CPTPP: “Cơ hội vàng” mở cửa thị trường xuất khẩu đối với ngành thủ công mỹ nghệ

0
74

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đánh giá là “cơ hội vàng” để mở cửa thị trường đối với ngành thủ công mỹ nghệ của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung với thuế xuất về 0% khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, để nắm được “cơ hội vàng” này đòi hỏi các doanh nghiệp, làng nghề cần có nghiên cứu cụ thể để đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn từ khối thị trường này.

Chiều ngày 17/10, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ với Hiệp định CPTPP”. Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, đại diện các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực nghề, làng nghề.

cptpp co hoi vang mo cua thi truong xuat khau doi voi nganh thu cong my nghe

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – cho biết, theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có 5.411 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.864 làng nghề, làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống đã được công nhận tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu người ở hơn 2.000 làng nghề trên khắp đất nước. Hàng thủ công mỹ nghệ hiện đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Rất nhiều nhóm sản phẩm cụ thể được đánh giá cao trên thị trường như hàng mây tre đan, các sản phẩm sơn mài, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lụa, các loại hoa giả…

Tuy nhiên hiện nay, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang bị sụt giảm đơn hàng mạnh ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản… nhưng tại các nước mới nổi như Thái Lan, Philippines, Indonesia, lượng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đang tăng. Đây đang là thách thức lớn đối với những nhà quản lý cũng như những DN xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 9/2019 kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ nhóm hàng mây, tre, cói và thảm đạt 29,99 triệu USD, nâng kim ngạch 9 tháng 2019 lên 293,39 triệu USD, tăng 5,11% so với 9 tháng đầu năm 2018.

Trong số thị trường xuất khẩu sản phẩm mây tre cói của Việt Nam thì Mỹ là thị trường chủ lực, chiếm 32,8% tổng kim ngạch. Thị trường lớn đứng thứ hai là Nhật Bản, chiếm 17,3%, kế đến là Đức 7,07% tương ứng với 20,7 triệu USD.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận các vấn đề chính như: Tổng quan và định hướng về CPTPP; CPTPP và sự tác động đối với Việt Nam; đánh giá về mức độ sẵn sàng, cơ hội và thách thức của Việt Nam; hiện trạng ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam trước CPTPP; đề xuất, giải pháp nâng cao chuỗi giá trị của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam trong xu thế phát triển CPTPP.

PGS, TS Đào Ngọc Tiến trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cho rằng, CPTPP có hiệu lực, thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng sẽ về 0% hoặc có lộ trình về 0%, trong đó ngành thủ công mỹ nghệ đa phần sẽ được hưởng mức thuế xuất 0%. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội đưa đến do thuế xuất khẩu giảm, thì ngành hàng này sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ và các thủ tục chứng nhận xuất xứ, các cam kết về lao động và môi trường. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các làng nghề nói chung và làng nghề thủ công mỹ nghệ nói riêng, việc sử dụng lao động trẻ em, lao động nông nhàn vẫn diễn ra phổ biến. Bên cạnh đó, môi trường cũng đang là vấn đề “nóng bỏng” đối với các làng nghề thủ công mỹ nghệ.

Khẳng định, CPTPP là “cơ hội vàng” để mở cửa thị trường đối với ngành thủ công mỹ nghệ của Hà Nội nói riêng và Việt Nam khi thuế xuất về 0% khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, bà Hà Thị Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề TP. Hà Nội – cho rằng, cơ hội kèm thách thức, các doanh nghiệp lĩnh vực này cũng sẽ chịu áp lực không nhỏ khi sản phẩm phải có tính văn hóa và đi đúng luật. Trong khi đó, đa phần các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ là các doanh nhỏ và siêu nhỏ nằm trong các làng nghề. Để hoàn thiện mình, đây là điều không dễ.

PGS.TS Đặng Mai Anh – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp – nhận định, lợi thế khi tham gia CPTPP với những thuận lợi về cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ có những điều kiện tiêu chuẩn cao về mặt thể chế, chất lượng quản lý nhà nước cũng như pháp luật từ trong nước tới các thị trường quốc tế, tạo cơ hội thúc đẩy khả năng cạnh tranh, huy động và sử dụng tốt nhất nguồn lực trong nước và tận dụng các nguồn lực bên ngoài. Để làm chủ được thị trường trong nước và sau đó thuyết phục được các thị trường mới có nhu cầu hàng hóa chất lượng cao, việc đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu và tạo được giá trị riêng là vấn đề mà các doanh nghiệp ngành nghề thủ công mỹ nghệ cần sớm thực hiện.

Theo ông Đào Ngọc Tiến, tác động tổng thể và dài hạn của CPTPP đến thủ công mỹ nghệ là tích cực. Tuy nhiên, có những tác động chung, dài hạn, có những tác động cụ thể ngắn hạn, việc này phụ thuộc vào từng sản phẩm. Do đó, cần có nghiên cứu cụ thể với sản phẩm và thị trường tiềm năng của chính doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ mình./.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here