Chương 7. CÔNG VIỆC HÀNG NGÀY CỦA CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC KINH TẾ TẠI BỘ NGOẠI GIAO

0
190

Chương 7. CÔNG VIỆC HÀNG NGÀY CỦA CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC KINH TẾ TẠI BỘ NGOẠI GIAO

 

1. Đối tượng tham gia triển khai và đối tượng phục vụ của công tác NGKT

Bộ Ngoại giao với chức năng thực hiện quản lý Nhà nước về đối ngoại trong đó được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan xây dựng chương trình hoạt động đối ngoại Nhà nước, chương trình tổng thể hoạt động đối ngoại của các Bộ, ngành, địa phương; hướng dẫn tổ chức thực hiện và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện các hoạt động đối ngoại; chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện thống nhất các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật liên quan tới hoạt động đối ngoại của Nhà nước[1]… Trong triển khai công tác NGKT, Bộ Ngoại giao đóng vai trò đầu mối, phối hợp, hỗ trợ và triển khai công tác NGKT của tất cả các chủ thể tham gia công tác NGKT.

Đối tượng tham gia công tác NGKT trong nước: Chỉ thị 41 của Ban Bí thư về tăng cường công tác NGKT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã nêu Ngoại giao Kinh tế là nội dung trọng tâm của hoạt động đối ngoại Đảng, Nhà nước. Như vậy chủ thể triển khai công tác Ngoại giao kinh tế là tất cả các chủ thể tham gia và triển khai các hoạt động đối ngoại. Hay nói cách khác, công tác NGKT là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị. Các đối tượng này vừa là chủ thể tham gia triển khai công tác NGKT, vừa là đối tượng  Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ.

Xét trên diện rộng, Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ phối hợp thực hiện công tác NGKT đối với:

1.1. Trong nước:

  • Các Bộ/Ngành liên quan;
  • Địa phương trong nước (chủ yếu tỉnh và các sở liên quan);
  • Doanh nghiệp trong và ngoài nước, không phân biệt loại hình sở hữu;
  • Người dân trong nước;
  • Các CQĐD nước ngoài ở Việt Nam;
  • Các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

 1.2. Ngoài nước:

  • Hệ thống các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài;
  • Doanh nghiệp và người dân nước sở tại;
  • Các cơ quan và địa phương liên quan tại sở tại;
  • Các tổ chức kinh tế quốc tế (đặt tại sở tại).

2. Nhiệm vụ của cán bộ ngoại giao làm công tác kinh tế trong nước:

Mục tiêu của công tác NGKT: Với đặc thù thông qua các hoạt động đối ngoại để đạt được các mục tiêu kinh tế cụ thể, công tác NGKT thực chất phục vụ trực tiếp các hoạt động kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, qua đó đóng góp vào các mục tiêu phát triển chung của tổng thể nền kinh tế. Như vậy, bất cứ chủ thể nào tham gia hoạt động đối ngoại đều cần xác định rõ lợi ích kinh tế trong các hoạt động đối ngoại.

Để cụ thể hoá việc thực hiện mục tiêu của công tác NGKT nêu trên, nhiệm vụ của cán bộ ngoại giao bao gồm một số việc cụ thể  sau:

  • Thu thập, xử lý thông tin (nghiên cứu) liên quan đến tình hình kinh tế thế giới, quan hệ kinh tế với Việt Nam (đầu tư, thương mại, viện trợ, du lịch, xuất khẩu lao động…) để từ đó đề xuất chính sách của ta cho phù hợp nhằm bảo đảm lợi ích của ta và tăng cường, phát triển quan hệ với các tổ chức quốc tế và các nước có liên quan.
  • Tạo kênh thông tin từ các giới báo chí, doanh nghiệp, đối tác… đáng tin cậy để kịp thời nắm bắt thông tin có giá trị.
  • Giải quyết yêu cầu của CQĐD ta ở nước ngoài, làm cầu nối giữa CQĐD và các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp trong nước.
  • Tham gia và phối hợp tổ chức các sự kiện nhằm giới thiệu và xúc tiến quan hệ kinh tế Việt Nam với chính giới, tài giới, doanh nghiệp và người dân ở các nước như Diễn đàn, Hội thảo xúc tiến, Briefing báo chí… nhằm tạo điều kiện kết nối cho các đối tác của ta và bạn gặp gỡ trao đổi và thiết lập quan hệ.
  • Hỗ trợ trao đổi thông tin, thủ tục và các điều kiện liên quan để tạo thuận lợi cho việc tiếp xúc giữa các địa phương và doanh nghiệp hai bên.
  • Tạo quan hệ cá nhân tốt với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là với các CQĐD nước ngoài tại Việt Nam và với những nhân vật có uy tín của các tổ chức quốc tế, các nước để tạo thuận lợi cho các hoạt động vận động.

