Chuyển mục tiêu phục vụ nhu cầu nội địa sang xuất khẩu
Trên thực tế, 34% nền kinh tế Campuchia phụ thuộc vào nông nghiệp. Campuchia có 2,8 triệu ha đất canh tác lúa vào mùa mưa, 534.024 ha đất canh tác lúa vào mùa khô, 25.249 ha đất dành cho các đồn điền hỗn hợp và 47.919 ha dành cho các đồn điền nông nghiệp. Những yếu tố này có thể thu hút tới 34% tổng số lực lượng lao động cả nước. Ngoài nông nghiệp, nền kinh tế Campuchia phụ thuộc vào hàng dệt may, du lịch và công nghiệp.
Nhờ ngành nông nghiệp quy mô lớn, Campuchia đã sản xuất tổng cộng 31 triệu tấn lương thực trong năm 2019, mang lại thu nhập tương đương 10 tỷ USD. Trong tổng số lương thực Campuchia xuất khẩu, gạo chiếm vị trí xuất khẩu hàng đầu. Năm 2019, Campuchia đã xuất khẩu 620.264 tấn gạo, đạt giá trị khoảng 500 triệu USD.
Phân tích về các thị trường lúa gạo của Campuchia trong đó nhấn mạnh hợp tác nông nghiệp Campuchia – Trung Quốc, trang Fresh News cho biết, theo báo cáo năm 2019 của Hiệp hội Lúa gạo Campuchia (CRF), Campuchia xuất khẩu ba loại gạo, bao gồm gạo thơm, gạo trắng và gạo hấp sang Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên ASEAN.
Năm 2019, Campuchia đã nhận được hạn ngạch 400.000 tấn để xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với gạo Campuchia, cụ thể nước này đã xuất khẩu 248.105 tấn gạo thơm sang Trung Quốc, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia Veng Sakhon, Campuchia đã xuất khẩu 40% gạo sang thị trường Trung Quốc. Việc Campuchia xuất khẩu số lượng lớn gạo thơm sang Trung Quốc đã khiến Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Campuchia thay thế vị trí của EU vốn là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Campuchia trước đây.
Ông Veng Sakhon cho biết Trung Quốc có dân số khoảng 1,4 tỷ người, do vậy cần nhiều lương thực. Trung Quốc là thị trường lớn tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Nếu muốn mở rộng thị trường ở Trung Quốc trong tương lai gần, Campuchia cần chuẩn bị canh tác, chế biến, đóng gói và vận tải vì Trung Quốc.
Song Saran, Giám đốc Điều hành Amru Rice Cambodia – một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất tại Campuchia – cho biết, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc là dấu hiệu tích cực cho sự phát triển của ngành lúa gạo Campuchia. Người dân Trung Quốc thích gạo chất lượng cao như gạo thơm, đây là cơ hội để Campuchia chiếm lĩnh thị trường gạo thơm lớn nhất thế giới.
Năm 2019, Trung Quốc đã cam kết mua 400.000 tấn gạo của Campuchia. Các nhà xuất khẩu và nông dân trồng lúa Campuchia đã rất vui mừng và bắt đầu trồng nhiều lúa thơm hơn. Họ hy vọng họ có thể bán sản phẩm của mình với giá cao hơn để cải thiện sinh kế.
Sim Sokhon, Xã trưởng xã Trea, tỉnh Takeo cho biết, năm 2019, người nông dân trồng lúa địa phương được mùa hơn so với năm 2018, nông dân có thể thu hoạch khoảng 4-5 tấn lúa mỗi ha. Nông dân xã Trea hài lòng với giá gạo và có thị trường lớn hơn sau khi chuyển sang trồng lúa thơm. Xã trưởng Sim Sokhon cho biết: “Vào mùa mưa, nông dân trồng loại lúa mùa mưa và mùa khô trồng loại lúa mùa khô. Giá gạo hiện nay cao hơn so với năm trước. Trước đây chỉ có 650 riel (0,16 USD/kg), nhưng giờ có giá 770 riel (0,19 USD/kg) giúp cải thiện cuộc sống của người dân trong xã”.
Từ năm 2017, Trung Quốc đồng ý mua gạo Campuchia với hạn ngạch 100.000 tấn, nhưng Campuchia đã xuất khẩu gần 200.000 tấn gạo sang thị trường Trung Quốc. Năm 2018, Chính phủ Trung Quốc đã tăng hạn ngạch lên 300.000 tấn, song năm 2018, Campuchia chỉ xuất khẩu được 170.000 tấn gạo sang Trung Quốc. Năm 2019, Trung Quốc tiếp tục tăng hạn ngạch lên 400.000 tấn, nhưng Campuchia chỉ có thể cung cấp 240.000 tấn.
