Kinh nghiệm vận động NVNONN phục vụ kinh tế

0
228

KINH NGHIỆM VẬN ĐỘNG NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

            Vận động người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và vận động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động kinh tế hướng về đất nước nói riêng là một thể thống nhất, không thể tách rời. Trong phạm vị này, chúng tôi xin chia xẻ  một số kinh nghiệm vận động nói chung và vận động trong lĩnh vực kinh tế nói riêng có tính chất tham khảo:

1. Hình thức vận động:

  • Thúc đẩy và hỗ trợ lập Hội người Việt tại sở tại để kết nối bà con. Hội người Việt nên do người Việt tự quản lý, CQĐD có thể cử một cán bộ làm đầu mối liên kết với Hội.
  • Thường xuyên liên lạc và tham gia các hoạt động của Hội.
  • Mời bà con dự Tết Việt kiều, các hoạt động của CQĐD như 2/9, kỷ niệm quan hệ ngoại giao hai nước… để bà con có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhau và với các khách mời sở tại, giúp bà con tăng cường mạng lưới quan hệ và tạo điều kiện sinh sống và học tập tốt tại sở tại.
  • Hỗ trợ người Việt Nam làm ăn tại sở tại: mở nhà hàng Việt Nam, tổ chức du lịch,… và tạo điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục về lãnh sự cho người Việt Nam ở nước ngoài.
  • Tổ chức các hoạt động cho bà con hướng về quê hương: dạy tiếng Việt, tổ chức thi ẩm thực Việt Nam, biểu diễn thời trang áo dài, các trò chơi dân gian…
  • Lập Câu lạc bộ kinh tế người Việt gồm các trí thức Việt kiều, các doanh nhân Việt kiều và những người Việt Nam làm việc tại các tổ chức quốc tế và công ty sở tại. Mục đích lập Câu lạc bộ kinh tế người Việt là nhằm tạo diễn đàn cho trí thức Việt Nam trao đổi về kinh tế Việt Nam và thế giới đồng thời tạo một kênh tham mưu chính sách cho chính phủ Việt Nam. Đây cũng là sân chơi giúp các trí thức và doanh nhân Việt Nam có thể giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và trao đổi, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư với nhau và tại Việt Nam.
  • Tuyên truyền về môi trường đầu tư Việt Nam, tình hình Việt Nam cập nhật, các thông tin về sự phát triển, đổi mới của Việt Nam… để bà con hiểu rõ hơn về Việt Nam, có kế hoạch đầu tư và làm ăn tại Việt Nam và biến bà con thành một kênh tuyên truyền cho kinh tế Việt Nam.

2. Một số điều cần chú ý trong công tác vận động

      2.1. Đối với giới trí thức: Trong tiếp xúc, vận động:

  • Cần nắm vững những yêu cầu của trong nước, giới thiệu những hình thức hợp tác khác nhau để kiều bào cân nhắc lựa chọn.
  • Cần tự trang bị những hiểu biết cần thiết về vấn đề được đưa ra trao đổi ý kiến để có thể hướng nội dung trao đổi vào các vấn đề thực chất.
  • Biết lắng nghe và tránh những cuộc tranh luận không cần thiết; khi tiếp xúc với nhiều người cùng một lúc, lắng nghe những ý kiến khác nhau do kiều bào có những quan điểm khác nhau thuộc các nhóm khác nhau.
  • Cần tìm hiểu khả năng, điểm mạnh và yêu cầu của từng người để giới thiệu đúng đối tác trong nước.
  • Khi kiều bào có nhu cầu liên hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước, nên tìm hiểu cụ thể yêu cầu để giới thiệu đúng đối tác và yêu cầu ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ.

      2.2. Đối với giới doanh nhân

  • Cần tìm hiểu và căn cứ vào điều kiện và khả năng thực tế của kiều bào để giới thiệu các hình thức đầu tư và kinh doanh trong nước phù hợp.

      2.3.Kinh nghiệm cho thấy:

  • Những người có khả năng tài chính, có sẵn quan hệ với các tập đoàn, công ty nước ngoài có tiềm lực, có ý định liên kết với nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thường lựa chọn các hình thức đầu tư  theo Luật Đầu tư nước ngoài.
  • Trường hợp những người có vốn ở quy mô vừa và nhỏ, có thể dành hầu hết thời gian để điều hành hoạt động tại Việt Nam hoặc có sự liên kết với gia đình hoặc cá nhân trong nước thường lựa chọn hình thức đầu tư theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước.
  • Trường hợp những người bận làm việc ở nước ngoài, có thể đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp (cùng gia đình, người thân tại Việt Nam, không trực tiếp điều hành doanh nghiệp) thường chọn hình thức đầu tư theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước.
  • Khai thác những khả năng mới xuất hiện như khuyến khích và phát triển các hội, tổ chức ngành nghề kinh doanh của người Việt Nam ở nước sở tại, tạo sự liên kết thành mạng lưới kinh doanh hàng nhập khẩu từ Việt Nam và/hoặc tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp Việt kiều và doanh nghiệp trong nước đầu tư tại nước sở tại hoặc vào nước thứ ba. (Kiều bào vừa là người tiêu dùng trung thành vừa là người quảng bá tiêu dùng tin cậy các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào nước sở tại, nhất là những nơi có đông đảo Việt kiều sinh sống).
  • Khi giới thiệu các doanh nhân Việt kiều về nước cần kèm theo các thông tin về năng lực tài chính, kinh doanh, quản lý của kiều bào để cơ quan hữu quan trong nước giới thiệu đúng đối tác và ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện tiếp tục hỗ trợ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here