3. Nội dung công việc:

Cán bộ làm công tác kinh tế cũng như cán bộ làm công tác chính trị, văn hóa đều phải làm 2 nhiệm vụ là nghiên cứu và tác chiến. Tuy nhiên, điểm khác là nghiên cứu cái gì và tác nghiệp như thế nào. Chúng tôi xin nêu một số nội dung sau:.

3.1. Nghiên cứu:

Nghiên cứu nói chung và nghiên cứu kinh tế nói riêng là lĩnh vực công tác quan trọng, có tính quyết định tới chất lượng công tác của cán bộ ngoại giao làm công tác kinh tế từ cấp thấp đến cấp cao ở trong cũng như ở ngoài nước.

Nghiên cứu kinh tế ở trong nước diện có thể hẹp hơn so với tại CQĐD ta ở nước ngoài nhưng yêu cầu sâu hơn, bao gồm từ việc tổng hợp thông tin kinh tế được gửi về từ CQĐD Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp cho các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp về các vấn đề kinh tế cụ thể (ví dụ thẩm định đối tác kinh doanh hoặc nghiên cứu thị trường, thông tin những mặt hàng với những chu kỳ sản xuất, tiêu thụ, thay đổi công nghệ, tác động thuận/nghịch đối với sản xuất trong nước, dự báo cơ hội, thách thức cụ thể), đến việc thực hiện các nghiên cứu nhanh mang tính thời sự hoặc chuyên sâu để phục vụ công tác dự báo, tham mưu (thường dưới dạng các báo cáo phục vụ cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam ở  trung ương) và nghiên cứu vĩ mô, cũng như động thái để mở rộng quan hệ kinh tế giữa ta và các nước đặc biệt là các đối tác chiến lược, có tầm chiến lược và đối tác tiềm năng (ví dụ nghiên cứu, dự báo về những biến động và xu thế phát triển lớn của kinh tế thế giới, những nhân tố mới nổi có thể tác động tới kinh tế các nước và thế giới trong trung và dài hạn, những kinh nghiệm phát triển phù hợp với từng giai đoạn phát triển). Nghiên cứu kinh tế ở các đơn vị đối ngoại và kinh tế đối ngoại ở trong nước có một số điểm khác so với tại CQĐD. Những điểm khác chủ yếu gồm: (i) Nghiên cứu, đánh giá tình hình trong nước để cung cấp cho bên ngoài đồng thời tập trung vào các trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên đối với sự phát triển của đất nước; (ii) Yêu cầu đối với đối với việc nghiên cứu sâu hơn nhưng diện có thể hẹp hơn; (iii) Chủ trì thực hiện các chuyên đề hoặc vấn đề nghiên cứu lớn; (iv) Thời gian nghiên cứu có thể ngắn (báo cáo các vấn đề thời sự) hoặc trung và dài hạn (báo cáo chuyên sâu); (v) Đối tượng cung cấp thông tin rộng hơn, không chỉ trong mà còn ngoài Bộ. Trong nghiên cứu, tham mưu, dự báo, cần chú ý:

  • Phải bám sát hơn nữa các vấn đề kinh tế trong nước để có đóng góp cụ thể, chính xác kịp thời hơn cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
  • Tăng hiệu quả tham vấn, networking và outsourcing với các học giả trong nước và quốc tế để có nguồn thông tin tham khảo hữu ích, nhằm nâng cao chất lượng, tính thiết thực của các báo cáo nhanh và chuyên đề.

