Ngày càng có nhiều dấu hiệu về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu

0
62
Fed quyết định hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2008. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hoạt động chế tạo khắp châu Á và châu Âu tiếp tục giảm sút trong tháng 7/2019, làm dấy lên những lo ngại rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và tăng trưởng giảm tốc ở Trung Quốc có thể dẫn đến một giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu, kịch bản mà ngân hàng trung ương các nước không còn nhiều công cụ để đối phó.

Kết quả khảo sát của hãng phân tích IHS Markit cho thấy, hoạt động chế tạo ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2012 trong tháng trước do nhu cầu suy giảm.

Số liệu được công bố trước đó của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cho thấy sự suy thoái ở các nhà sản xuất của nước này đã trở nên trầm trọng hơn. Hoạt động chế tạo ở Pháp và hầu hết phần còn lại của Eurozone cũng không tránh khỏi xu hướng chung này.

Chuyên gia cấp cao của công ty TD Securities, ông Jacqui Douglas cho rằng lĩnh vực chế tạo đang trải qua một thời kỳ điều chỉnh, một phần do những sự bất ổn thương mại cũng như tăng trưởng giảm tốc ở nhiều nước.

Tại Anh, sản lượng của các nhà máy vào tháng 7/2019 đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 7 năm qua. Đây là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Anh có thể rơi vào suy thoái, khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhu cầu sụt giảm từ châu Âu và Trung Quốc, cùng với đó là nguy cơ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không đạt được thỏa thuận nào.

[Fed quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2008]

Trong khi đó, các chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cho thấy hoạt động chế tạo của Trung Quốc đã suy yếu trong tháng thứ hai liên tiếp. Các nền kinh tế lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã ghi nhận sự yếu kém tương tự từ trước đó.

Xuất khẩu của Hàn Quốc đã suy giảm tháng thứ 8 liên tiếp do căng thẳng với Nhật Bản đã vẽ nên một bức tranh ngày càng ảm đạm cho nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này.

Trong khi đó, chuỗi suy giảm trong hoạt động chế tạo của Đài Loan đã bước sang tháng thứ 10, còn PMI của Indonesia đã lần đầu tiên trong sáu tháng qua giảm xuống dưới mức 50 điểm, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy thoái.

Trong một vài diễn biến mang tính tích cực, chỉ số PMI của Việt Nam, Philippines và Thái Lan lại ghi nhận các mức tăng trưởng nhẹ. Tại Ấn Độ, nơi nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu trong nước, hoạt động chế tạo đã tăng trưởng mạnh hơn.

Tại Mỹ, không nằm ngoài dự đoán, sau cuộc họp kéo dài trong hai ngày 30-31/7, Cục Dự trữ Liên bang (Fed)  đã quyết định giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 trong bối cảnh nguy cơ bất ổn kinh tế gia tăng. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng việc cơ quan này quyết định cắt giảm lãi suất là một sự điều chỉnh giữa chu kỳ trong chính sách tiền tệ của ngân hàng này, không phải là khởi đầu cho một đợt cắt giảm lãi suất kéo dài.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã ra tín hiệu sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ, dù không có nhiều khả năng để thực hiện điều này giống như Fed. Ngày càng có nhiều đồn đoán rằng bước đi chính sách tiếp theo của BoJ sẽ là một sự nới lỏng, trong ECB cũng được dự đoán sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới.

Cơ quan Tiền tệ của Hong Kong (Trung Quốc) vừa cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong 10 năm qua, khi mối quan hệ chặt chẽ giữa đồng tiền của đặc khu hành chính này với đồng USD buộc cơ quan trên phải nối bước Fed. Các ngân hàng trung ương ở Australia, Ấn Độ, Nga và nhiều nước khác cũng đã có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong khi giới hoạch định chính sách của Trung Quốc được dự đoán sẽ đưa ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn nữa, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vẫn chưa đưa ra tín hiệu gì liên quan đến việc ngay lập tức hạ lãi suất theo chân Fed như những lần trước đây./.

Nguồn: TTXVN/Vietnamplus 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here