Trong khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trở thành nguyên nhân khiến xuất-nhập khẩu của Trung Quốc giảm trong hai tháng đầu năm 2020, thì cú sốc giá dầu giảm mạnh vào phiên giao dịch đầu tuần qua lại khó có thể được nhìn nhận như một nhân tố có lợi mặc dù Trung Quốc là nước phụ thuộc rất lớn vào dầu mỏ nhập khẩu.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Quốc gia Trung Quốc, kim ngạch xuất-nhập khẩu của nước này hai tháng đầu năm 2020 đạt 4.120 tỷ nhân dân tệ (NDT), giảm 9,6%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.040 tỷ NDT, giảm 15,9% và giá trị nhập khẩu ở mức 2.080 tỷ NDT, giảm 2,4%.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do những ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán bị kéo dài. Đại diện một số cơ quan chức năng của Trung Quốc, gồm Tổng cục Hải quan và Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc cơ bản nhận định rằng tác động của hai nhân tố trên chỉ là tạm thời và mang tính giai đoạn.
Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế lại không có cái nhìn lạc quan về tình hình xuất, nhập khẩu của Trung Quốc.
Thứ nhất, các ngành chức năng của Chính phủ Trung Quốc coi trọng việc ổn định ngoại thương, các doanh nghiệp ngoại thương cũng bắt đầu thúc đẩy việc khôi phục hoạt động sản xuất, tích cực tìm kiếm đơn hàng mới. Tuy vậy, trong bối cảnh dịch bệnh, hoạt động sản xuất và xuất-nhập khẩu vẫn chưa thể quay trở lại quỹ đạo bình thường, do đó vẫn cần phải có thêm thời gian.
Thứ hai, nếu xem xét ở góc độ quy luật sản xuất thì sau Tết Nguyên Đán, hoạt động khôi phục sản xuất của một bộ phận doanh nghiệp ngoại thương tương đối chậm. Thường thì tốc độ khôi phục sản xuất của doanh nghiệp nhập khẩu nhanh hơn xuất khẩu, nhưng con số thống kê lại cho thấy điều ngược lại.
Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 bên ngoài Trung Quốc vẫn tồn tại những nhân tố không xác định tương đối lớn. Nếu tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng, điều đó không những ảnh hưởng tới xuất khẩu của Trung Quốc, mà còn “liên lụy” tới nhập khẩu, vì hoạt động sản xuất ở ngoài Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thứ ba, một nguyên nhân khác ảnh hưởng tới xuất-nhập khẩu của Trung Quốc ít được nhắc tới là đến nay đã có ít nhất 24 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng biện pháp kiểm soát thương mại hàng hóa đối với Trung Quốc, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ai Cập, Jordan, cùng hàng loạt nước láng giềng của Trung Quốc.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ này bao gồm cả những nước ở tiền duyên “Vành đai và Con đường” (BRI). Trong tháng 1 và tháng 2/2020, hoạt động xuất-nhập khẩu giữa Trung Quốc với các nước này vẫn tăng trưởng và được nhận định là cột đỡ quan trọng để ổn định tình hình xuất, nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, dịch COVID-19 hiện ngày càng lan rộng, vì thế đây có thể sẽ là yếu tố tác động tiêu cực mới đối với lĩnh vực xuất-nhập khẩu của Trung Quốc.
Trong khi hoạt động ngoại thương đối mặt với nhiều nhân tố không xác định, việc giá dầu sụt giảm có thể không phải là điều tốt cho kinh tế Trung Quốc. Ngày 9/3, giá dầu thế giới đã lao dốc mạnh nhất kể từ Chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1991, mất hơn 30% ngay khi mở cửa, xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng. Một số người cho rằng khi giá dầu giảm, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi.
Quả thực, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, mỗi năm nhập hơn 3 tỷ thùng dầu thô. Giá dầu giảm đương nhiên có lợi cho kinh tế Trung Quốc vì chỉ cần tính một cách đơn giản là nếu mỗi thùng dầu giảm 10 USD, với lượng dầu nhập khẩu như trên, hằng năm, Trung Quốc sẽ tiết kiệm được 30 tỷ USD. Việc này mang tới hiệu ứng tích cực cho ngành năng lượng cũng như các ngành liên quan tới nguyên liệu thô của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, giá dầu giảm có thể giúp Trung Quốc “nhập khẩu giảm phát”. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với sự đe dọa của lạm phát, “giảm phát nhập khẩu” có thể giúp nước này đối phó với ảnh hưởng từ sự leo thang của giá cả. Khi nguy cơ lạm phát dịu xuống, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) sẽ có không gian thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, giúp tăng đầu tư, mở rộng việc làm, qua đó đưa kinh tế Trung Quốc thoát khỏi đáy.
Mặt khác, vì cuộc chiến thương mại với Mỹ, kinh tế Trung Quốc đã phải chịu áp lực lớn, nhưng giá dầu giảm mạnh sẽ gây ra ảnh hưởng không nhỏ đối với Mỹ. Nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ trở thành nước bị tác động lớn nhất bởi giá dầu lao dốc. Ảnh hưởng này có thể khiến kinh tế Mỹ đi xuống, làm thất nghiệp tăng lên và Mỹ có thể rơi vào tình trạng mất cân bằng thu chi quốc tế. Điều này sẽ gián tiếp giúp giảm áp lực kinh tế đối với Trung Quốc.
Những nhận định nêu trên không phải không có căn cứ, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa, Trung Quốc không chỉ có lợi từ việc giá dầu giảm mạnh. Bởi khi giá dầu lao dốc giống như kinh tế thế giới đang ở đêm trước của một cuộc đại chiến. Thị trường dầu mỏ “rực lửa” còn cháy lan sang thị trường chứng khoán, thị trường hối đoái, thị trường nợ. Đành rằng giá dầu giảm giúp giá thành giảm, nhưng đơn hàng không còn thì sản xuất đương nhiên sẽ đình trệ. Đó là chưa nói tới việc giá dầu thấp cũng có thể khiến ngành công nghiệp dầu mỏ của Trung Quốc lao đao. Một khi kinh tế suy thoái, không ai có thể đứng ngoài “vỗ tay”.
Rõ ràng, giá dầu giảm mạnh là “con dao hai lưỡi”. Điều mà Trung Quốc có thể làm là tranh thủ cơ hội mua vào gia tăng kho dự trữ dầu mỏ. Trong khi đó, sự đi xuống của tất cả các thị trường lại trở thành nguy cơ mới đối với kinh tế Trung Quốc.
Hà Ngọc