3.1.1. Phương pháp  nghiên cứu:

Ngoài các phương pháp thông thường được áp dụng chung cho công tác nghiên cứu bình thường. Một  báo cáo kinh tế trình lãnh đạo cần có những phần sau:

a) Phần tình hình hoặc tóm tắt tình hình (nếu phần này dài có thể làm thêm phụ lục kèm theo). Phần này thường không khó có thể lấy trên internet, tư liệu lưu trữ của bản thân hoặc chia sẻ thông tin với những người nghiên cứu cùng vấn đề ở trong và ngoài Bộ.

b) Vấn đề tương tự đã từng xẩy ra chưa (nếu có thì nêu rõ thời gian và địa điểm xảy ra và có những điểm gì khác so với vấn đề hiện tại. Nếu trong lịch sử hiện đại chưa có thì cũng nêu rõ chưa từng xẩy ra). Nếu phần này dài, chúng ta có thể tóm tắt trong báo cáo và làm thêm phần phụ lục để nêu chi tiết và cụ thể. Trong các nghiên cứu của chúng ta, phần này thường không có hoặc mờ nhạt vì phải dày công tích lũy, ít có chuyện ”mì ăn liền thông qua internet”.

c) Phần bài học kinh nghiệm của các nước giải quyết vấn đề tương tự như thế nào trong lịch sử, trong đó có kinh nghiệm giải quyết thành công, cũng như kinh nghiệm giải quyết không thành công. Những kinh nghniệm này đối với ta rất quý giá, đặc biệt kinh nghiệm của các nước đang phát  triển, có trình độ phát triển gần giống ta. Nếu phần này dài, ta tóm tắt những điểm chính đưa vào báo cáo, sau đó,  làm phụ lục đưa vào báo cáo nghiên cứu. Qua quan sát, các báo cáo nghiên cứu của ta thường không có hoặc có nhưng khá sơ sài về phần này, làm giảm tính thuyết phục của nghiên cứu. Lý do có nhiều, trong đó lý do chủ yếu cũng vẫn là vì ít tích lũy, tư liệu không đầy đủ và ”không có mì ăn liền trên internet hoặc thông tin của CQĐD”.

d) Phần giải pháp bao gồm (i) giải pháp của các nước đưa ra và  kiến nghị giải pháp  của các  cơ quan, học giả Việt Nam (nếu có), (ii) kiến nghị giải pháp của ta. Phần này có thể lấy trên internet, sách báo, chọn lọc, suy nghĩ dựa trên lý thuyết kinh tế liên quan, kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn nước ta để kiến nghị giải pháp.

Kinh nghiệm cho thấy, phần nhiều các báo cáo và nghiên cứu của ta mới dừng ở mức độ phần a và d, mà ít có phần b và c. Vì không có phần b và c nên tính thuyết phục của báo cáo yếu.

3.1.2. Nội dung nghiên cứu: Về cơ bản nội dung nghiên cứu của cán bộ làm công tác kinh tế ở trong nước giống với tại CQĐD ta ở nước ngoài. Tuy nhiên, cần tập trung vào một số vấn đề sau:

  • Tập trung khai thác, thu thập, phân tích, dự báo và cung cấp thông tin về những biến động và xu thế phát triển lớn của kinh tế thế giới, những nhân tố mới tác động tới kinh tế các nước và thế giới trong trung và dài hạn, kinh nghiệm phát triển của các nước; các mô hình phát triển mới; tiềm năng, chiến lược, chính sách, tập quán của các thị trường; xu thế phát triển của khoa học và công nghệ…; các vấn đề liên quan tới quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu nhằm tham mưu cho quá trình hoạch định chính sách ở nước ta.
  • Xuất phát từ tình hình và nhu cầu phát triển đất nước, trên cơ sở nắm bắt chủ trương, chính sách các nước, tham mưu cho Chính phủ về những ưu tiên trong lựa chọn đối tác, mức độ, phạm vi và trọng tâm phát triển quan hệ, các phản ứng chính sách cần có nhằm phục vụ cho việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, phát triển kinh tế.
  • Mở rộng mạng lưới quan hệ với các học giả, nhà hoạch định chính sách, các cơ quan nghiên cứu chiến lược, công ty tư vấn, tập đoàn kinh tế hàng đầu ở nước ngoài để thu thập thông tin. Cố gắng tranh thủ tham dự các diễn đàn tư vấn/thảo luận chính sách kinh tế thế giới, khu vực tổ chức thường niên tại Việt Nam.
  • Tăng cường cung cấp thông tin về chính sách, luật pháp, thị trường, tập quán kinh doanh, đối tác các dự án hợp tác ở nước ngoài cho cộng đồng doanh nghiệp và địa phương nhằm giúp địa phương, doanh nghiệp thâm nhập thị trường quốc tế hiệu quả.

