Chuyên gia quốc tế: Kinh tế Việt Nam “nếm đòn” COVID-19, nhưng sẽ sớm phục hồi

0
271
Theo ADB, nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì. Nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm 2020, nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại với mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2021.
Theo ADB, nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì. Nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm 2020, nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại với mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2021.

Trang adb.org của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 3/4 đăng báo cáo mới nhất cho rằng do tác động của dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ giảm tốc mạnh trong năm 2020, xuống mức 4,8%. Những nguyên nhân chính khiến ADB dự báo như vậy là do cú sốc ban đầu về nguồn cung và các tác động giảm mạnh về cầu hiện vẫn đang diễn ra tại các quốc gia là đối tác thương mại và đầu tư chính của Việt Nam.

Theo nhận định của ADB, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm xuống mức 3,8% trong quý I/2020, so với mức 6,8% cùng kỳ năm 2019. Việc hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn lây lan virus dẫn đến tiêu dùng nội địa chậm lại. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ – khu vực bị tác động nhiều nhất của đại dịch, giảm xuống chỉ còn 3,2% trong quý I/2020, so với mức 6,5% cùng kỳ năm 2019.

Để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đầu tháng 3/2020, Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ tín dụng trị giá 10,8 tỷ USD (khoảng 0,4% GDP), bao gồm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm các loại lãi suất và phí. Chính phủ cũng đưa ra hai gói hỗ trợ ngân sách trị giá 1,3 tỷ USD mỗi gói, bao gồm giảm các loại thuế, phí cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đồng thời cũng giãn thời hạn nộp thuế, và dự tính các hỗ trợ về mặt ngân sách của Chính phủ sẽ còn tăng lên.

Ngân hàng Nhà nước cũng cắt giảm lãi suất chính sách từ 0,5-1%, hạ trần lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam với các kỳ hạn dưới 6 tháng và hạ trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với những lĩnh vực ưu tiên.

Tuy nhiên, theo nhận định của báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO 2020), nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì. Nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm 2020, nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại với mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2021 – theo như dự báo của ADB trước khi xảy ra COVID-19, và nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong trung và dài hạn.

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick cho biết: “Cho dù các hoạt động kinh tế suy giảm và các rủi ro do dịch COVID-19 vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á”.

Số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia, hứa hẹn tăng khả năng tiếp cận thị trường, sẽ giúp nền kinh tế tăng tốc trở lại. ADB nhận định rằng Việt Nam cũng hưởng lợi từ việc Trung Quốc khống chế được dịch COVID-19 và việc phục hồi tăng trưởng trở lại của Trung Quốc sẽ góp phần khôi phục lại chuỗi giá trị toàn cầu.

Trước đó, trang tin Times.com dẫn báo cáo cập nhật tình hình kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định rằng “Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19” trong bối cảnh “hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu”. Tuy nhiên, tổ chức tài chính quốc tế này nhận định rằng với dư địa chính sách trong tay, Việt Nam đang ở vị thế vững vàng để vượt qua khủng hoảng về y tế và kinh tế, nêu dẫn chứng “trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu tăng trưởng 8%, dòng vốn FDI lên đến 2,5 tỷ USD, ngành bán lẻ tăng trưởng 5,4%”. WB dự báo, nỗ lực củng cố tình hình tài khóa dự kiến sẽ tiếp diễn từ năm 2021 trở đi, qua đó tiếp tục làm giảm tỷ lệ nợ công trên GDP. Trong trung hạn, dự báo mức tăng trưởng sẽ quay lại lên đến 7,5% trong năm 2021 và ở quanh mức khoảng 6,5% năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục. Nền kinh tế Việt Nam sẽ lại bật lên sau đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, đài Sputnik dẫn dự báo của công ty Fitch Solutions – một bộ phận của Tập đoàn xếp hạng tín nhiệm và đo lường rủi ro trên thị trường thế giới Fitch của Mỹ – cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 có thể giảm 2,8%, chỉ số này chỉ thấp hơn so với kết quả năm 1986.

Các chuyên gia Fitch Solutions đưa ra dự báo khá ảm đạm vì ba ngành chính của nền kinh tế Việt Nam, gồm nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi đại dịch COVID-19 cũng như dịch tả lợn châu Phi đã tấn công nước này cũng như các quốc gia khác trong khu vực.

Giáo sư Vladimir Mazyrin, chuyên gia hàng đầu của Nga về kinh tế Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, không đồng ý với mức dự báo của các chuyên gia Fitch Solutions, đồng thời cho rằng: “Công ty Mỹ cố ý hạ thấp dự báo tăng trưởng của những quốc gia mà Hoa Kỳ đang cố gắng gây áp lực bằng cách này hay cách khác, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP là cơ sở để xếp hạng tín nhiệm. Tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại có nghĩa là quốc gia này xuống vị trí thấp hơn trong xếp hạng tín nhiệm, và các chủ nợ thắt chặt các biện pháp. Vì thế, tôi coi những con số như vậy như là quảng cáo và không coi trọng chúng.

Theo tôi, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ là từ 4%-5%. Theo số liệu chính thức, mức tăng trưởng trong quý đầu năm nay là 3,82%, tất nhiên, thấp hơn nhiều so với những năm trước. Ví dụ, trong năm 2018, chỉ số này trong quý đầu là 7,4%, trong quý đầu năm 2019 là 6,8%. Nhưng ngay cả trong tình huống bình thường, chỉ số tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý đầu vẫn thấp hơn so với chỉ số cả năm, bởi vì trong quý đầu ở Việt Nam có kỳ nghỉ Tết Âm lịch, khi toàn bộ cuộc sống kinh doanh “đóng băng”. Sau đó, trong quý III và quý IV, các chỉ số cao hơn mức trung bình cả năm và tình hình ổn định lại. Theo tôi, tốc độ tăng trưởng GDP năm nay sẽ cao hơn 4%. Tôi thấy một số yếu tố có thể dẫn đến kết quả tích cực. Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam được kết nối chặt chẽ với nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc đã vượt qua đỉnh điểm của đại dịch và đang dần khôi phục hoạt động kinh doanh, điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ khôi phục chuỗi sản xuất với Trung Quốc, điều này sẽ giúp Việt Nam hồi sinh công nghiệp.

Thứ hai, nhờ các biện pháp kiên quyết của Chính phủ và tinh thần đại đoàn kết toàn dân, dịch bệnh đã không tác động mạnh đến Việt Nam, các biện pháp hạn chế sẽ được dỡ bỏ và thị trường nội địa sẽ hồi sinh. Có khả năng các chỉ số sẽ sụt giảm trong quý II, nhưng nếu tình hình kiểm soát dịch được cải thiện thì trong quý III và quý IV, Việt Nam sẽ cố gắng vực dậy nền kinh tế”.

Thu Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here