1. Bangladesh có thể nhập khẩu gạo
Bộ trưởng Lương thực Bangladesh Sadhan Chandra Majumdar cho biết, Bangladesh có thể nhập khẩu gạo để kiềm chế giá cả trong nước tăng vọt, trong khi Chính phủ cố gắng đảm bảo nguồn cung trong nước. “Chúng tôi sẽ buộc phải nhập khẩu gạo nếu các nhà xay xát không cung cấp đủ theo yêu cầu của Chính phủ”. Chính phủ Bangladesh đang mua gạo ở mức 36 Tk (0,43 USD) một kg tại thị trường trong nước.
Trong tuần này, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng do nhu cầu giảm, trong khi giá gạo của Việt Nam tăng khi mưa không ngớt ảnh hưởng đến việc vụ thu hoạch.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống còn 480 – 515 USD từ 514 – 520 USD mỗi tấn vào tuần trước. Giá đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 5, mà các thương nhân cho rằng cũng do đồng baht yếu hơn và “lúc này có rất ít nhu cầu về gạo Thái Lan ở thị trường nước ngoài”. Tuy nhiên, giá gạo của Thái Lan vẫn cao hơn so với các đối thủ Việt Nam và Ấn Độ do ảnh hưởng hạn hán vào đầu năm nay.
Tại Việt Nam, giá gạo 5,0% tấm đã tăng lên 415 – 450 USD mỗi tấn vào thứ Năm (02/7) từ mức 405- 450 USD của tuần trước. Một thương nhân gạo Việt Nam cho biết, giá gạo đông xuân không thay đổi so với tuần trước ở mức 450 USD/tấn, trong khi giá gạo vụ mùa hè thu đang thu hoạch đã tăng lên 415- 420 USD/tấn, từ 405- 410 USD.
2. Kiều hối Bangladesh tăng 11% trong năm tài chính 2019-2020
Theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Trung ương công bố hôm thứ Năm (02/7), kiều hối đã tăng gần 11% lên mức kỷ lục 18,20 tỷ USD trong năm tài chính vừa kết thúc (FY20) mặc dù đại dịch Covid-19 đang diễn ra, so với 16,42 tỷ USD trong năm tài khóa 2018-19 (FY19).
Trong tháng 06/2020, công dân Bangladesh làm việc ở nước ngoài chuyển tiền về nước khoảng 1,83 tỷ USD, tăng 327,96 triệu USD so với tháng 5/2020 và so với kiều hối của tháng 6/2019 là 1,37 tỷ USD. Theo Ngân hàng Trung ương Bangladesh, “kiều hối tháng 6 đã lập kỷ lục mới trong lịch sử Bangladesh”. Kỷ lục kiều hối, trước đó, được lập vào tháng 5/2019 là 1,75 tỷ USD.
3. Chính phủ Bangladesh tìm cách đơn giản hóa các quy định khi FDI giảm mạnh 13,8%
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Bangladesh đã giảm 13,8% xuống còn 3,73 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm tài chính 2019-2020, chủ yếu do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nước ngoài. Tổng doanh thu FDI là 4,33 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm tài chính năm trước. FDI ròng giảm 19,04% so với cùng kỳ, xuống còn 1,97 tỷ USD.
Sự sụt giảm này cảnh báo Bangladesh sẽ phải đơn giản hóa các quy định và có các ưu đãi hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khi nước này tìm cách thu hút vốn FDI chuyển dịch khỏi Trung Quốc sau đại dịch. Sự sụt giảm của FDI đã được dự kiến khi Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc tháng trước dự báo rằng dòng vốn FDI toàn cầu sẽ giảm tới 40% vào năm 2020 so với 1,54 nghìn tỷ USD trong năm 2019, do đại dịch.
Nhiều quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia đang đơn giản hóa các quy tắc, quy định, chế độ thuế và hệ thống ngân hàng để thu hút đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Tại một cuộc họp nội các vào ngày 08/6, Thủ tướng đã ra lệnh thực hiện các biện pháp để các nhà đầu tư nước ngoài có thể thu hồi vốn đầu tư hoặc lợi nhuận của họ mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Thủ tướng nhấn mạnh đảm bảo các dịch vụ ngân hàng hàng đầu để giúp các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn và thu hồi vốn đầu tư hoặc lợi nhuận.
Theo Bộ Tài chính, người Bangladesh không thường trú đang ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào Bangladesh trong lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ. Họ đang đầu tư vào các chương trình tiết kiệm khác nhau tại các ngân hàng địa phương vì tỷ lệ lãi suất tiền gửi cao hơn so với các ngân hàng nước ngoài. Nhưng họ phải đối mặt với một quy trình ngân hàng phức tạp về rút tiền khi đáo hạn và lấy lại tiền. Điều này gây trở ngại trong khuyến khích người Bangladesh không thường trú đầu tư vào Bangladesh.
Để làm như vậy, Ngân hàng Trung ương có thể thực hiện các bước khẩn cấp để đơn giản hóa ngân hàng và làm cho nó nhanh hơn. Một Ủy ban của Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương đã chuẩn bị một dự thảo để đưa ra Đạo luật Điều chỉnh Ngoại hối 1947 tại Bangladesh phù hợp với thực tế hiện nay. Quá trình thông qua dự luật tại Quốc hội để biến nó thành luật đang được tiến hành.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)