3.2. Tác nghiệp:

Cũng giống như tại CQĐD, tác nghiệp là nhóm công việc hàng ngày và chiếm khá nhiều thời gian của cán bộ ngoại giao làm công tác kinh tế trong nước. Tuy nhiên, so với tại CQĐD, tác nghiệp của cán bộ làm công tác kinh tế ở trong nước có một số điểm khác biệt, đó là: (i) Giải quyết yêu cầu của CQĐD ta ở nước ngoài, làm cầu nối giữa CQĐD và các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp trong nước; (ii) Cung cấp thông tin cần thiết cho CQĐD khi xảy ra vụ kiện: các thông tin cơ bản về tình hình và luật quốc tế mà Việt Nam tham gia hỗ trợ giải quyết vụ việc. Điểm khác biệt chủ yếu giữa trong nước với CQĐD là vai trò phối hợp với các cơ quan khác của Bộ Ngoại giao để lấy thông tin giúp CQĐD xác định đối tượng cần lobby và khuyến cáo các hành động tiếp theo của ta. Các công việc tác nghiệp gồm:

3.2.1. Tạo môi trường quốc tế hòa bình, ổn định thuận lợi cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.

  • Tổng hợp, lựa chọn các thỏa thuận, dự án thiết thực mà các ngành đề xuất để vào nội dung hợp tác kinh tế khi xây dựng kế hoạch hoạt động đối ngoại cấp cao, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị cho việc đàm phán và ký kết các thỏa thuận kinh tế, góp phần bảo đảm hiệu quả của các cuộc tiếp xúc cấp cao.
  • Xác định và thiết lập mạng lưới quan hệ đối với chính giới, tài giới, báo giới, các doanh nghiệp và các nhóm lợi ích tại các nước nhằm tiến hành vận động hành lang, hỗ trợ cho các ngành, địa phương và các doanh nghiệp của ta.
  • Góp phần hoàn thành việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, củng cố đoàn kết, gia tăng liên kết nội khối, củng cố quan hệ hợp tác với các bên đối thoại, thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.
  • Nỗ lực đóng góp để gia tăng sự hợp tác thiết thực về kinh tế trong các tổ chức khu vực và quốc tế mà nước ta tham gia.
  • Tham mưu việc tham gia quá trình xây dựng khuôn khổ và các quy tắc hợp tác khu vực và toàn cầu mới phù hợp với lợi ích phát triển của đất nước.
  • Đưa tranh chấp vào đàm phán hòa bình qua con đường ngoại giao để duy trì môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế.  

3.2.2. Hỗ trợ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

  • Chủ động đề xuất tham gia các cơ chế hợp tác quốc tế phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam; hỗ trợ việc đề xuất và thúc đẩy các sáng kiến về các vấn đề Việt Nam quan tâm và tạo dựng sự đồng thuận trong cộng đồng quốc tế như bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh, đối phó với biến đổi khí hậu…
  • Tham mưu, tư vấn cho Lãnh đạo cấp cao về việc tham gia các tập hợp lực lượng; đặc biệt khi cần thiết và phù hợp với khả năng phù hợp có thể đi đầu trong một số tập hợp lực lượng để bảo vệ lợi ích kinh tế của đất nước và đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực và thế giới.
  • Phối hợp với các cơ quan liên quan trong và nước xây dựng kế hoạch tổng thể trong trung và dài hạn về đăng cai các sự kiện đa phương lớn đến năm 2025 trên cơ sở cân nhắc và gắn kết với lợi ích kinh tế của Việt Nam.
  • Phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động ứng cử vào các tổ chức quốc tế, vận động đưa cán bộ từ trong nước vào làm việc tại các tổ chức quốc tế, nhất là vào các vị trí lãnh đạo của các tổ chức quốc tế.

