Cách Indonesia làm để giảm thiểu thiệt hại do COVID-19?

0
138
Nếu quá trình sản xuất và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân đều bị gián đoạn do các biện pháp cách ly để phòng bệnh, các biện pháp kích thích nhu cầu bằng chính sách tài khóa và nới lỏng tiền tệ sẽ không mang lại hiệu quả. (Nguồn: Reuters)
Nếu quá trình sản xuất và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân đều bị gián đoạn do các biện pháp cách ly để phòng bệnh, các biện pháp kích thích nhu cầu bằng chính sách tài khóa và nới lỏng tiền tệ sẽ không mang lại hiệu quả. (Nguồn: Reuters)

Đại dịch COVID-19 hiện nay đang khiến chúng ta nhớ đến cuốn tiểu thuyết “Dịch hạch” của nhà văn người Pháp Albert Camus. Trong tiểu thuyết của mình, Albert Camus mô tả về những gì con người phải chứng kiến trong thời điểm đó cũng vô cùng khủng khiếp. Sự lây lan dịch bệnh, những cái chết bi thảm khiến con người phải giữ khoảng cách, xa lánh và cô lập để tự bảo vệ mình.

Chúng ta đang chứng kiến thực tế là các bác sĩ ở Italy bị đặt vào tình thế buộc phải chọn bệnh nhân để ưu tiên điều trị dựa trên những chẩn đoán về tình trạng của họ. COVID-19 đã trở thành một vấn đề không chỉ liên quan đến y tế mà còn cả vấn đề nhân đạo khi đội ngũ y, bác sĩ phải lựa chọn bệnh nhân để điều trị trong những tình huống khó xử. Tác động của dịch bệnh COVID-19 là rất lớn. Những ảnh hưởng này đang ngày càng hiện hữu mọi nơi, mọi lúc trong các hang cùng, ngõ hẻm hay các con phố của Indonesia.

Giảng viên, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Indonesia – Chatib Basri mới đây đã chỉ ra những tác động to lớn cũng như những khó khăn mà nền kinh tế của Indonesia đang gặp phải do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, trong bài viết trên mạng Diễn đàn Đông Á. Tác giả đồng thời đề xuất các giải pháp để Indonesia có thể nghiên cứu áp dụng nhằm giảm thiểu những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế của quốc gia này.

COVID-19 đã gây ra cả cú sốc về nguồn cung và cầu đối với các nền kinh tế. Về nhu cầu, sự phát triển chậm lại của nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Trung Quốc nói riêng đang tác động rõ rệt đối với nền kinh tế của Indonesia, biểu hiện thông qua giá trị hàng hóa và nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân. Về nguồn cung, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng hàng hóa, các nguyên liệu thô của Trung Quốc đang khiến cho Indonesia thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho ngành sản xuất. Điều này đang làm đình trệ việc sản xuất hàng hóa và chuỗi cung ứng dịch vụ của Indonesia.

Trong bối cảnh trên, việc giải phóng các chính sách tài khóa và tiền tệ để kích thích tổng cầu mà không giải quyết vấn đề do cú sốc nguồn cung sẽ chỉ làm tăng lạm phát. Bộ Tài chính Indonesia dự báo nền kinh tế của quốc gia này sẽ chỉ tăng trưởng trong khoảng 0%-2,5% trong năm 2020. Tuy nhiên, đây vẫn là một viễn cảnh tương đối lạc quan.

Sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh đã khiến nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho người dân. Ngày 15/3, Chính phủ Indonesia kêu gọi người dân giữ khoảng cách khi tiếp xúc xã hội. Đây là một trong những biện pháp tác động đến các hoạt động kinh tế của Indonesia. Điều này sẽ dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu và gián đoạn trong quá trình sản xuất hàng hóa của quốc gia này. Các tác động tiêu cực có thể được hạn chế nếu các biện pháp này được thay thế bằng các biện pháp trực tuyến.

Tuy nhiên, có rất nhiều lĩnh vực không thể sử dụng công nghệ trực tuyến để thay thế. Chẳng hạn như lái xe taxi, xe ôm hay tầng lớp người lao động chân tay ngoài trời, nhiên viên phục vụ, nhân viên bảo vệ hay những hộ kinh doanh nhỏ lẻ… Nếu quá trình sản xuất và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân đều bị gián đoạn do các biện pháp cách ly để phòng bệnh, các biện pháp kích thích nhu cầu bằng chính sách tài khóa và nới lỏng tiền tệ sẽ không mang lại hiệu quả.

