Tin kinh tế Venezuela

0
74
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

1. Người dân Venezuela xếp hàng chờ mua xăng trong sự hỗn loạn và chờ đợi kéo dài.

Chính phủ Venezuela đã thông báo xăng  được bán từ ngày 1/6 tại 1.368 trạm xăng trợ giá và 200 trạm xăng bán theo giá quốc tế trên toàn quốc.Tuy nhiên cho đến nay đa số người dân đã phải xếp hàng cả ngày để chờ đến lượt.

Việc mở lại các trạm xăng sau gần 3 tháng cách ly đã khiến người dân Venezuela bắt buộc phải ra ngoài để mua nhiên liệu bất chấp bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp với nguy cơ lây nhiễm cao.

Sự ” mở cửa mới” của các trạm xăng đã kéo theo những vấn nạn cũ của sự khan hiếm xăng, một khía cạnh mà Chính phủ dường như đã thất bại trong việc kiểm soát trong những năm gần đây tại đa số khu vực của đất nước. Năm nay mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn ở quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới với các biểu hiện như:

Vi phạm quy tắc: Đã có có những thất bại ngay từ những ngày đầu tiên. Chính phủ mặc dù khẳng định các trạm xăng sẽ mở cửa từ 5 giờ sáng, tuy nhiên phần lớn đều mở muộn vào buổi chiều vì chưa có xăng. Đồng thời lượng xăng bán ra bị hạn chế và không đủ cung cấp cho toàn bộ người dân đã xếp hàng. Tại các trạm xăng trợ giá người dân được phép mua 120 lít xăng, tuy nhiên trên thực tế số lượng này bị hạn chế chỉ còn 30 lít. Số lượng các trạm xăng bán theo giá quốc tế mở cửa không nhiều, việc đổ đầy bình nhiêu liệu tại đây có thể lên tới 50USD, trong khi mức lương tối thiểu hàng tháng là 2USD/ tháng.

-Không đủ xăng để bán: Hàng ngàn người dân Venezuela đứng trước nguy cơ không thể tiếp cận được với nguồn xăng trợ giá do số lượng người xếp hàng quá lớn so với nguồn cung cấp. Ở các bang phía đông của Venezuela, nhiều người đã phải ra về sau thời gian dài chờ đợi vì khi đến lượt họ thì đã hết xăng. Việc này khiến họ phải đợi thêm 1 tuần nữa vì xăng được bán theo số cuối của biển số tương ứng với các ngày quy định trong tuần.

Thống đốc bang Anzoátegui ông Antonio Barreto Sira đã đăng trên tài khoản Twitter những hình ảnh thực tế, nơi người dân sống trong “thử thách” khi phải chờ đợi tới 12 giờ mà không có sự đảm bảo rằng họ sẽ mua được xăng.

-Biểu tình và bạo động: Người dân đã tranh luận và khiếu nại với quản lý của các trạm xăng. Sự căng thẳng leo thang khi nhiều video và hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy ngày càng có nhiều những cuộc đối đầu giữa người dân và nhà chức trách, người dân hô hẩu hiệu và trưng bày áp phích phản đối chính quyền. Sự hiện diện của hàng ngàn cảnh sát và binh lính tại các trạm xăng đã không ngăn được sự gia tăng của các cuộc biểu tình nhỏ diễn ra ở nhiều khu vực khác nhau trên toàn quốc.

Việc xếp hàng chờ đợi đến nửa ngày để được mua xăng trợ giá đã  khiến người dân bức xúc, phản đối và dẫn đến xung đột với Lực lượng Vệ binh Quốc gia Bolivar (GNB) bảo vệ các trạm xăng.

Một nhóm người đã ném đá vào các binh lính GNB tại một trạm xăng ở quận Sucre bang Miranda. Video ghi lại cho thấy một quân nhân đã rút súng trong khi những quân nhân khác bắt giữ một số người dân. Nhà chức trách bang Miranda đã có mặt để trấn tĩnh tình hình, đại diện người dân cho biết họ đã xếp hàng nửa ngày mà vẫn chưa được mua xăng, đồng thời yêu cầu Chính phủ phải cung cấp đúng hạn và đầy đủ xăng được trợ giá. Vì họ không có đủ tiền để mua xăng bằng đôla Mỹ theo giá quốc tế.