3.2.3 Cung cấp thông tin kinh tế:

Thông tin là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong triển khai công tác NGKT. Thông tin do Bộ Ngoại giao cung cấp là thông tin hai chiều, bao gồm thông tin về Việt Nam để quảng bá cho sở tại và thông tin về sở tại cho các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam:

a. Cung cấp thông tin hai chiều:

Để khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong công tác phối hợp 3 bên (CQĐD – Bộ Ngoại giao – Bộ/ngành, địa phương, doanh nghiệp) trong việc cung cấp và xử lý thông tin (một số Bộ/ngành, địa phương chưa kịp thời phản hồi đề nghị của các CQĐD), Bộ Ngoại giao sẽ triển khai hình thức cung cấp thông tin mới (bên cạnh các hình thức truyền thống) – xây dựng “trang mạng NGKT trực tuyến”. Trang mạng được xây dựng nhằm mục đích nâng cao hiệu quả thực thi công tác NGKT trong và ngoài nước và công tác nghiên cứu kinh tế đối ngoại thông qua việc giải quyết 3 vấn đề của triển khai NGKT: thiếu thông tin, thiếu nhân lực và phối hợp. Trang mạng gồm 2 phần: (i) phần dữ liệu cập nhật về chính sách kinh tế Việt Nam, các tài liệu tham khảo và các bài phát biểu, trình bày… giúp người dùng, đặc biệt là CQĐD có thể sử dụng ngay; và phần (ii) Diễn đàn giúp các CQĐD và cán bộ ngoại giao  làm công tác NGKT trong và ngoài nước, kể cả ngoại vụ các tỉnh/thành có thể trao đổi trực tiếp và nhanh chóng về nhu cầu tìm kiếm thông tin, thị trường, đối tác, kinh nghiệm trong triển khai công tác NGKT…

b. Quảng bá về Việt Nam:

Trên thực tế, giới thiệu, quảng bá về kinh tế Việt Nam là công việc thường xuyên mà Bộ ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các CQĐD và đơn vị có liên quan đã và đang làm dưới nhiều hình thức, bằng nhiều công cụ, trong nhiều dịp khác nhau và đã có nhiều kinh nghiệm tốt. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư đều được tổ chức thành công, nhận được phản hồi tích cực từ phía nước ngoài. Tuy nhiên, hiệu quả của mô hình diễn đàn quảng bá và xúc tiến về cơ bản chỉ mới ở mức nâng cao hiểu biết chung và quan tâm của chính quyền và doanh nghiệp các nước đối với Việt Nam. Trong thời gian tới, các cán bộ làm công tác kinh tế cần nghiên cứu sâu về địa bàn cần xúc tiến, lựa chọn những hoạt động, lĩnh vực để xúc tiến được sâu hơn với những mục tiêu và đối tượng cụ thể hơn.

