Dịch COVID-19: Fed quyết liệt hành động, nước khác chịu áp lực lên chính sách tiền tệ

0
172
Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo nền kinh tế Mỹ sẽ chứng kiến các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 trong tháng 4-6/2020.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo nền kinh tế Mỹ sẽ chứng kiến các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 trong tháng 4-6/2020.

Trong một thông báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết: “Tác động của virus corona chủng mới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong thời gian tới và gây rủi ro cho triển vọng kinh tế. Trước những diễn biến này, Ủy ban đã quyết định hạ thấp phạm vi mục tiêu”. Theo đó, Fed cắt giảm lãi suất xuống biên độ mục tiêu từ 0% đến 0,25%.

Thông báo cũng cho biết, Ủy ban Thị trường mở Liên bang – FOMC hy vọng sẽ duy trì phạm vi mục tiêu này cho đến khi tin tưởng rằng, nền kinh tế đã vượt qua được các diễn biến gần đây và trên đà đạt được mục tiêu ổn định việc làm và giá cả tối đa.

Trước đó, ngày 3/3, Fed đã bất ngờ giảm lãi suất “khẩn cấp” đi tới 0,5%, đánh dấu đợt giảm mạnh nhất kể từ lần giảm 0,75 điểm phần trăm hồi tháng 12/2018. Đây là lần đầu tiên Fed quyết định cắt giảm lãi suất không phải sau cuộc họp chính thức thường xuyên của FOMC kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và là lần giảm lãi suất “khẩn cấp” thứ năm trong vòng 50 năm qua của ngân hàng này.

Như vậy, Fed đã quyết định thực hiện những động thái quyết liệt hơn, với việc giảm lãi suất lần thứ hai trong vòng chưa đầy hai tuần nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 lan rộng trên toàn nước Mỹ.

Thị trường tài chính Phố Wall của Mỹ dường như không được trấn an sau các quyết định của Fed. Chỉ số Dow Jones Industrial Average “mini” đã mất 1.000 điểm, tương đương 4,5%. Chỉ số S&P 500 mini và chỉ số công nghệ NASDAQ đều giảm hơn 4,5%. Các thị trường chứng khoán châu Á cũng đi xuống khi bước sang phiên giao dịch đầu tuần 16/3. Vào đầu phiên, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,92%. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 2,27%, còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) mất 0,15%.

Cùng với quyết định giảm lãi suất chủ chốt, Fed công bố tái khởi động chương trình nới lỏng định lượng, với kế hoạch mua trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá 500 tỷ USD và chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp trị giá 200 tỷ USD. Fed đồng thời để ngỏ chính sách cho phép các ngân hàng tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng hơn để tạo điều kiện cung cấp các khoản vay cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Fed cũng tuyên bố phối hợp hành động với các ngân hàng trung ương khác trên thế giới như Anh, Nhật Bản, Canada, Thụy Sỹ, châu Âu để tạo điều kiện cho các giao dịch chuyển đổi thanh khoản bằng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo nền kinh tế Mỹ sẽ chứng kiến các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 trong tháng 4-6/2020, khi ảnh hưởng lên các doanh nghiệp và nhà sản xuất trở nên rõ nét hơn. Phát biểu tại họp báo sau khi công bố các biện pháp khẩn cấp, ông Powell cho biết hoạt động kinh tế trong quý II/2020 sẽ “yếu”, song khả năng suy thoái trong năm nay sẽ tùy thuộc vào việc tác động của đại dịch có thể được kiềm chế như thế nào. Theo ông Powell, Fed không cho rằng lãi suất âm sẽ phù hợp, song các biện pháp tài chính của chính phủ “rất quan trọng” trong việc ứng phó với các thiệt hại về kinh tế.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhận định tác động của đại dịch COVID-19 sẽ khiến nền kinh tế số một thế giới tăng trưởng “chậm lại”, nhưng cũng không dự báo suy thoái sâu. Trả lời phỏng vấn hãng tin ABC khi được hỏi có phải Mỹ đã rơi vào suy thoái, ông Mnuchin cho biết: “Tôi không nghĩ vậy. Rõ ràng (nền kinh tế) đang chậm lại nhưng cuối năm nay, hoạt động kinh tế sẽ tăng trở lại”.

Cố vấn thương mại cấp cao của Tổng thống Donald Trump, ông Peter Navarro nhận định các biện pháp mà Mỹ sẽ áp dụng trong một hoặc hai tuần tới sẽ cho biết liệu nền kinh tế Mỹ có đi xuống hay không. Trong khi đó, một số chuyên gia dự báo các hậu quả của đại dịch COVID-19 sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mnuchin, “vấn đề thực sự là chúng ta sử dụng các công cụ kinh tế nào để đảm bảo vượt qua được (tình huống này)”.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 0% trong ba tháng đầu năm nay và thu hẹp 5% trong quý II/2020.

Giới quan sát nhận định Fed đã đưa ra hành động mạnh mẽ trong bối cảnh các ngân hàng trung ương khác đang thiếu “đạn dược”. Khía cạnh thực sự đáng lo ngại của cuộc khủng hoảng COVID-19 là tốc độ làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu và khiến cho những động thái bất thường, như việc giảm lãi suất từ 1,75% xuống mức gần 0% chỉ trong vòng 11 ngày, không thực sự tạo ra đột phá như trước đây.

Trong khi dịch COVID-19 đe dọa dòng tiền của doanh nghiệp trong nền kinh tế thực, thì các động thái của ngân hàng trung ương thường tập trung vào mục tiêu duy trì thanh khoản trong ngắn hạn, nhằm giữ cho hệ thống tài chính không bị sụp đổ, và sau đó hỗ trợ phục hồi nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, những chính sách tiền tệ có giới hạn nhất định, thậm chí vào thời điểm này, cơ hội vay tiền với chi phí thấp hơn cũng chưa chắc sẽ thúc đẩy người dân tăng cường chi tiêu trong ngắn hạn.

Tuy vậy, động thái của Fed dự kiến sẽ gây áp lực lên chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương khác. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng có thể sẽ công bố một đợt giảm lãi suất khẩn cấp nữa trong tuần này. Với các mức lãi suất hiện nay, nhiều nhà kinh tế của Mỹ, Anh, hay cả Nhật Bản cũng đều tỏ ra lo ngại khó còn biên độ để giảm thêm lãi suất.

Giới phân tích nhận định rằng mặc dù các nhà hoạch định chính sách rất nỗ lực để có thể duy trì, dù chỉ một chút, tốc độ tăng trưởng kinh tế, họ đang rơi vào thế “lực bất tòng tâm”, bởi có quá ít công cụ tài chính trong tay có thể xoay chuyển tình hình trì trệ. Đó là chưa kể tới tình huống nếu những công cụ này không được sử dụng một cách khéo léo thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Mai Ly

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here