, bao gồm cả mặt hàng quần áo.

Ông AK Azad, Giám đốc điều hành của Ha-Meem Group, cho biết “Các chuyến hàng may mặc từ nhà máy của tôi đến thị trường Mỹ có thể sẽ hồi phục sớm, đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu Mỹ đang quay trở lại”.

Mostafa Sobhan Rubel, Giám đốc điều hành của Dragon Swumper, với gần một nửa sản phẩm xuất đến Mỹ cho biết xu hướng xuất khẩu tích cực trong năm 2019 nhưng sau khi Covid-19 bùng phát, các đơn đặt hàng từ Mỹ bị chấm dứt. Ông cho biết các đơn đặt hàng mới từ những bạn hàng cũ đã giảm gần 60%, cho rằng do làn sóng lây nhiễm thứ hai hiện nay và những nhà nhập khẩu thiếu tự tin khi lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp. Tuy nhiên Rubel cho biết “chúng tôi hy vọng rằng thị trường Mỹ sẽ hồi phục mạnh mẽ vào năm 2021 khi những nhà nhập khẩu Mỹ đang tìm kiếm một sự thay thế cho Trung Quốc do mâu thuẫn chính trị giữa hai cường quốc kinh tế”.

Giống như Bangladesh, xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ từ các nước xuất khẩu lớn cũng giảm trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay so với cùng thời điểm một năm trước. Theo nguồn của OTEXA, trong khảng thời gian này xuất khẩu sang Mỹ của một số nhà xuất khẩu chính: Trung Quốc 7,66 tỷ; Việt Nam 5,14 tỷ; Ấn Độ 2,79 tỷ; Bangladesh 2,32 tỷ; Indonesia 1,76 tỷ; Campuchia 1,29 tỷ, Mexico 1,26 tỷ; Pakistan 1,06 tỷ; thổ Nhĩ Kỳ 0,7 tỷ; Hàn Quốc 0,34 tỷ USD.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here