Xu thế liên kết kinh tế và động lực tăng trưởng mới ở châu Á – Thái Bình Dương hậu Covid-19

0
436
Các đại biểu tại buổi tọa đàm “Đại dịch Covid-19: Hệ lụy đối với cục diện và liên kết kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương”. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đại dịch Covid-19 đã tác động toàn diện tới mọi quốc gia và khu vực, trong đó châu Á – Thái Bình Dương là tâm điểm, đứng trước những tác động nặng nề cả trước mắt và dài hạn.

Các đại biểu tại buổi tọa đàm “Đại dịch Covid-19: Hệ lụy đối với cục diện và liên kết kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương”. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tại Tọa đàm “Đại dịch Covid-19: Hệ lụy đối với cục diện và liên kết kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương” do Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II, đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới và khu vực.

Việt Nam và hệ lụy của Covid-19

TS. Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam (VNCPEC), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến kinh tế Việt Nam. Đại dịch này rất khác với những cuộc khủng hoảng trước đây bởi nó bao gồm cả vấn đề tâm ý, ứng xử, sức khỏe, tính mạng và gắn với quá trình phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một nền kinh tế hội nhập rất sâu rộng, song nhiều nước đối tác chủ chốt của ta như Trung Quốc, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đều hứng chịu những tác động trầm trọng. Chính vì vậy, Việt Nam là một trong những nền kinh tế chịu những tác động rất tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Theo TS. Võ Trí Thành, đại dịch Covid-19 khiến cả tổng cầu và tổng cung của Việt Nam đều “rơi”, tiêu dùng, ngoại trừ hàng hóa thiết yếu, cũng như đầu tư và xuất khẩu đều sụt giảm mạnh. Song song với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ do lao động thiếu hụt. Các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ bị gián đoạn do các biện pháp “cách ly” giữa các quốc gia để chống dịch.

Ở thời điểm hiện tại, hệ lụy của đại dịch Covid-19 còn chưa thể tính toán đầy đủ bởi đây là thảm họa liên quan đến tính mạng, sức khỏe, tâm lý con người, đồng thời, quy mô, thời gian kéo dài của dịch chưa thể xác định được…

TS. Võ Trí Thành cũng nhận thấy, dịch Covid-19 khiến tổng cẩu giảm do tâm lý bất an, hoang mang, sợ hãi của nhà đầu tư. Bên cạnh những nhà đầu tư đi tìm tài sản để trú ẩn thì phần lớn họ dừng lại để quan sát, chờ và đợi.

Về phía cung, lượng sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết bị suy giảm. Nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất hay thiết bị máy móc để phục vụ đầu tư bị “ngăn sông cấm chợ” do ảnh hưởng từ những biện pháp phòng chống dịch ở biên giới, vận chuyển hàng hóa bị ách tắc. Như vậy, chuỗi cung ứng và lượng cung ứng hàng hóa đều bị đứt gãy.

“Có thể khẳng định rằng, kinh tế Việt Nam chắc chắn rất khó khăn trên tất cả các hoạt động đầu tư, dịch vụ đặc biệt là vận chuyển”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Châu Á – Thái Bình Dương sẽ phục hồi thế nào?

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch VNCPEC, Cố vấn cao cấp Bộ Ngoại giao cũng cho rằng, Covid-19 là khủng hoảng chưa có tiền lệ, gây ra những hệ lụy chưa từng có đối với tất cả các lĩnh vực như y tế, kinh tế, tài chính, xã hội, thất nghiệp, bất bình đẳng, đói nghèo, vấn đề chính trị.

Cùng với những nhân tố đã và đang ảnh hưởng đến tình hình thế giới và khu vực những năm gần đây, đại dịch Covid-19 tạo ra những thách thức lớn hơn đối với hợp tác đa phương, liên kết quốc tế, nhất là liên kết kinh tế, quá trình toàn cầu hóa đối với Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung.

Đánh giá về quá trình phục hồi kinh tế tại châu Á – Thái Bình Dương, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhận định, có 3 kịch bản:

Kịch bản thứ nhất, tháng 5 sẽ có vc-xin, kinh tế khu vực sẽ phục hồi trong khoảng cuối năm 2020, đầu năm 2021.

Kịch bản thứ hai, tháng 8 sẽ có vaccine, phục hồi bắt đầu từ năm 2021 và đối mặt với nhiều khó khăn.

Kịch bản thứ ba, rất khó khăn, thế giới tan rã và quá trình phục hồi phải kéo dài 10 năm.

Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang ở giữa kịch bản 2 và 3. Theo đó nếu dịch Covid-19 càng sâu thì quá trình phục hồi càng lâu và sức bật của kinh tế khu vực càng yếu.

“Mọi cuộc khủng hoảng trong gần 100 năm qua cơ bản là do con người tạo ra, tuy nhiên, dịch Covid-19 không dự báo được, dịch bệnh diễn ra trong thời đại số và khoa học công nghệ cao lại càng phức tạp hơn. Bên cạnh đó, các quốc gia đều có nguy cơ tái nhiễm virus SARS-CoV-2, vì vậy, mô hình phục hồi kinh tế theo 2,3 chữ W là hoàn toàn xảy ra”, Đại sứ Nguyệt Nga nhấn mạnh.

Xu thế liên kết kinh tế hậu Covid-19

Tuy nhiên, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cũng nhận thấy, dù chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, song châu Á-Thái Bình Dương có thể tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng, liên kết kinh tế toàn cầu và kinh tế số. Song song với đó, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ rõ và đẩy nhanh hơn các xu thế trước Covid-19, như những tư duy mới về phát triển, về lối sống và tiêu dùng, về cách tiếp cận mới đối với các thách thức an ninh phi truyền thống, quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số…

Theo đó, hậu Covid-19, khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể đi đầu trong tăng trưởng, phục hồi, phát triển kinh tế số và liên kết kinh tế bởi 3 yếu tố: Thứ nhất, Trung Quốc đã gần như kiểm soát được Covid-19 và bắt đầu quá trình phục hồi. Thứ hai, khu vực châu Á điển hình như Việt Nam đang dần thoát khỏi dịch bệnh. Thứ ba, châu Á – Thái Bình Dương vốn có nền tảng đầu tư mạnh và công nghệ phát triển, đặc biệt là công nghệ số, năng suất lao động khá bền vững với các trung tâm kinh tế.

Nói về quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh, nếu như trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009, Trung Quốc thoát ra với thế thượng phong và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thì hậu Covid-19, Trung Quốc cũng đã trang bị cho mình nhiều biện pháp để phục hồi. Dù bị cô lập nhưng không thể phủ nhận vai trò không thể thiếu của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới. Do đó, quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng và đầu tư là quá trình dần dần và cần thời gian.

Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, thời gian tới, bên cạnh phòng, chống dịch Covid-19, châu Á – Thái Bình Dương vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể như hợp tác kinh tế và liên kết kinh tế sẽ khó hơn rất nhiều.

Dịch Covid-19 đã bộc lộ các cơ chế không phù hợp về khả năng thích ứng, ứng phó với khủng hoảng, việc cải cách kinh tế cũng sẽ được điều chỉnh mạnh hơn theo xu hướng cân bằng, bền vững. Cạnh tranh với các nước lớn, như cạnh tranh Mỹ – Trung sẽ gia tăng thời gian tới.

Thêm vào đó, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đánh giá, khả năng phục hồi kinh tế kéo dài trong nhiều năm sẽ khiến ưu tiên hợp tác quốc tế của các quốc gia trong khu vực rất khác nhau. Trong tình hình mới, các quốc gia sẽ đảm bảo tự chủ, coi tự chủ là nội lực và cơ sở, nội khối là nền tảng.

Đồng quan điểm với Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, TS. Cấn Văn Lực, Ủy viên VNCPEC, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV), Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho biết, hậu Covid-19, căng thẳng Mỹ – Trung về thương mại, công nghệ sẽ trở nên phức tạp hơn, châu Á sẽ trong vai trò “đứng giữa”, vừa thúc đẩy quan hệ kinh tế với Trung Quốc, vừa thúc đẩy quan hệ an ninh với Mỹ. Vai trò của Chính phủ nhất là trong dịch vụ công, y tế, an sinh xã hội sẽ lớn hơn.

Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực nhận định, thế giới sẽ xuất hiện xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư và chuỗi sản xuất sang các nước Đông Nam Á; xu hướng phòng vệ thương mại, chủ nghĩa dân tộc, dân túy sẽ tăng.

“Ở cấp độ quốc gia, các nền kinh tế sẽ đa dạng hóa, đa phương hóa, tăng cường liên kết khu vực nhằm giảm thiểu ruru ro phụ thuộc. Nâng cao khả năng sản xuất trong nước, tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa (cả phía cung và cầu). Các nước cũng sẽ chú trọng hơn vào an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh y tế.

Ngoài ra, kinh tế số, ngoại giao số, giao dịch số, tiền kỹ thuật số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu… sẽ phát triển nhanh hơn”, TS. Cấn Văn Lực khẳng định.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here