Theo CNN, khi dịch corona lây lan, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ đã rơi tự do. Kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 2/2020, chỉ số S&P 500 đã giảm 17%. Giá dầu cũng đang lao dốc. Thị trường tài chính không nhất thiết là một chỉ số chính xác về sức khỏe của nền kinh tế. Nhưng sự sụt giảm của thị trường tài chính Mỹ đang gây thiệt hại đối với nền kinh tế về lâu dài.
Phải chăng thị trường tài chính Mỹ phản ứng thái quá, hay nền kinh tế sắp bị ảnh hưởng lớn? Điều đó phụ thuộc vào mức độ dịch virus lan rộng. Nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với hai kịch bản tiềm năng.
1. Nếu dịch virus corona suy yếu và biến mất
Nếu dịch corona được kiểm soát, nó chỉ gây ra một sự gián đoạn tạm thời đối với một nền kinh tế đang hoạt động tốt.
Trong kịch bản này, dịch corona sẽ được kiềm chế trong những tuần tới và chủ yếu ảnh hưởng đến nền kinh tế trong tháng 3 và tháng 4/2020. Khi đó, chi tiêu cho các hoạt động du lịch, du lịch và giải trí – vốn chiếm khoảng 7% GDP của Mỹ – có thể giảm 10% trong khoảng ba tháng, khi đó GDP (của Quý) sẽ giảm 0,7%.
Từ tháng 5 hoặc tháng 6 khi nỗi sợ virus giảm xuống, nền kinh tế Mỹ có thể được phục hồi, người tiêu dùng tiếp tục hành vi chi tiêu và các doanh nghiệp phục hồi các hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng. Khi các hoạt động kinh tế hồi phục mạnh, nền kinh tế Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng về lâu dài. Trên thị trường lao động, tác động của dịch chủ yếu ở hình thức giảm giờ làm và giảm việc tuyển dụng, nhưng không có tình trạng sa thải lớn ngoài các ngành bị ảnh hưởng nặng nhất.
2. Nếu virus corona tiếp tục tồn tại và lây lan
Trong kịch bản thứ hai, dịch corona tiếp tục lan rộng và nền kinh tế Mỹ phải chịu sự gián đoạn nghiêm trọng và kéo dài sau tháng 4/2020. Điều này có thể gây ra một cuộc suy thoái toàn diện.
Kịch bản này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó Mỹ chỉ kiểm soát được một số yếu tố, nhiều yếu tố khó kiểm soát được.
Những gì chúng ta có thể kiểm soát được là hành động của các quan chức y tế và các nhà hoạch định chính sách. Cụ thể là các bước ngăn chặn sự lây lan của vi-rút, như cho làm xét nghiệm Covid-19 rộng rãi và cách ly số người bị bệnh.
Nếu dịch bệnh kéo dài quá tháng 4, số người mắc bệnh sẽ tăng theo cấp số nhân và người tiêu dùng và chuỗi cung ứng sẽ không thể phục hồi nhanh chóng. Không chỉ xu hướng chi tiêu thấp kéo dài mà cả những gì các nhà kinh tế gọi là “hiệu ứng vòng hai” sẽ làm tăng thêm tác động. Ví dụ, sự gián đoạn kéo dài có thể dẫn đến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm mạnh, các doanh nghiệp bắt đầu sa thải người lao động, và thu nhập của các hộ gia đình sẽ giảm dẫn tới thắt chặt chi tiêu.
Khi đó, một cuộc suy thoái toàn diện sẽ khó tránh khỏi. Tồi tệ hơn, lãi suất dài hạn hiện đã gần bằng 0%, điều này hạn chế nghiêm trọng khả năng Cục Dự trữ Liên bang (FED) kích thích nền kinh tế Mỹ. Chính sách tài khóa như cắt giảm thuế cho doanh nghiệp có thể giúp ích, nhưng vấn đề hiện nay không phải là thiếu tiền mà là người dân Mỹ không sẵn sàng chi tiêu.
Vì vậy, việc thị trường có phản ứng thái quá hay không còn phụ thuộc vào khả năng dịch tiếp tục kéo dài. Có vẻ như các thị trường chứng khoán đang dự kiến tác động của đợt bùng phát dịch này sẽ kéo dài hơn một vài tuần. Và khả năng dịch có kéo dài hay không lại phụ thuộc phần lớn vào các biện pháp ngăn chặn và phụ thuộc vào các nhà hoạch định chính sách của chính phủ Mỹ.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)