Thách thức với khu vực đồng tiền chung châu Âu

0
106
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Eurozone đang đứng trước thử thách kinh tế khắc nghiệt nhất khi dự báo kinh tế khu vực Eurozone sẽ sụt giảm khoảng -10% trong năm 2020. Các cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo châu Âu về khủng hoảng Covid-19 đã biến thành cuộc tranh cãi vấn đề thiệt và lợi từ đồng tiền chung Euro, có nguồn gốc sâu xa từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu 2010-2012. Khi đó, các nước Nam Âu chìm ngập trong nợ đã kêu gọi sự đoàn kết, tương trợ của các nước Tây Bắc Âu và cuối cùng thì Ngân hàng TW châu Âu (ECB) đã hành động, giúp tránh khỏi sự sụp đổ của đồng Euro. Do không có chính sách tiền tệ độc lập đồng thời không thể cắt giảm nợ công, một số nước không thể tự cứu mình trong trường hợp khủng hoảng mà cần có sự hỗ trợ của các nền kinh tế vững mạnh hơn trong Eurozone.

Nhằm tránh một suy thoái kéo dài nghiêm trọng, hiện chính phủ các nước Nam Âu cần phải tăng chi tiêu chính phủ, tuy nhiên việc này sẽ dẫn đến nợ công tăng vọt. Ở Ý, hiện nợ công đã chiếm 135% GDP, và con số này sẽ nhanh chóng lên hơn 150% chỉ với một gói kích thích kinh tế khiêm tốn. Nếu chính phủ quyết định mạnh tay chi các gói cứu trợ, các nhà đầu tư sẽ có thể hoảng loạn vì lo ngại khả năng vỡ nợ hoặc tái cơ cấu nợ. Hy Lạp, Tây Ban Nha và thậm chí cả Pháp cũng đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn như vậy. ECB bắt đầu hành động nhằm kiểm soát tình hình thông qua việc mua trái phiếu và nới lỏng quy định. Tuy nhiên, hành động này chỉ có tác dụng “mua thời gian” vì việc ECB giúp mua trái phiếu cũng có giới hạn và có thể phải chấm dứt trước khi kinh tế những nước này phục hồi.

Đồng Euro đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan về chính trị. Ở các nước Nam Âu, hàng triệu cử tri có thể sẽ cho rằng việc tham gia Eurozone không mang lại lợi ích và như vậy sẽ gia tăng ủng hộ đối với các Đảng cực hữu nghi kỵ Euro như Liên đoàn Bắc Ý, Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen ở Pháp. Hiện các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng Euro đang vật lộn để thống nhất các biện pháp bao gồm việc tài trợ chung cho bảo hiểm thất nghiệp, tiếp cận thuận lợi hơn đối với quỹ cứu trợ chung. Tuy nhiên, nguồn lực hiện có khá hạn hẹp và đề xuất được 9 nước bảo trợ về việc phát hành ‘trái phiếu corona’ đang đứng trước nhiều thách thức. Các nước Tây Bắc Âu vốn từ lâu đã phản đối việc phát hành trái phiếu chung, coi đó là hành động bảo trợ cho sự lỏng lẻo tài khóa của các nước Nam Âu. Tuy nhiên, nếu không Ý và Tây Ban Nha sẽ phải đương đầu với khủng hoảng hết sức nặng nề hiện nay hoặc một khủng hoảng nợ kéo dài trong tương lai. Việc phát hành trái phiếu vay nợ hiện nay là do tình trạng phong tỏa toàn đất nước Ý vì Covid-19 chưa không phải vì hành vi chi tiêu dễ dãi của chính phủ.

Việc phát hành trái phiếu chung là một sự thỏa hiệp, phát đi tín hiệu các nước Bắc và Nam âu phải cùng chung sống vì lợi ích chung. Ngay cả những người vốn phản đối quyết liệt trái phiếu châu Âu như Giám đốc Ngân hàng TW Đức Klaas Knot, giờ đây cũng cân nhắc biện pháp này. Hôm nay, các nhà lãnh đạo khác cần phải ủng hộ vì nếu không, đồng Euro và thậm chí cả EU sẽ không vượt qua được cơn khủng hoảng này.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Sĩ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here