Việt Nam đang tăng cường mua nông sản Mỹ, 18 biên bản ghi nhớ giữa 7 doanh nghiệp Việt và 4 hiệp hội ngành hàng của bang Nebraska đã được ký. Lễ ký này diễn ra cùng lúc với các hoạt động tại Mỹ của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về thực hiện “kế hoạch hành động tiến tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững Việt – Mỹ”.
Theo đó, trong 2 – 3 năm tới, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký 18 biên bản ghi nhớ với 4 hiệp hội ngành hàng của bang Nebraska sẽ mua hơn 9 triệu tấn lúa mì, lúa mạch, 100.000 con bò sống, thức ăn chăn nuôi, hoa quả, ngô và đậu nành.
Cũng trong dịp này, tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp Mỹ và Cơ quan đại diện thương mại Mỹ, 670 doanh nghiệp thịt và thủy sản Mỹ cũng được cấp phép xuất khẩu sang Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cho phép Mỹ xuất khẩu 6 loại quả tươi gồm: anh đào, lê, nho, táo, việt quất và cam sang Việt Nam.
Theo nhận định của Bloomberg, đây được xem là một phần trong chiến dịch nhằm cân bằng cán cân thương mại Việt – Mỹ. Việt Nam muốn giảm bớt nguy cơ áp thuế của chính quyền Trump lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam vì thặng dư thương mại với Mỹ.
Tờ Bloomberg cho rằng, Chính phủ Việt Nam đang làm “tất cả những gì có thể để cải thiện tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại với Mỹ”.
Ngoài cam kết mua nông sản, đoàn Việt Nam dịp này còn làm việc với các cơ quan quản lý hữu quan của Mỹ “nhằm tháo gỡ hàng loạt vướng mắc về xuất nhập khẩu thương mại nông sản giữa hai nước”.
Thời gian qua, phía Việt Nam đã mở cửa cấp giấy phép cho một loạt các mặt hàng nông sản của Mỹ, như thịt, trái cây, thuốc bảo vệ thực vật. Phía Mỹ cũng công nhận tiêu chuẩn tương đương với hệ thống sản xuất cá tra, ba sa của Việt Nam. Hai bên đang hướng tới một mối quan hệ thương mại Mỹ – Việt cân bằng và bền vững hơn.
Năm 2019, theo số liệu từ hải quan Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 61,3 tỷ USD, nới rộng mức thặng dư thương mại từ 34,8 tỷ USD năm 2018 lên 47 tỷ USD.
Trong khi đó, số liệu từ phía Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại với Việt Nam năm 2018 là 39,5 tỷ USD và năm 2019 là 55,8 tỷ USD. Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nêu vấn đề mua thêm các sản phẩm của Mỹ, chẳng hạn như máy bay của Công ty Boeing.
Vào tháng 8/2019, Việt Nam cho biết đang đàm phán để mua than của Mỹ. Hiện Hà Nội cũng đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng hàng hóa Trung Quốc mang nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam để né thuế quan của Mỹ, sau khi một số sản phẩm như thép nhập khẩu từ Việt Nam bị Mỹ đánh thuế nặng vì là hàng gốc Trung Quốc.
Ngân hàng Trung ương và chính phủ Việt Nam cũng cam kết sẽ giải quyết những lo ngại của phía Mỹ về chính sách tiền tệ và thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ.
Thọ Anh