Tác động của Covid-19 tới ngành du lịch

0
135
(CNN)
(CNN)

Ngày 01/7/2020, UNCTAD đã công bố báo cáo mới nhất về tác động của dịch Covid-19 đối với ngành du lịch. Theo báo cáo này, ngành du lịch thế giới có thể thiệt hại ít nhất 1.200 tỷ USD, tương đương 1,5% GDP toàn cầu, do bị ngưng trệ trong gần 4 tháng do đại dịch Covid-19. Sự thiệt hại có thể tăng lên 2.200 tỷ USD (hay 2,8% GDP) nếu sự đình trệ như hiện nay kéo dài trong 8 tháng. Đánh giá này tương ứng với dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới của LHQ (UNWTO). Thậm chí, theo kịch bản xấu nhất là sự ngưng trệ kéo dài 12 tháng, UNCTAD ước tính thiệt hại cho ngành du lịch lên tới 3.300 tỷ USD, hoặc 4,2% GDP toàn cầu.

Theo UNWTO, du lịch hiện là xương sống của nhiều nền kinh tế, đồng thời là cứu cánh cho hàng triệu người trên thế giới, có giá trị tăng gấp ba lần trong 20 năm qua, từ 490 tỷ USD lên tới 1.600 tỉ trong 20 năm qua, nhưng Covid-19 đã làm nó chững lại, gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng trên toàn cầu. Các biện pháp đóng cửa nền kinh tế ở một số quốc gia, việc hạn chế đi lại, giảm thu nhập thực tế của người tiêu dùng và mức độ tin cậy thấp có thể làm cho ngành này phục hồi chậm đáng kể. Giám đốc bộ phận Thương mại quốc tế của UNCTAD Jacela Coke-Hamilton nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành du lịch đối với nền kinh tế, có vai trò sống còn đối với hàng triệu người trên thế giới. Đối với nhiều quốc gia, như các quốc đảo nhỏ, sự sụp đổ trong ngành du lịch có nghĩa là sự sụp đổ triển vọng phát triển của họ.

Báo cáo nhấn mạnh, các nước đang phát triển có thể chịu tổn thất về GDP cao nhất, nổi bật là Jamaica và Thái Lan, lần lượt mất 11% và 9% GDP theo kịch bản lạc quan nhất của UNCTAD. Các trọng điểm du lịch khác như Kenya, Ai Cập, Malaysia có thể mất hơn 3% GDP. Bản thân ngành du lịch tại nhiều quốc gia giàu có ở châu Âu và Bắc Mỹ (Pháp, Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ) cũng bị thiệt hại nặng, có thể mất hàng tỷ USD.

Tác động lên các lĩnh vực khác, việc làm và tiền lương: Đi lại và du lịch chiếm một phần đáng kể trong GDP toàn cầu, thậm chí với nhiều quốc gia, nó chiếm hơn 1/2 thu nhập.

UNCTAD ước tính, cứ 1 triệu USD doanh thu du lịch quốc tế bị mất thì thu nhập của một quốc gia có thể giảm 2-3 triệu USD. Lượng khách du lịch giảm mạnh cũng làm cho nhiều lao động có kỹ năng và phổ thông mất việc, hoặc thu nhập ít đi. Tại các quốc gia bị tác động mạnh nhất như Thái Lan, Jamaica và Croatia, việc làm cho lao động phổ thông có thể giảm ở mức hai con số; với tiền lương trả cho công nhân lành nghề, sụt giảm mạnh nhất có thể thấy ở Thái Lan (-12%), Jamaica (-11%) và Croatia (-9%) ngay cả trong kịch bản khiêm tốn nhất (có thể sụt giảm sâu hơn tới 2,3 lần trong kịch bản xấu nhất). Tác động đó có thể đặc biệt tiêu cực đối với phụ nữ, nhất là khi bị sa thải. Phụ nữ hoạt động trong ngành du lịch chiếm khoảng 54% lao động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống. Nhiều phụ nữ trong ngành này đảm nhiệm không chính thức các công việc cần ít kỹ năng, do vậy ít có khả năng được hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc các an sinh xã hội khác. Đây là lý do tại sao phụ cần có chính sách giúp bảo vệ ngành này và cũng là bảo vệ trao quyền kinh tế cho phụ nữ mà họ đã đấu tranh từ lâu.

Hỗ trợ phục hồi: UNCTAD kêu gọi tăng cường bảo trợ xã hội ở các quốc gia bị tác động để ngăn chặn nỗi thống khổ về kinh tế cho người dân và cộng đồng sống phụ thuộc vào du lịch; kêu gọi các chính phủ bảo vệ người lao động. Khi một số doanh nghiệp không có khả năng phục hồi, việc trợ cấp tiền lương cần được thiết kế để giúp người lao động chuyển sang các ngành công nghiệp mới. Chính phủ cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch hiện đang đối diện nguy cơ phá sản, như khách sạn và hãng hàng không. Một trong các biện pháp là gói cứu trợ tài chính với các khoản vay lãi suất thấp hoặc trợ cấp. Ngoài ra, UNCTAD kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất được tiếp cận các nguồn tài trợ./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Điển)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here