Hiệp định EVFTA: Cơ hội nhiều nhưng không dễ tận dụng

0
70

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và EU. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả cơ hội đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động và nỗ lực hơn nữa trong thích ứng với những yêu cầu mà đối tác cũng như thị trường đặt ra.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo nhận diện cơ hội kinh doanh, đầu tư trong bối cảnh EVFTA sớm được thông qua do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 14/8.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, phát biểu khai mạc Hội thảo.

Cánh cửa rộng cho xuất khẩu và thu hút đầu tư

EVFTA được nhiều chuyên gia nhận định là một trong những bước tiến lớn mà Việt Nam đạt được trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do bởi tính toàn diện và mức độ mở cửa thị trường.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương ký kết hiệp định thương mại tự do với EU. Hơn nữa, những cam kết về cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường của EU trong EVFTA là mức cam kết cao nhất từ trước đến nay mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các FTA song phương và đa phương. Đó cũng là hai yếu tố tạo nên sức hút của EVFTA đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và cả nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Võ Tân Thành, với quy mô thị trường trên 500 triệu dân, mức thu nhập bình quân đạt hơn 34.000 USD/người/năm, EU chính là thị trường tiêu thụ hàng hóa khổng lồ mà rất nhiều quốc gia xuất khẩu hướng tới. Do đó, với mức cam kết cắt giảm tới 85% số dòng thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực và xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế sau từ 3 – 7 năm, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ sẽ rộng cửa tiếp cận thị trường nhiều tiềm năng này.

“Trong bối cảnh quan hệ thương mại thế giới biến động ngày càng phức tạp, EVFTA đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Quan trọng hơn, EVFTA với nội dung cam kết toàn diện chính là động lực để Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, đó chính là lợi ích lâu dài và giá trị nhất”, ông Võ Tân Thành nhận định.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phân tích, về tổng thể, EVFTA có thể giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng khoảng 20% vào năm 2020 và tăng gần 45% vào năm 2030.

Theo đó, các ngành hàng như thực phẩm chế biến, đặc biệt là thủy sản, gạo, rau củ, trái cây, thiết bị điện tử được dự báo có thể gia tăng xuất khẩu cả số lượng và giá trị. Còn các ngành dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, ô tô có sẽ có cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Những dự báo trên đều dựa trên những điều kiện thực tế như cắt giảm thuế quan, giảm hàng rào phi thuế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi thương mại và thúc đẩy đầu tư.

Ở góc độ đầu tư, ông Jean Jacques Bouflet, Phó chủ tịch EuroCham cho rằng, EVFTA cùng với EVIPA sẽ làm thay đổi bức tranh đầu tư từ EU vào Việt Nam trong những năm tới. Với thế mạnh sẵn có về chế tạo máy móc, ô tô, công nghệ cao, dược phẩm và cơ chế bảo hộ đầu tư từ EVIPA, các doanh nghiệp và nhà đầu tư EU sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực chế tạo, công nghiệp chế biến và dược phẩm của Việt Nam.

Nhờ đó, ngoài việc thu hút thêm nguồn vốn thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được cải thiện, nâng cao về mặt công nghệ và khả năng quản trị doanh nghiệp, tổ chức sản xuất hiệu quả, từ đó củng cố năng lực cạnh tranh.

Song song đó, việc mở cửa thị trường mua sắm công và dịch vụ sẽ giúp khối cơ quan nhà nước Việt Nam tiếp cận được nhiều sản phẩm chất lượng từ EU, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng được cung cấp những dịch vụ tài chính, thương mại, logistics, quản trị, vận hành sản xuất chuyên nghiệp, từ đó tạo nên giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm và thương hiệu.

Tận dụng hiệu quả lợi thế

Các diễn giả chia sẻ thông tin tại phiên thảo luận trong khuôn khổ hội thảo.

Cơ hội mà EVFTA và EVIPA mang lại là rất lớn, tuy nhiên điều đáng nói là những cơ hội trên chỉ thành hiện thực khi doanh nghiệp Việt Nam đủ sức cạnh tranh về chất lượng, giá trị và đáp ứng được những tiêu chuẩn mà thị trường EU quy định.

Ông Võ Tân Thành cho biết, hiện nay chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam chỉ xếp thứ 77/140 quốc gia, nhưng lại đang là một trong những quốc gia tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do nhất thế giới. Mức độ mở của nền kinh tế lên tới 200% giá trị GDP khiến nền kinh tế Việt Nam đối mặt với không ít thách thức.