3.2.4. Hỗ trợ các hoạt động kinh tế đối ngoại.

  • Tận dụng tối đa các lợi thế chính trị ngoại giao để hỗ trợ nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến kinh tế đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; kết nối giữa các sự kiện để tạo sự gắn kết và bổ trợ lẫn nhau giữa các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa.
  • Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong và ngoài nước hình thành và triển khai chiến lược quốc gia về quảng bá Việt Nam ở nước ngoài, trong đó các hoạt động NGKT được gắn kết chặt chẽ, hài hoà với các hình thức quảng bá khác nhằm truyền tải một cách hiệu quả và thống nhất các thông điệp và hình ảnh của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
  • Phối hợp và hỗ trợ vận động thu hút nguồn vốn (đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, viện trợ phát triển chính thức, viện trợ phi chính phủ, vốn vay ưu đãi) từ bên ngoài. Thiết lập kênh quan hệ và vận động các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam; triển khai các hoạt động quảng bá về tình hình kinh tế, các chính sách phát triển của Việt Nam để củng cố lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đối với Việt Nam. Hỗ trợ đầu tư trực tiếp nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài (thông qua việc cung cấp thông tin, tư vấn giải quyết các vướng mắc trong quá tŕnh đầu tư, kinh doanh).
  • Góp phần đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống; mở rộng các thị trường có tiềm năng (Châu Phi, Trung Đông, Mỹ la tinh…); chú trọng công tác bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp và công dân Việt Nam trên thị trường nước ngoài. Tích cực, chủ động nắm bắt thông tin, các quy định pháp luật, thủ tục trình tự giải quyết các vụ tranh chấp thương mại, hỗ trợ cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp liên quan. Cung cấp thông tin đối tác, thông tin về luật pháp, chính sách và tập quán buôn bán của các thị trường để giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường hiệu quả; hỗ trợ đàm phán, thúc đẩy việc ký kết và đôn đốc thực hiện các thoả thuận kinh tế thương mại, các hiệp định công nhận lẫn nhau về chất lượng sản phẩm với các đối tác, thúc đẩy các cuộc đàm phán song phương, đa phương nhằm xóa bỏ các rào cản đối với các mặt hàng xuất khẩu nước ta đang có lợi thế so sánh; công nhận quy chế kinh tế thị trường ở Việt Nam.
  • Phối hợp chặt chẽ với CQĐD VN ở nước ngoài để mở rộng thị trường xuất khẩu lao động: (i) theo dõi, cung cấp thông tin và tác động tới chính sách tiếp nhận lao động của nước sở tại; (ii) tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động làm ăn, sinh sống, hoà nhập cộng đồng sở tại, hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn, gây ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước và lao động Việt Nam; (iii) hỗ trợ thẩm định tư cách pháp nhân của các công ty môi giới và sử dụng lao động nước ngoài; (iv) cảnh báo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài.
  • Vận động, tranh thủ sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức trong và ngoài nước trong công tác bảo tồn, tu tạo di tích lịch sử-văn hoá, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, bảo vệ môi trường; cung cấp thông tin về kinh nghiệm các nước trong phát triển du lịch, thông tin thị trường, đối tác, tăng cường kết nối doanh nghiệp ta với doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực du lịch; tranh thủ hợp tác quốc tế đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trong ngành du lịch.
  • Góp phần mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo thông qua việc: (i) thúc đẩy việc xây dựng và kí kết các thỏa thuận và điều ước quốc tế về hợp tác giáo dục; (ii) khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế đầu tư, tài trợ cho giáo dục, tham gia giảng dạy, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ góp phần đổi mới giáo dục Việt Nam; (iii) phối hợp với các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan, cơ sở giáo dục trong nước để hỗ trợ kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục trong nước và cơ sở giáo dục nước ngoài; cung cấp thông tin, thúc đẩy sự hội nhập của nền giáo dục Việt Nam vào các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế, qua đó nâng cao hình ảnh giáo dục Việt Nam, góp phần thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.
  • Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong và ngoài để thúc đẩy xây dựng và triển khai kế hoạch hợp tác khoa học và công nghệ với các nước có nhiều tiềm năng về khoa học và công nghệ, nhất là các nước đối tác chiến lược của Việt Nam: (i) cung cấp thông tin về thế mạnh của các nước đối tác, tư vấn, tham mưu về những lĩnh vực hợp tác khoa học – công nghệ nhiều tiềm năng; (ii) vận động, thu hút các chuyên gia, nhà khoa học là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các chương trình, dự án nghiên cứu, đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ; (iii) xây dựng mạng lưới và thúc đẩy quan hệ với các cơ sở nghiên cứu khoa học, các tập đoàn lớn về khoa học công nghệ ở các nước.

3.2.5. Đôn đốc triển khai các thỏa thuận cam kết quốc tế:

  • Theo dõi, đôn đốc các nước thực hiện các hiệp định, các thỏa thuận trên các lĩnh vực đã ký kết với Việt Nam. Kịp thời thông tin cho các cơ quan, tổ chức trong nước về tình hình triển khai, sự quan tâm và quan điểm các nước về việc thực hiện các thỏa thuận, hiệp định với Việt Nam.
  • Rà soát các cam kết, thỏa thuận quốc tế, nhất là các cam kết giữa Lãnh đạo các nước và Lãnh đạo ta trong các chuyến thăm cấp cao nhằm tận dụng sự ủng hộ chính trị, thúc đẩy các hợp tác kinh tế cụ thể.

