Liên minh hợp tác xã Hà Nam thúc đẩy kết nối sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm

0
73
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Trong thời gian qua, tỉnh Hà Nam luôn quan tâm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông sản sạch. Tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, nông dân làm nhà màn, nhà sơ chế, hệ thống tưới chủ động, bán tự động trong nhà kính, hỗ trợ lãi suất vay vốn, tạo động lực thúc đẩy liên kết, sản xuất nông sản sạch.

Liên minh hợp tác xã tỉnh Hà Nam triển khai nhiều hoạt động, lồng ghép các chương trình hỗ trợ của trung ương và địa phương, xây dựng các mô hình hợp tác xã sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị. Hướng trọng tâm vào các hoạt động tư vấn, hỗ trợ thành lập hợp tác xã , đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ chủ chốt các hợp tác xã , hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các hợp tác xã kết nối xây dựng vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm; phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cho các thành viên tìm kiếm đối tác tại các hội chợ triển lãm; xây dựng thương hiệu hàng hóa, xuất xứ hàng hóa và trang thông tin điện tử cho các hợp tác xã .

Đến nay, Hà Nam có 20 hợp tác xã lựa chọn được các sản phẩm lợi thế đưa vào chuỗi giá trị, tiêu biểu là: ổi lê (Trác Văn), chuối ngự Đại Hoàng, cá kho (Hòa Hậu), sữa bò tươi, lúa gạo, nấm, dược liệu, rau củ… Kênh phân phối sản phẩm đa dạng, qua hệ thống chợ, cửa hàng giới thiệu sản phẩm, siêu thị, bếp ăn tập thể.

Thực tiễn cho thấy, các hợp tác xã, doanh nghiệp và các hộ sản xuất ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của các hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động hơn trong việc tham gia các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất và kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Để hoạt động kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, nhiều đại biểu cho rằng: Cần chú trọng vào việc nâng cao chất lượng, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, có cơ chế hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động tiêu thụ nông sản… Qua hội nghị này, các nhà sản xuất đều mong muốn được tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam cho rằng: Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất nông nghiệp không chỉ đối với Hà Nam mà còn đối với nhiều tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Kinh tế hợp tác ngày càng phát triển cho thấy vai trò, vị trí của hợp tác xã ngày càng được nâng cao, tham gia tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Liên minh hợp tác xã các tỉnh, thành phố cũng đã làm tốt công tác phối hợp với các ngành, địa phương, góp phần tích cực giúp các hợp tác xã hoạt động.

Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam cũng khẳng định, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các hợp tác xã còn nhiều khó khăn, nhất là xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh, quản trị, xúc tiến thương mại thị trường, quy mô sản xuất của các hợp tác xã còn nhỏ, manh mún.

Thực trạng đó đòi hỏi cần quan tâm nhiều hơn đến tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã. Quan điểm phát triển hợp tác xã đó là: Gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương có chất lượng tốt, thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng; hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, thu hút các thành viên, hợp tác xã là hạt nhân của liên kết; phát triển sản xuất phải gắn với nhu cầu thị trường. Để làm được điều đó, hệ thống liên minh hợp tác xã cần tăng cường vai trò hoạt động của mình hướng về các hợp tác xã, cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho các hợp tác xã; tham mưu đề xuất, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã; xây dựng và triển khai các đề án, chú trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kiểm toán hợp tác xã, vốn, công nghệ và xúc tiến thương mại.

(Nguồn: baohanam.com.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here