Cụ thể, khả năng nắm bắt và tận dụng những cơ hội mà các FTA mang lại của doanh nghiệp Việt còn thấp. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiêp FDI đã sẵn sàng khai thác thị trường của Việt Nam.

Với những cam kết cân bằng lợi ích cho đôi bên, ngay khi EVFTA có hiệu lực khả năng hàng hóa EU đổ bộ vào Việt Nam là rất cao. Điều này khiến doanh nghiệp Việt phải chịu áp lực cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.

Ngược lại, thị trường EU dù lớn và sức mua cao nhưng yêu cầu về chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ cũng rất khắt khe. Để nhận được ưu đãi về thuế quan, hàng hóa Việt Nam phải đáp ứng được hàm lượng giá trị nội khối (bao gồm Việt Nam, EU và một phần nguyên liệu từ Hàn Quốc) nhưng hiện nay nguyên liệu sản xuất xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu nhập từ Trung Quốc và các nước ASEAN.

Ông Johnathan Ooi, Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho rằng, một trong những nhóm hàng có lợi thế của Việt Nam ở EU là nông sản, bao gồm cả gạo, cà phê, rau củ, trái cây… Với EVFTA doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển trao đổi thương mại điện tử các mặt hàng nông sản với EU nhưng điểm yếu của nông sản Việt Nam chính là sự ổn định về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Với những thị trường đề cao sự an toàn của sức khỏe như EU, chỉ một lô hàng bị phát hiện không đạt tiêu chuẩn thì toàn bộ ngành hàng đó sẽ bị kiểm soát chặt chẽ, thậm chí bị cấm nhập khẩu vĩnh viễn. Vì vậy, muốn khai thác tốt lợi thế này, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động xây dựng quy trình sản xuất sạch, an toàn và duy trì thường xuyên.

Không chỉ nằm ở năng lực canh tranh với các đối thủ mà ngay cả mức độ chủ động tìm hiểu thông tin của doanh nghiệp Việt cũng là vấn đề đáng quan ngại.

Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh PCI năm 2018 cho thấy, hơn 12% số doanh nghiệp được hỏi cho biết chưa từng nghe nói về EVFTA, 65% số doanh nghiệp được hỏi có nghe về EVFTA nhưng chưa tìm hiểu gì, số doanh nghiệp có tìm hiểu sơ qua là 21% còn số doanh nghiệp đã nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về EVFTA là 1,55%.

Ông Trần Hữu Huỳnh nêu thực tế, trong khi Chính phủ và các bộ ngành tích cực đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại để tìm kiếm cơ hội thị trường cho hàng hóa xuất khẩu thì rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn thờ ơ với lợi ích của chính mình. Dẫn chứng với EVFTA, một hiệp định đã trải qua thời gian đàm phán khá dài, được nhiều phương tiện truyền thông thông tin và sắp sửa đi vào thực thi nhưng số doanh nghiệp nắm được nội dung của hiệp định rất hạn chế.

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, đa phần doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng ưu đãi từ hội nhập theo kiểu “mưa tới đâu mát tới đấy”. Nghĩa là chỉ đón nhận những lợi thế mang tính hiển nhiên, sẵn có mà chưa tính đến kế hoạch lâu dài và chiến lược khai thác sao cho hiệu quả nhất. Cách tư duy bị động này giải thích vì sao tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa và tỷ lệ tận dụng ưu đãi các FTA của doanh nghiệp Việt luôn thấp hơn doanh nghiệp FDI.

Bà Nguyễn Sơn Trà, Phó Trưởng phòng WTO và Đàm phán thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, để những cơ hội thúc đẩy thương mại trở thành những con số cụ thể về kim ngạch xuất khẩu, ngoài việc cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh thì doanh nghiệp phải chủ động nắm vững nội dung mà Việt Nam và EU đã cam kết, bao gồm cả những cam kết truyền thống như thương mại hàng hóa và cam kết mới về môi trường, lao dộng, trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững.

Ngoài cơ hội xuất khẩu, để đón đầu làn sóng đầu tư từ EVFTA và EVIPA doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, tập trung cải thiện quy trình và sự minh bạch thông tin, đồng thời chủ động hợp tác liên kết với doanh nghiệp nước ngoài từ đó rút ngắn thời gian tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa khu vực và toàn cầu.

Nguồn: TTXVN 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here