Theo thống kê của Chính phủ, trong ngày đầu tiên mở bán hôm 1/6, đã có 125.000 thùng nhiên liệu đã được tiêu thụ trên toàn quốc. Trong khi tổng số lương nhiêu liệu nhận được từ 5 tàu của Iran là 1,5 triệu thùng.

Phó Chủ tịch Quốc hội (đối lập) Jose Guerra cho rằng nguồn xăng từ Iran chỉ có thể cung cấp đủ cho Venezuela trong 15 ngày theo mức tiêu thụ do Chính phủ công bố. Đồng thời ông chỉ trích việc Chính phủ đe dọa, cấm đoán và tuyên bố giam giữ những nhà báo đang phản ánh tình hình phân phối xăng dầu thực tế hiện nay.

2. Venezuela hiện không còn là một quốc gia dầu mỏ. Giới chuyên gia nhận định rằng sự phục hồi của ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela trong tương lai sẽ không còn phụ thuộc vào PDVSA mà sẽ do khu vực tư nhân trong nước và quốc tế quyết định.

Cựu Bộ trưởng Năng lượng và chuyên gia dầu mỏ Humberto Calderón Berti cho biết Venezuela không còn là một quốc gia dầu mỏ, do xuất khẩu sụt giảm và tê liệt trong hoạt động sản xuất và khai thác thời gian gần đây. Vào thời điểm những năm 70, Venezuela là nhà xuất khẩu dầu hàng đầu OPEC, với công suất khai thác 3,7 triệu thùng/ngày. Venezuela có năng lực khổng lồ để sản xuất và tinh chế xăng, đủ cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Đến năm 1999, công suất khai thác là 3,3 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên sau khi cố Tổng thống Hugo Chávez tiến hành việc sa thải và thay thế 20.000 lao động trong ngành dầu khí vì lý do chính trị, sản lượng dầu của Venezuela đã giảm dần. Trong tháng 5/2020, công suất khai thác  giảm xuống còn 452.000 thùng/ngày.

Ông Humberto Calderón Berti cho rằng các công ty của PDVSA phải được đặt dưới sự giám sát của các cơ quan nhà nước khác ngoài Chính phủ cầm quyền và cần thiết phải có một giai đoạn chuyển tiếp khác để tái cơ cấu ngành và tìm cách thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, nhà kinh tế Luis Oliveros khẳng định rằng sự suy giảm trong sản xuất sẽ là một xu hướng “khó đảo ngược”, do thiếu đầu tư và vì các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với PDVSA, khiến công ty này hạn chế khả năng hoạt động trên thị trường quốc tế. Ông dự đoán sản lượng khai thác của tháng 12/2020 sẽ chỉ còn 350.000 thùng/ngày. Lúc đó Venezuela sẽ đứng ngoài cuộc chơi dầu mỏ, vì dầu khai thác được sẽ chỉ đủ để trả nợ Trung Quốc và Nga, khó lòng đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước. Đây có khả năng sẽ là bức tranh toàn cảnh đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela trong năm nay. Nền kinh tế với phần lớn thu nhập phụ thuộc vào xuất khẩu dầu sẽ sụp đổ. Quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất trên thế giới sẽ tiếp tục  rơi vào tình trạng siêu lạm phát.

Về phần mình, Phó Chủ tịch Quốc hội (đối lập) Jose Guerra cảnh báo rằng Venezuela sẽ gặp những hậu quả khác: (i) mất quyền đàm phán và vai trò trong OPEC vì các quyết định quan trọng phụ thuộc vào các quốc gia có khối lượng sản xuất nhiều nhất ,(ii) mất ảnh hưởng và quan hệ vì đã giao dịch với Iran – là nước gây nhiều mâu thuẫn trong nội bộ OPEC, trong đó có Ả Rập Saudi về các vấn đề Hồi giáo.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here