Bộ trưởng Veng Sakhon nói rằng việc thiếu khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc là vấn đề đáng quan tâm của các Bộ và ngành hữu quan. Theo ông Veng Sakhon, một số thách thức là việc Trung Quốc đã để Cofco – một công ty nhà nước quản lý nhập khẩu gạo. Thông thường, mỗi quốc gia đều cẩn trọng trong công tác giám sát nhập khẩu, thông qua việc cân bằng các sản phẩm trong nước và nhập khẩu. Khó khăn sẽ tăng thêm khi Campuchia tăng thêm 18 doanh nghiệp xuất khẩu so với 26 doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay.
Bộ Thương mại Campuchia đang tiến hành đàm phán với Cofco và nước này đang khuyến khích các nhà xuất khẩu gạo tư nhân hợp tác chặt chẽ với Cofco. Nhiệm vụ của Bộ Thương mại là đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc. Theo Bộ trưởng Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Veng Sakhon, ngoài giá trị gia tăng khiến giá gạo Campuchia tại thị trường Trung Quốc đắt hơn, sự kết hợp giữa giá thành cao của chuỗi sản xuất gạo Campuchia cũng là một yếu tố góp phần làm giá gạo Campuchia tăng cao trên thị trường quốc tế.
Cạnh tranh với các nước láng giềng
Các thách thức khác đối với gạo Campuchia bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông dẫn đến tốn thời gian và chi phí cao, chi phí điện cao và sự thiếu nước phục vụ canh tác cũng là vấn đề.
Bộ trưởng Veng Sakhon cho biết, xuất khẩu của Campuchia phải đối mặt với một số thách thức, đặc biệt là trong chế biến gạo vì chi phí điện cao. Thứ hai, vận chuyển tốn kém. Thứ ba, cạnh tranh thị trường. Bằng cách chứng minh chất lượng và hương vị gạo tốt cũng như nguồn gốc sản xuất tự nhiên, Campuchia có cơ hội rất nhỏ để tiếp cận thị trường.
Về vấn đề canh tác lúa, nông dân Nguon Pak nói rằng nếu chính phủ hoặc bất kỳ tổ chức nào xuất khẩu gạo thơm, phổ biến trên thị trường quốc tế, nông dân sẽ chuyển sang trồng giống lúa thơm. Điều này sẽ giúp cải thiện cuộc sống của nông dân Campuchia và xây dựng danh tiếng của Campuchia. Nguon Pak kêu gọi chính phủ xem xét khôi phục các kênh tưới tiêu hiện có hoặc xây dựng thêm hệ thống thủy lợi để đảm bảo có đủ nguồn cung cấp nước phục vụ canh tác.
Nguon Pak cho biết thêm: “Tất nhiên, chúng tôi cần hạt giống tốt nhưng với giá thấp. Đào tạo kỹ thuật cũng rất quan trọng, nếu không kết quả sẽ kém năng suất. Quan trọng hơn, phải có đủ nước và nếu không mọi người không thể làm gì được. Việc canh tác chỉ có thể được thực hiện mỗi năm một vụ, nhưng có thể tăng hai vụ nếu có đầy đủ nước”.
Vai trò của hợp tác Trung Quốc-Campuchia
Mặc dù Campuchia vẫn chưa thể xuất khẩu gạo đủ theo hạn ngạch, nhưng lượng gạo Campuchia xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm số lượng nhiều nhất so với thị trường EU và ASEAN. Giám đốc điều hành của AMRU Rice Campuchia, Song Saran tin tưởng Campuchia sẽ có thể hoàn thành hạn ngạch trong tương lai gần.
Theo Bộ trưởng Veng Sakhon kết luận: “5 năm qua, xuất khẩu gạo của Campuchia đã tăng từ 30.000 tấn lên hơn 200.000 tấn. Cả hai bên (Campuchia-Trung Quốc) đã làm việc cùng nhau để đạt được Bản ghi nhớ (MOU) về việc xuất khẩu 400.000 tấn gạo của Campuchia sang Trung Quốc. Tôi nghĩ sớm hay muộn nếu cơ chế đang hoạt động chính xác và minh bạch, chúng ta sẽ sớm đạt được mục tiêu”.
Vũ Hùng