Công cụ tài khóa phải là chìa khóa chính

0
94
(TS. Võ Trí Thành)
(TS. Võ Trí Thành)

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, bước đi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong điều hành lãi suất vừa qua là cần thiết, theo nghĩa thận trọng, nhưng việc hỗ trợ doanh nghiệp lúc này cần công cụ tài khóa mạnh hơn. Ông cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới xấu đi, nguy cơ suy thoái dần hiện hữu hơn, nhiều nước, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã điều chỉnh mạnh chính sách tiền tệ thông qua việc hạ lãi suất, thì phản ứng của NHNN là cần thiết. Vậy sự cần thiết này có thể được hiểu như thế nào?

Sự cần thiết này được hiện thực hóa khá thận trọng, với các lãi suất điều hành, lãi suất cơ bản chỉ giảm vừa phải. Quyết định thận trọng xuất phát từ một số lý do:

Thứ nhất, nguyên tắc của chúng ta hiện nay là phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Trong điều kiện lạm phát chưa thật sự thấp, thì phản ứng có mức độ là phù hợp.

Thứ hai, tôi gọi đây là phản ứng thích hợp vì đảm bảo việc điều chỉnh này không gây ra những xáo trộn không cần thiết. Ví dụ, tỷ giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát và về cơ bản vẫn ổn định được.

Thứ ba, đây là bước đi tiếp theo cùng với gói hỗ trợ theo Chỉ thị 11/2020/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.

Nhưng quan trọng là, với động thái này, có thể dần tạo ra mặt bằng mới, theo hướng thấp hơn so với lãi suất cho vay chung của nền kinh tế.

Nhưng có ý kiến cho rằng, không phải doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ được hưởng lợi ngay từ quyết định này, nhất là khi dòng tiền của phần lớn doanh nghiệp đang có vấn đề, thưa ông?

Đừng nói “dòng tiền của doanh nghiệp” một cách chung chung. Câu chuyện ở đây là thanh khoản của một số doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng cần phải quan sát một cách thận trọng.

Câu hỏi là tại sao giá vàng tăng vọt, rồi giảm mạnh. Tất nhiên, trong xu thế đang tăng, giá vàng sụt giảm bất chợt cũng cho thấy, có doanh nghiệp bán vàng để lấy dòng tiền thanh khoản, bên cạnh lý do là giới đầu cơ bán ra để chốt lời.

Khi sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp, mục tiêu là hỗ trợ thanh khoản, nhưng cũng phải thực hiện một cách thận trọng.

Trong bối cảnh hiện tại, để hỗ trợ doanh nghiệp, tôi cho rằng, cần sử dụng công cụ tài khóa mạnh hơn cả về thời gian hỗ trợ, lẫn quy mô.

Trong khó khăn, công cụ tài khóa phải là chìa khóa chính.

Nghĩa là gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng theo Chỉ thị 11/2020/CT-TTg đang dành cho cho các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội có thể chưa đủ?

Quan điểm của tôi là nên cân nhắc để làm mạnh hơn, cần nhất là hỗ trợ người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp trong các nhóm ưu tiên, tất nhiên là cần đúng đối tượng và minh bạch. Có thể chia các doanh nghiệp ưu tiên hỗ trợ thành các nhóm.

Nhóm thứ nhất là những doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với nhóm này, áp dụng giải pháp giảm, miễn, khoanh giãn các loại thuế, khoản nộp bảo hiểm xã hội.

Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp đang có cơ hội chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ.

Nhóm thứ ba là những doanh nghiệp đang có cơ hội tận dụng được các thị trường đã khống chế dịch tốt, để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Có thể tính tới giải pháp hỗ trợ thanh khoản có điều kiện cho các doanh nghiệp lớn để họ trụ vững.

Điều quan trọng là trong bất kỳ trường hợp nào, cần phải hành động quyết liệt, kịp thời và minh bạch. Thực tế đã có nhiều bộ, ngành vào cuộc nhanh như NHNN, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông… Bộ Tài chính cần đẩy nhanh tiến độ các phương án đề xuất để trình Chính phủ sớm nhất.

Bên cạnh đó, thúc đẩy đầu tư công cũng cần phải làm quyết liệt, với sự tham gia của Chính phủ và Quốc hội. Lúc này, cần có sự đột phá trong quyết sách với đầu tư công, để có thể nhanh hoàn tất thủ tục, đưa một số dự án có ý nghĩa tháo nút thắt vào thực hiện ngay…

Hiện đã có những dấu hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc…

Còn có những thị trường khác nữa, như Hàn Quốc…, khi dịch được khống chế dần. Trong khi thế giới vẫn đang bất ổn, thì đây là thời điểm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc, nhất là nông sản.

Chúng ta cần phải học kỹ bài học về thị trường, về đa đạng hóa thị trường, đối tác trong các kế hoạch, chiến lược cơ cấu lại doanh nghiệp sau những rung lắc của Trung Quốc. Nhưng điều này không có nghĩa là doanh nghiệp bỏ thị trường Trung Quốc. Đây vẫn là thị trường quan trọng trên thế giới, có tiềm năng lớn. Lúc này, doanh nghiệp phải quan tâm đến chất lượng của quá trình đầu tư và sản xuất, kinh doanh.

Đang có bàn luận về khả năng có thể xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu, thưa ông?

Trong lúc này, chúng ta cũng phải tiên liệu tới các kịch bản xấu hơn, để có những quyết sách mạnh hơn nữa. Như tôi đã nói, các dấu hiệu đang cho thấy khả năng suy thoái hiện dần lên, nhất là khi Fed đã “bắn toàn bộ số đạn trong nòng”.

Thật ra, trong điều hành của NHNN vừa rồi, có thể thấy, dư địa vẫn còn để có những quyết sách mạnh hơn khi qua đỉnh dịch.

Từ khi qua đỉnh dịch đến khi hết dịch khoảng 2 – 3 tháng. Khi qua đỉnh dịch thì độ hứng khởi của thị trường sẽ bắt đầu quay lại. Khi đó, chúng ta cần có ngay chính sách phù hợp để thúc đẩy sự hứng khởi này.

(Nguồn: baodautu.com)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here