Ảnh hưởng của Covid-19 đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới

0
321
(http://tapchitaichinh.vn)

Báo cáo “Triển vọng cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2020” do Trung tâm Thương mại quốc tế Geneve (Thụy Sỹ) công bố, đã phân tích tác động của đại dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ rõ ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và thương mại quốc tế.

Theo thống kê của Báo cáo, Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ là 3 trung tâm chuỗi cung ứng lớn, chiếm 63% nhập khẩu và 64% xuất khẩu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, việc áp dụng các biện pháp tạm ngừng kinh doanh và sản xuất trong đại dịch đã gây ảnh hưởng lớn đến thương mại quốc tế. Hơn 55% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, khoảng 40% doanh nghiệp lớn và 2/3 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động kinh doanh; khoảng 1/5 doanh nghiệp nhỏ có rủi ro phá sản trong vòng 3 tháng. Ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhất là lịch vực khách sạn và ăn uống; 93 quốc gia và khu vực đã áp dụng các biện pháp cấm hoặc hạn chế xuất khẩu tạm thời, bao gồm các sản phẩm y tế và thực phẩm; 105 quốc gia áp dụng các biện pháp tạm thời về nhập khẩu các sản phẩm liên quan.

Báo cáo đã tóm lược các biện pháp ứng phó của chính phủ và doanh nghiệp để khắc phục khủng hoảng, đưa ra định hướng cho các doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách và tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các chiến lược phục hồi sau đại dịch, nhằm hỗ trợ hệ sinh thái doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn và làm tốt công tác chuẩn bị trong “trạng thái bình thường mới”. Báo cáo nhấn mạnh 4 trọng tâm ưu tiên gồm: tăng cường khả năng chống chịu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường mức độ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện số hóa; tăng cường sự mở cửa và tính toàn diện của chuỗi cung ứng; bảo đảm kinh doanh toàn cầu bền vững và thân thiện với môi trường.

Báo cáo khuyến nghị, các doanh nghiệp lớn nên cân nhắc việc rót thêm vốn xã hội vào chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch. Cụ thể, kiến nghị xây dựng lại phương thức hợp tác và chia sẻ chi phí giữa doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để bảo đảm phân phối công bằng hơn các rủi ro và chi phí trong khủng hoảng. Điều này giúp củng cố lòng tin, cho phép doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ có thể chống chọi trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Báo cáo kiến nghị tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, từng bước thích nghi với những tiêu chuẩn và quy định mới xuất hiện trong thời gian phòng chống dịch (tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn về an toàn và sức khỏe, quản lý rủi ro…).

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết, Công ty trách nhiệm hữu hạn Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ quốc gia đã chính thức được thành lập ở Khu thương mại Phố Đông, Thượng Hải với số vốn đăng ký 35,7 tỷ NDT (5 tỷ USD). Điều này cho thấy Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc đã bước sang giai đoạn công ty hóa, thị trường hóa, pháp chế hóa. Công ty trách nhiệm hữu hạn Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ quốc gia sẽ thông qua việc đầu tư, thiết lập một số quỹ con, để đưa tổng quy mô của Quỹ lên 100 tỷ NDT (14,1 tỷ USD), từng bước hình thành hệ sinh thái các quỹ con, tiếp tục tập trung vào mục tiêu chính sách là thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, định hướng nhiều hơn nữa nguồn vốn xã hội để hỗ trợ sự đổi mới và phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here