Xuất khẩu thủy sản lại “gặp khó” tại thị trường Mỹ và EU, VASEP ra khuyến cáo

0
157
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu và Mỹ đang gặp nhiều khó khăn. (Nguồn: Vietnambiz)

35-50% đơn hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đi Mỹ và châu Âu đã bị tạm hoãn hoặc hủy đơn trong tháng 3.

Xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu và Mỹ đang gặp nhiều khó khăn. (Nguồn: Vietnambiz)

Dịch Covid-19 “tàn phá” thế giới đã khiến cho việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam liên tiếp “gặp khó” trong những tháng qua. Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu như Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Bỉ, Ba Lan đều đã đưa ra nhiều giải pháp như đóng cửa biên giới để kiểm soát. Vì vậy, những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam tại thị trường này như giày dép, quần áo, đồ gỗ, điện thoại và đặc biệt là thủy sản đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản bị đình trệ tại thị trường Trung Quốc, sang tháng 3, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ và châu Âu lại tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh này.

Theo số liệu thống kê của Hải quan, tính đến tháng 2/2020, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 991 triệu USD, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm 2019. Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm, khiến kim ngạch xuất khẩu sang quốc gia này giảm 44%. Xuất khẩu sang khu vực châu Âu cũng giảm 20% và các thị trường khác như ASEAN, Hàn Quốc giảm lần lượt 4% và 9% so với cùng kỳ năm 2019.

Kết quả khảo sát các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho thấy, trong giai đoạn 3 tuần đầu tháng 3, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Đến thời điểm hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp đã bị sụt giảm từ 45-50% đơn đặt hàng. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ cũng đang giảm mạnh do chuỗi cửa hàng McDonald’s đóng cửa hơn 100 cửa hàng, ảnh hưởng tới sản lượng tiêu thụ cá phi lê hay các nhà hàng, chuỗi ẩm thực vắng khách dẫn đến giảm nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Hoạt động giao thương, trao đổi thương mại cũng bị gián đoạn.

VASEP cũng cho biết, theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm, các doanh nghiệp này đang “nín thở”, chờ đợi và hy vọng, qua tháng 3, đến tháng 4, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc sẽ khôi phục trở lại. Tuy nhiên, niềm hy vọng vội vụt tắt bởi hiện tại, Mỹ và châu Âu là thị trường đáng lo ngại hơn cả cho những doanh nghiệp này. Đã có từ 35%-50% đơn hàng xuất khẩu tôm sang Mỹ và châu Âu bị tạm hoãn giao hàng hoặc hủy vô thời hạn.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, VASEP cho hay, trong 2 tháng đầu năm nay, gần như bị gián đoạn hoặc ngưng trệ tại Trung Quốc, thị trường cá tra lớn nhất của Việt Nam. Không chỉ hoạt động giao thương cá tra Việt Nam qua đường tiểu ngạch mà cả đường chính ngạch sang Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn.

Ước tính 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đã giảm 32% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 52%, sang Mỹ giảm 27%, sang châu Âu giảm 40%, sang các nước khu vực ASEAN giảm 19%.

VASEP nhấn mạnh, ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 chưa dừng ở đó. Kể từ tháng 3 này, xuất khẩu cá tra sẽ bị ngưng trệ ở khu vực châu Âu. Tại một số quốc gia ở khu vực này, khách hàng đã tạm dừng mọi giao dịch nhập khẩu bởi gần như toàn bộ nhà hàng, khách sạn đều đã đóng cửa để ngăn chặn dịch Covid-19. Đến giữa tháng 3, nhiều đơn hàng xuất khẩu cá tra tại Trung Đông, châu Á hay Nam Mỹ cũng bắt đầu trong tình trạng ách tắch, hủy hoặc thông báo tạm ngừng đặt hàng.

Trước tình hình này, VASEP đưa ra khuyến cáo, đối với tôm, trong bối cảnh các thị trường chủ lực đang biến động, nếu người nuôi tôm cùng doanh nghiệp quyết tâm vượt qua giai đoạn này bằng cách duy trì nuôi thủy sản ở mức độ nhất định để cầm cự đến tháng 6 – tháng 7, khi thị trường hồi phục, thì ngành tôm vẫn có nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu để bù đắp sụt giảm những tháng đầu năm.

Đối với cá tra, tuy không quá lo ngại về nguyên liệu, nhưng nên tiếp cận việc đánh số vùng nuôi hoặc đưa ra các điều kiện nuôi cá tra hoàn chỉnh hơn để chuẩn bị xuất khẩu cá tra năm 2021 một cách tốt nhất.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here