1. Xuất nhập khẩu dịch vụ Trung Quốc giảm trong quý I/2020
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 2/5/2020, người phụ trách Vụ Thương mại dịch vụ Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, quy mô thương mại dịch vụ của Trung Quốc giảm. Trong quý I/2020, tổng xuất nhập khẩu dịch vụ của Trung Quốc đạt 1.152,3 tỷ NDT (164,6 tỷ USD), giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Trung Quốc xuất khẩu đạt 444,28 tỷ NDT, giảm 4,1%; nhập khẩu đạt 708,02 tỷ NDT, giảm 14,5%.
Trong quý I/2020, xuất nhập khẩu dịch vụ loại hình tập trung tri thức của Trung Quốc đạt 466,93 tỷ NDT (khoảng 66,7 tỷ USD), tăng 7,8%, chiếm 40,5% tổng giá trị xuất nhập khẩu dịch vụ của Trung Quốc, tăng 7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu dịch vụ tập trung tri thức đạt 262,42 tỷ NDT (khoảng 37,4 tỷ NDT), tăng 11%, chiếm 59% tổng xuất nhập khẩu dịch vụ, tăng 8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu dịch vụ tập trung tri thức đạt 204,51 tỷ NDT (khoảng 29,2 tỷ USD), tăng 4,1%, chiếm 28,9% tổng nhập khẩu dịch vụ, tăng 5,2 điểm phần trăm.
2. Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng 198 nghìn trạm gốc 5G
Trung Quốc đang đẩy nhanh phát triển mạng 5G. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc mới đây cho biết, đến cuối tháng 3/2020, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng 198 nghìn trạm gốc G5. Dự kiến tới cuối năm 2020, Trung Quốc sẽ có trên 600 nghìn trạm gốc 5G trên toàn quốc.
Vụ trưởng Vụ Phát triển Công nghệ thông tin Viễn thông, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Văn Khố cho biết cùng với việc đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng 5G, thiết bị đầu cuối cũng bước vào giai đoạn tăng tốc. Tính đến ngày 20/4/2020, Trung Quốc đã có 95 mẫu thiết bị đầu cuối được phép kết nối mạng 5G. Hiện số lượng thuê bao 5G đã vượt 50 triệu. Đến ngày 26/3/2020, Trung Quốc đã ra mắt 76 mẫu điện thoại di động 5G.
Trước đó ngày 24/3/2020, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã ban hành “Thông báo về việc thúc đẩy phát triển mạng 5G”, đề xuất các công ty viễn thông thúc đẩy phủ cập sử dụng mạng 5G thông qua nâng cấp gói, giảm cước phí để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.
3. FTZ Trung Quốc thu hút mạnh FDI
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến do Bộ Thương mại Trung Quốc tổ chức mới đây, Vụ trưởng Vụ Cảng thương mại tự do của Bộ Thương mại Trung Quốc Đường Văn Hoàng cho biết trong quý I/2020, 18 khu thí điểm thương mại tự do (FTZ) của Trung Quốc đã thu hút được 28,9 tỷ NDT (khoảng 4,12 tỷ USD), chiếm 13,4% tổng số vốn FDI của cả nước.
Ông Đường Văn Hoàng cho rằng trong thời gian tới, các FTZ của Trung Quốc ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư do Trung Quốc đẩy mạnh các giải pháp như thực thi Luật đầu tư nước ngoài mới (từ 1/1/2020), dỡ bỏ các hạn chế đối với vốn chủ sở hữu của các tổ chức tài chính nước ngoài tại Trung Quốc từ ngày 01/4/2020 đã tạo môi trường chính sách tích cực và đúng đắn hơn; tạo môi trường đầu tư cởi mở, minh bạch hơn; tạo môi trường kinh doanh thân thiện, cơ sở hạ tầng dịch vụ ngày càng hoàn thiện.
Ông Đường Văn Hoàng cho rằng các FTZ đã đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước: FTZ Thượng Hải đang nỗ lực thúc đẩy xây dựng trung tâm kinh tế quốc tế Thượng Hải, trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại quốc tế và trung tâm vận chuyển quốc tế, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến trong đó là tài chính, dịch vụ, công nghệ cốt lõi, đột phá; FTZ Hồ Bắc phấn đấu xây dựng 5 cụm công nghiệp mũi nhọn: mạch tích hợp, quang điện tử, trí tuệ nhân tạo, y sinh dược và ô tô năng lượng mới, có vai trò thúc đẩy nền kinh tế phát triển chất lượng cao; FTZ Hải Nam nỗ lực phát triển ngành du lịch, dịch vụ hiện đại và công nghệ cao; FTZ Vân Nam tập trung vào sản xuất hàng cao cấp, hậu cần hàng không, dịch vụ y tế, du lịch xuyên biên giới, thương mại điện tử xuyên biên giới và các ngành công nghiệp khác; FTZ Hà Bắc phát triển ngành công nghệ như dữ liệu lớn, trung tâm dữ liệu, định dạng thương mại kỹ thuật số; FTZ Liêu Ninh đã bước đầu hình thành “hiệu ứng đầu tầu” trong mở cửa hợp tác với khu vực Đông Bắc Á, đẩy mạnh cải cách các doanh nghiệp nhà nước; FTZ Chiết Giang đóng vai trò phân phối hàng hóa số lượng lớn ra toàn cầu, chủ yếu là mặt hàng dầu khí; phát huy vai trò quan trong thúc đẩy cải cách hệ thống dầu khí của Trung Quốc; FTZ Hà Nam thúc đẩy xây dựng trung tâm vận chuyển và hậu cần, trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung; FTZ Trùng Khánh trở thành trung tâm chủ chốt để xây dựng sáng kiến “Vành đai và Con đường” và kết nối vành đai kinh tế sông Trường Giang; FTZ Tứ Xuyên đóng vai trò dẫn dắt phát triển khu vực miền Tây.
Đến nay, Trung Quốc đã thành lập 18 FTZ, đóng vai trò tiên phong trong cải cách mở cửa thông qua thử nghiệm các cách thức mới trong quản lý đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi cho thương mại và chuyển đổi các chức năng của Chính phủ để đưa nền kinh tế hội nhập tốt hơn với kinh tế thế giới. FTZ đầu tiên tại Thượng Hải (2013); 3 FTZ đợt 2 tại Quảng Đông, Thiên Tân và Phúc Kiến (2015); 7 FTZ tại Liêu Ninh, Chiết Giang, Hà Nam, Hồ Bắc, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Thiểm Tây (2017); 1 FTZ tại Hải Nam (2018); 6 FTZ tại Sơn Đông, Giang Tô, Quảng Tây, Hà Bắc, Vân Nam, Hắc Long Giang (2019).
(Đại sứ quán Việt nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc)