Chính sách cân bằng của Châu Âu với Trung Quốc và Mỹ

0
110
(https://silkroadnews.org)
(https://silkroadnews.org)

Theo Beijing Review ngày 10/3/2020, mới đây  ông George N.Tzogopoulos, Giám đốc Chương trình EU – Trung Quốc thuộc Trung tâm quốc tế về Hình thành Châu Âu (CIFE) đã có bài viết về chính sách cân bằng của Châu Âu với Trung Quốc và Mỹ với một số nội dung chính như sau:

Khi ông Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ, tâm lý chung của Châu Âu khi đó là tiêu cực. Kể từ năm 2017, quan hệ giữa EU và Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng, nhất là về những chuẩn mực cơ bản mà Châu Âu theo đuổi là toàn cầu hóa, chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do. Tuy nhiên, nhiệm kỳ Tổng thống của Trump chính là cơ hội vàng để EU nghiêm túc thảo luận về những bước đi cho riêng mình, độc lập với Mỹ. Trong nhiều thập kỷ, ô che chắn của Mỹ thường được dùng để biện hộ cho sự thụ động và thất bại của EU, nhất là trong lĩnh vực an ninh. Việc Mỹ tiếp tục cam kết bảo vệ an ninh cho Châu Âu lý giải sự trì trệ trong chính sách đối ngoại và quốc phòng chung của EU. Trong những năm tháng nhiệm kỳ Tổng thống của Trump, EU dường như quyết tâm gánh vác nhiều trách nhiệm hơn và tăng cường sự tự quyết trong các vấn đề quốc tế. Việc ban hành cẩm nang an ninh 5G là một minh chứng thể hiện ý chí của EU trong việc bảo vệ lợi ích của mình mà không nhất thiết phải thuận theo đường hướng của Mỹ. Tài liệu này mô tả các rủi ro an ninh mạng và các biện pháp làm giảm rủi ro nhưng không yêu cầu loại trừ sự tham gia của bất kỳ công ty nào như biện pháp phòng ngừa trước. Mặc dù cái tên Hoa Vi không được nhắc đến, nhưng điều này rõ ràng thể hiện sự khác biệt chính sách của Châu Âu so với Mỹ. EU không sợ hậu quả khi có thái độ khá thận trọng với việc Mỹ vận động một cách có hệ thống ngăn chặn sự tham gia của Hoa Vi. Trong thời gian tới, EU sẽ có quyết định về mạng lưới 5G dựa trên các quy định trong tài liệu cẩm nang và Hoa Vi vẫn là một lựa chọn tiềm năng. Chính sách này của EU cho phép các nước Châu Âu tiếp tục đa dạng hóa các nhà cung cấp mạng lưới 5G. Sau thất bại của vòng vận động thứ nhất, Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường các nỗ lực ngăn các nước thành viên EU ký thỏa thuận với Hoa Vi và tham gia vào Liên minh tình báo 5 nước (Five Eyes) gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand. Vấn đề đã được đặt ra và chưa có lời giải đáp là liệu có doanh nghiệp nào có thể cạnh tranh với các sản phẩm chất lượng cao và mức giá thấp như của Hoa Vi.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, những người có ảnh hưởng trong các chính sách của Châu Âu, tin rằng việc loại bỏ một công ty khó có thể giải quyết được vấn đề an ninh mạng. Bà Merkel cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Đức – Trung Quốc đối với xuất khẩu và nền kinh tế của Đức. Ông Macron có tầm nhìn về một tương lai tươi sáng của EU và từng khẳng định sẽ không bao giờ bêu rếu bất kỳ một quốc gia hay nhà mạng cụ thể nào. Trước khi rời khỏi EU, Anh tham gia tích cực vào việc xây dựng tài liệu cẩm nang và quyết định của Thủ tướng Boris Johnson không loại bỏ Hoa Vi nói lên tất cả. Tóm lại, có ba kết luận chính từ việc EU quyết định để ngỏ khả năng cho phép Hoa Vi tham gia mạng lưới 5G của Châu Âu: Một là, nhiệm kỳ Tổng thống Trump đã đưa đến một hệ quả bản thân Mỹ không lường trước được đó là đã thúc đẩy EU trưởng thành về chính trị và tự mình đưa ra những quyết định khó khăn. Hai là, EU không sẵn sàng hy sinh quan hệ của mình với Trung Quốc để đảm bảo chính sách của mình nhất thiết phải ăn nhập với các khuyến nghị của Mỹ, mà thay vào đó là khéo léo thực hiện cân bằng trong quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc. Ba là, quan hệ đối tác với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và các chương trình nghiên cứu khoa học với sự tham gia của Hoa Vi là phù hợp với lợi ích của Châu Âu. Châu Âu cần phải xây dựng một chiến lược công nghiệp mạnh mẽ hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, liệu bầu không khí thuận lợi và hiểu biết lẫn nhau giữa EU và Trung Quốc có được thể hiện trong quá trình đàm phán kết thúc Hiệp định Đầu tư Toàn diện EU-Trung Quốc trong năm 2020 hay không vẫn còn là vấn đề cần được tiếp tục theo dõi./.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here