Để giải quyết triệt để vấn đề này và giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực, Chính phủ Indonesia cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp cấp bách. Đầu tiên, cần tập trung vào việc xử lý ổ dịch và ngăn chặn sự lây lan. Indonesia là quốc gia đông dân với khoảng 270 triệu người, đồng nghĩa với việc nước này phải đối mặt với nguy cơ lây lan dịch bệnh nhanh chóng. Chính phủ cần chuẩn bị sẵn các kế hoạch đối phó với kịch bản dịch bệnh lan rộng để từ đó đưa ra những biện pháp ngăn chặn hiệu quả như nhiều quốc gia khác đã làm.

Chính phủ cần đảm bảo có đủ cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến để chăm sóc bệnh nhân. Bên cạnh đó là đảm bảo đầy đủ các thiết bị y tế như các dụng cụ xét nghiệm, thuốc men, trang thiết bị… và cả nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh trong những đợt cao điểm. Điều này đòi hỏi chính phủ huy động nguồn kinh phí rất lớn. Đối với những người mất việc làm do phải thực hiện cách ly hay phải tham gia quá trình điều trị, các khoản viện phí và các chi phí liên quan sẽ là gánh nặng của họ. Chính phủ đang chi trả một phần chi phí điều trị COVID-19 của người dân nhưng ở quy mô lớn hơn, Chính phủ có thể phải tính đến khả năng chi trả hoàn toàn cho người dân khi họ điều trị bệnh.

Dịch COVID-19 đang ngày càng tác động tiêu cực đến nền kinh tế của Indonesia và đẩy hàng triệu người vào tình thế mất việc làm. Để giảm thiểu tác động của vấn đề này và đảm bảo nhu cầu thiết yếu tối thiểu của người dân, Chính phủ nên tăng cường và mở rộng các chương trình chuyển tiền mặt, chuyển tiền có điều kiện và trợ cấp thực phẩm để người dân duy trì cuộc sống và yên tâm cách ly chữa trị bệnh. Phạm vi của các hộ gia đình đủ điều kiện nhận hỗ trợ nên được mở rộng hơn, không chỉ người nghèo mà còn cả những tầng lớp khác trong xã hội.

Chính phủ Indonesia cũng cần tập trung hơn vào khu vực đô thị, nơi đông dân cư sinh sống, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Nếu Chính phủ không đảm bảo tốt cho người dân ở các khu đô thị, những người mất việc làm sẽ không còn lựa chọn nào khác là phải trở về quê sinh sống. Làn sóng di cư này sẽ càng làm tăng thêm nguy cơ lây lan dịch bệnh từ khu vực thành phố đến nông thôn và Indonesia sẽ càng khó khăn hơn trong việc ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh.

Việc kiểm soát nguồn cung ứng thực phẩm và dược phẩm rất quan trọng. Trong những tình huống nhất định, giá cả sẽ tăng vọt do khan hiếm hàng hóa và Chính phủ không duy trì được nguồn cung đều đặn, gây ra hoảng loạn và bất ổn trong xã hội. Do vậy, ngay từ lúc này, Chính phủ Indonesia cần tính đến khả năng phân phối, điều tiết hàng hóa trước khi tình trạng hoảng loạn trong dân chúng xảy ra.

Các doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn lớn trong việc hoàn thành nghĩa vụ trả nợ trong khi việc kinh doanh, sản xuất bị ngưng trệ. Vì vậy, Chính phủ Indonesia có thể thực hiện các biện pháp để giãn nợ cho doanh nghiệp, tái cơ cấu tín dụng để hỗ trợ cho các công ty. Từ đó, các doanh nghiệp mới đủ sức để cùng Chính phủ giải quyết khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát và hậu dịch bệnh.

Tuy nhiên, tất cả các biện pháp trên đều đòi hỏi phải có kinh phí. Tuy nhiên, với sự sụt giảm giá dầu và các mặt hàng khác hiện nay, cũng như sự tăng trưởng của nền kinh tế đang chậm lại, nguồn thu của Chính phủ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Indonesia sẽ phải xác định các lĩnh vực ưu tiên phân bổ lại ngân sách để đảm bảo nguồn ngân sách được sử dụng hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng không thể không tính tới khả năng phải kêu gọi hỗ trợ quốc tế vì ngân sách quốc gia sẽ bị tổn thất và thâm hụt nặng nề.

Hiện tại, Indonesia có thể lựa chọn giải pháp tạm thời đình chỉ gói cho vay ưu đãi đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp gặp khó khăn sau khi bị tác động bởi thị trường cổ phiếu toàn cầu. Đồng thời, Indonesia cũng cần tính đến việc áp dụng các biện pháp kích thích tài khóa tập trung vào lĩnh vực y tế và hỗ trợ xã hội để xử lý triệt để các khu vực được coi là ổ dịch. Chỉ sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Chính phủ Indonesia mới có thể tính đến việc kích thích thị trường tài chính tiêu chuẩn và áp dụng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tổng cầu.

Hải Ngọc

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here