3.2.6. Tạo thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước:

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có hơn 4 triệu người làm ăn, sinh sống rải rác ở gần 100 nước và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% ở các nước công nghiệp phát triển, như Bắc Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Tây Âu (Pháp, Đức), Nga và các nước Đông Âu, các nước Châu Á (Hàn Quốc, Thái Lan, Cămpuchia, Lào, Trung Quốc…). Phần đông bà con có cuộc sống ngày càng ổn định và hòa nhập vào xã hội nơi cư trú, có vị trí nhất định trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở nước sở tại. Cuộc sống cũng như các hoạt động khác nhau của cộng đồng Việt kiều sẽ có ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau tới mối quan hệ giữa các nước sở tại với Việt Nam. Bên cạnh đó, trong những năm qua, hàng trăm ngàn người Việt Nam đã ra nước ngoài lao động, học tập, tu nghiệp, đoàn tụ gia đình, hình thành các cộng đồng người Việt Nam đáng kể ở một số địa bàn như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ma-lay-xi-a,… So với cộng đồng ngoại kiều khác, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một cộng đồng trẻ, năng động, nhanh chóng hòa nhập vào xã hội nước sở tại và có xu hướng định cư lâu dài ở những nước phát triển. Trong khi phần lớn người Việt Nam ở Đông Âu và Nga vẫn coi cuộc sống ở nước sở tại là tạm cư với mục đích làm ăn kinh tế là chính, khi có điều kiện sẽ trở về nước sinh sống. Tuy nhiên, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cộng đồng bị chi phối, phân hóa bởi sự khác biệt về  hoàn cảnh ra đi khỏi đất nước, địa bàn nơi cư trú và đặc biệt là chính kiến rất khác nhau. Tính liên kết, gắn bó ở một số cộng đồng không cao, do sinh sống phân tán, rất khó tập trung liên kết. Ở một số nước, chính quyền có chủ trương bố trí cho cộng đồng ngoại kiều sinh sống phân tán, nhỏ lẻ để dễ quản lý. Việc duy trì tiếng mẹ đẻ và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống đang là thách thức lớn đối với những thế hệ tiếp sau của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Dù được coi là hòa nhập thành đạt nhanh ở Mỹ và phương Tây, nhưng tiềm lực kinh tế của cộng đồng người Việt còn hạn chế, thu nhập nhìn chung còn thấp so với mức bình quân của người bản xứ. Qua nhiều cách tiếp cận khác nhau cho thấy, tiềm lực chất xám, trí tuệ của cộng đồng người Việt ở nước ngoài là đáng kể, nhất là ở Bắc Mỹ, Tây Âu, Nga, Đông Âu. Có tài liệu ước tính khoảng 400 ngàn người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ đại học, trên đại học và công nhân kỹ thuật bậc cao, có thông tin kiến thức cập nhật về khoa học và công nghệ, về kinh tế. Trên thực tế, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được các vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, doanh nghiệp, các công ty quốc tế lớn, như: Boeing, IBM, HP, Google, Oracle, NASA… Rõ ràng một thế hệ trí thức mới những người có nguồn gốc Việt Nam đang hình thành và phát triển, chủ yếu ở Bắc Mỹ, Tây Âu, Australia, họ tham gia vào nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ và kinh tế mũi nhọn, như: công nghệ thông tin và truyền thông, điện tử, vật liệu mới, công nghệ sinh học, chế tạo máy, tự động hóa, năng lượng nguyên tử, quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán… Tuy nhiên, việc thu hút cũng như sự đóng góp của bà con vào công cuộc xây dựng đất nước, nhất là của giới trí thức chưa phản ánh đúng tiềm năng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Cán bộ làm công tác kinh tế ở trong nước và tại CQĐD cần đánh giá đúng vai trò và tầm quan trọng của công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài thì đội ngũ hơn 4 triệu người Việt ở nước ngoài sẽ là những cầu nối hết sức quan trọng không chỉ phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước mà còn phục vụ cho cả việc tăng cường tình hữu nghị giữa nước Việt Nam với các nước khác trên thế giới.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here