1. Ảnh hưởng của covid-19 đến các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Colombia
Bà Rosmery Quintero Castro, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Colombia (Acopi), cho biết kể từ khi bắt đầu ngừng hoạt động vào ngày 17/3 theo lệnh của Chính phủ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đóng góp xã hội bằng cách trả số tiền lương hàng tháng cho người lao động. Con số này đã vượt quá mức 76% doanh số và thu nhập của các doanh nghiệp, trở thành một trở ngại cho họ trong việc tiếp tục hỗ trợ người lao động. Acopi ước tính rằng 65,32% doanh nghiệp vẫn duy trì mức trả lương như trước, mặc dù trên thực tế trước khi bắt đầu Covid-19, 82,43% doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để đối phó với khủng hoảng. Do đó, chủ doanh nghiệp hiện đang đứng trước quyết định khó khăn nhất là có sa thải người lao động trong hoàn cảnh hiện nay hay không.
Lãnh đạo Công đoàn của Acopi đã trình bày Chương trình Duy trì việc làm xã hội, với việc áp dụng các khoản trợ cấp để bảo toàn việc làm cho 7,8 triệu người lao động dễ bị tổn thương nhất trong tổng số 17 triệu người lao động của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Khoản trợ cấp này có giá trị 6,8 nghìn tỷ peso/tháng (0,71% GDP) được quyên góp bằng hình thức xã hội hóa. Cụ thể là tạm thời áp dụng khả năng giảm 30% lương (không thấp hơn mức lương tối thiểu hàng tháng) và chương trình phải kéo dài 03 tháng. Các khoản trợ cấp phải đảm bảo tỷ lệ không quá chênh lệnh giữa những người có thu nhập thấp và thu nhập cao.
Theo số liệu của Acopi thì tại Colombia hiện có 1,63 triệu công ty vừa, nhỏ và siêu nhỏ được đăng ký chính thức, tạo 80% việc làm và đóng góp 40% GDP. Việc các doanh nghiệp này ngừng hoạt động đã ảnh hưởng mạnh đến kinh tế và thu nhập của đa số người lao động Colombia và gia đình của họ.
Trong một diễn biến khác, Hiệp hội Doanh nhân Quốc gia Colombia (Andi) và Hiệp hội Công nghiệp Nhựa Colombia (Acoplásticos) đã tiến hành cuộc khảo sát đối với 238 doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong nước có tổng mức thu nhập hoạt động 65,7 tỷ đô la Mỹ trong năm 2019. Kết quả khảo sát cho thấy các doanh nghiệp này chỉ có thể hoạt động trong 11 ngày nếu họ phân bổ toàn bộ lượng tiền mặt hiện có để thực hiện tất cả các nghĩa vụ: trả lương (bao gồm an sinh xã hội), trả tiền cho nhà cung cấp, trả nợ và nộp đầy đủ các nghĩa vụ thuế cho Nhà nước.
2. Hãng Hàng không Quốc gia Avianca của Colombia đối mặt với khủng hoảng do Covid-19.
Đã có rất nhiều nghi ngờ về việc Avianca – hãng hàng không Quốc gia Colombia và lớn thứ hai của Mỹ Latinh có thể tiếp tục khả năng duy trì hoạt động kinh doanh do khủng hoảng Covid-19. Các kiểm toán viên của Avianca Holdings S.A đã tiết lộ trong hồ sơ chứng khoán gửi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ giải thích lý do tại sao họ không thể nộp báo cáo thường niên năm 2019. Avianca cho biết họ sẽ nộp báo cáo này vào tháng 6 này và dự kiến trong hồ sơ sẽ có kết luận của Công ty kiểm toán KPMG về khủng hoảng nghiêm trọng cũng như khả năng tiếp tục hoạt động của hãng.
Avianca đã ngừng tất cả các chuyến bay chở khách kể từ tháng 3 do Covid-19 sau khi các điểm kết nối chính ở Colombia, El Salvador, Ecuador và Peru ngừng hoạt động giao thông hàng không. Avianca đã phải cho hơn một nửa nhân viên của hãng nghỉ không lương và hiện đang tích cực tìm kiếm sự trợ giúp của Chính phủ, trong khi trì hoãn các khoản thanh toán thuê máy bay và nghĩa vụ nợ khác. Ông Roberto Kriete, Chủ tịch Hội đồng quản trị Avianca Holdings S.A cho biết hãng đã ở trong tình trạng suy yếu về tài chính ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra. Để có thể tiếp tục hoạt động vào năm 2019, Avianca đã yêu cầu khoản vay khẩn cấp trị giá 250 triệu đô la Mỹ được tài trợ phần lớn bởi United Airlines Holdings Inc.
United Airlines Holdings mới đây đã tiết lộ rằng họ dự kiến sẽ mất 697 triệu đô la Mỹ trong đó phần lớn gắn liền với hai khoản vay được đảm bảo bằng cổ phần của cựu chủ tịch German Efromovich tại Avianca. Khi giá thị trường của Avianca đã bị rơi tự do vì Covid-19, cổ phiếu niêm yết tại New York của hãng đã giảm 77% trong năm nay.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)