Những nguy cơ mới đối với kinh tế thế giới

0
70
(polyestertime)
(polyestertime)

Ngày nay, mối đe dọa đối với nền kinh tế thế giới không chỉ còn là vấn đề tài chính như những gì diễn ra vào năm 2008.

Bà A.Herrero, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Natixis khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng “một nhà kinh kế không nên nói ra điều trên, nhưng sự thật là người ta quá coi trọng yếu tố kinh tế mà không quan tâm đến các vấn đề khác. Nếu chỉ phân tích GDP hay các chỉ số sản lượng, sẽ không phát hiện được các mối đe dọa khác đối với thế giới. Vào thời điểm mà chủ nghĩa đa phương đang thoái trào, khí hậu trái đất đang nóng lên, đại dịch virus corona đang lan rộng, thì những nguy cơ mới đang xuất hiện, khó giải mã hơn so với những gì các chuyên gia thường nghĩ.

Thứ nhất, nguy cơ về y tế, dịch bệnh. Theo bà A.Herrero, “Đại dịch virus corona cho thấy tính dễ tổn thương của một chính thể độc đoán và tôn sùng cá nhân, vốn không được chuẩn b tốt nhất để đương đầu với một cuộc khủng hoảng do ngăn chặn luồng thông tin tự do. Đại dịch virus corona cho thấy sự phụ thuộc của thế giới đối với Trung Quốc, nơi nếu để xảy ra khủng hoảng nhỏ nhất cũng sẽ có tác động đối với toàn cầu.

Thứ hai, nguy cơ về địa chính trị, xã hội.Chính trị đã giành lại ưu thế trong tương quan với kinh tế, T.Sollogoub, một chuyên gia kinh tế, đã thừa nhận. Ngay vào năm 2012, sau “Mùa Xuân Ả rập”, chuyên gia kinh tế này đã ủng hộ cần “chú trọng hơn vào việc phân tích rủi ro chính trị khi xếp hạng tín nhiệm quốc gia, đồng thời xem xét lại các tiêu chí xếp hạng.

Hàng loạt diễn biến xảy ra cho thấy nhận định trên là có cơ sở: Brexit, sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy, cuộc nổi dậy của phong trào Áo vàng tại Pháp, các cuộc biểu tình qui mô lớn tại Santiago, Beirut hay Bagdad. Tất cả các nhà kinh tế đều thống nhất về nguồn gốc của tâm lý bất mãn trong xã hội: đó là sự khủng hoảng của các thể chế đại diện, sự sụt giảm của tỷ trọng lao động trong giá trị gia tăng, chênh lệch về thu nhập gia tăng và sự bất an của tầng lớp trung lưu.

Trong những năm 2000, tình trạng bất bình đẳng gia tăng đã được che đậy bởi khả năng tiếp cận rất dễ dàng với tín dụng và nợ của các hộ gia đình trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng năm 2009. Từ đó các chính phủ bị dồn vào chân tường. Các phong trào xã hội tác động mạnh đến định hướng kinh tế và ngân sách của các quốc gia, buộc các nước phải tăng chi tiêu công dưới danh nghĩa chia sẻ công bằng hơn của cải vật chất. Trong đánh giá về nguy cơ địa chính trị tháng 01/2020, BlackRock, công ty quản lý hàng đầu thế giới về tài sản, cho rằng “các chính sách phân phối lại đang làm tăng thuế doanh nghiệp, cùng với một thị trường lao động cứng nhắc, đang buộc các công ty phải tăng lương và các phúc lợi khác, điều đó sẽ làm giảm lợi nhuận và tác động xấu đối với thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.

Sự bất ổn, mà người ta cho rằng chỉ hạn chế ở các nước nghèo và đang phát triển, giờ đang lan rộng ra khắp hành tinh. Trong khi các chuỗi cung ứng được triển khai trên nhiều châu lục, kéo theo các nguy cơ đang được toàn cầu hóa, thì hiện lại là thời điểm của xu hướng co cụm và của cạnh tranh địa chính trị. BlackRock cho rằng “Trong một môi trường mà các liên minh và các thể chế trên thế giới bị suy yếu hoặc ngày càng thiếu vắng, chúng ta thật sự lo ngại về khả năng giới lãnh đạo chính trị xử lý cuộc suy thoái tiếp theo của kinh tế thế giới”.

Thứ ba, nguy cơ về môi trường. Nguy cơ này được thể hiện thông qua tần suất cao hơn các thiên tai và xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Ngân hàng Trung ương Pháp đã tuyên bố sẽ buộc các ngân hàng và các công ty bảo hiểm của Pháp phải chuẩn bị cho kịch bản các ngành kinh tế bị đe dọa trước những thay đổi sâu sắc về công nghệ hay về khung pháp lý liên quan đến năng lượng tái tạo. “Ví dụ, sự thay đổi các tiêu chuẩn chống ô nhiễm đã tác động nghiêm trọng đến ngành công nghiệp xe hơi, tác động này càng lớn hơn cùng với trào lưu thay đổi hành vi của người tiêu dùng” – Julien Marcilly, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế thuộc công ty bảo hiểm tín dụng Coface nhấn mạnh.

Thứ tư, nguy cơ tin tặc. Đây là một nguy cơ hiện đang nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư. Trong khi cả hành tinh đang đổ dồn về virus corona, có khả năng cú sốc kinh tế tiếp theo sẽ do một con virus tin học gây ra.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here