Những nội dung chính trong đàm phán giữa Anh và EU

0
82
(ảnh minh hoạ)

Ngày 30/01/2020, báo Le Figaro đưa tin, EU và Anh có hạn chót tới tháng 12/2020 để đàm phán về mối quan hệ tương lai thông qua một thỏa thuận duy nhất giữa hai bên. Đàm phán sẽ bắt đầu vào khoảng tháng 3/2020, sau khi các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu phê chuẩn việc ủy quyền đàm phán cho Ủy ban châu Âu. EU mong muốn mở song song hàng chục chủ đề đàm phán, nhưng chỉ xem xét một thỏa thuận duy nhất với Vương quốc Anh. Thỏa thuận này sẽ bao gồm hai phần, quan hệ kinh tế (kể cả thương mại, năng lượng, đánh bắt thủy sản) và an ninh.

Về Hiệp định thương mại tự do

London và Brussels sẽ cố gắng đàm phán một hiệp định thương mại tự do cho phép trao đổi hàng hóa mà không có hạn ngạch và thuế quan, do Anh sẽ rời khỏi Thị trường chung của Liên minh hải quan từ ngày 01/01/2021. Các quy tắc và tiêu chuẩn châu Âu cho các sản phẩm và dịch vụ sẽ không còn áp dụng đối với quốc gia này. Do đó, người Anh có thể bán phá giá bằng cách bỏ qua các tiêu chuẩn xã hội và môi trường của EU hoặc phớt lờ chế độ hỗ trợ nhà nước của châu Âu. “Không hạn ngạch, không thuế quan, không bán phá giá” – ông Michel Barnier – trưởng đoàn đàm phán của EU đã cảnh báo từ nhiều tháng trước.

Nếu người Anh muốn đạt được thỏa thuận, họ sẽ phải tôn trọng những quy tắc, luật lệ bình đẳng và chấp nhận các quy định và tiêu chuẩn của châu Âu. “Người Anh càng bất đồng thì các đường biên giới càng dày lên và kiểm soát biên giới sẽ càng chặt chẽ” – một nhà ngoại giao châu Âu cảnh báo. Nếu không đạt được thỏa thuận thương mại, Vương quốc Anh sẽ phải tuân theo các quy tắc của WTO. Vậy có đáng không khi biết rằng 47% hàng xuất khẩu của Anh là tới thị trường châu Âu? Câu trả lời là không. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Anh, nếu theo kịch bản này thì Anh sẽ mất 5,5% GDP trong 15 năm tới. 

Về đánh bắt thủy sản

Đánh bắt thủy sản chiếm ít hơn 0,1% GDP của Anh, nhưng đây là một trong những vấn đề nhạy cảm và mang tính biểu tượng nhất trong các cuộc đàm phán sắp tới. Anh có thể sẽ chấm dứt quyền ngư dân châu Âu được đi vào vùng biển của họ, và đây được coi là một tín hiệu tốt đối với những ngư dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit vào năm 2016. Chủ đề này cũng rất quan trọng đối với các quốc gia EU đang đánh bắt thủy sản ở các vùng biển của Anh. Pháp là một ví dụ, 1/3 sản lượng hải sản đánh bắt của Pháp đến từ nước Anh. Một nửa số tàu cá của Bỉ hoạt động ở khu vực này. Người Hà Lan và người Đan Mạch cũng rất phụ thuộc vào các vùng biển của nước Anh. London hoàn toàn hiểu được lợi ích trong việc tạo áp lực lên vấn đề này.

Trong một dự luật được đệ trình vào thứ tư vừa rồi, London dự kiến tước quyền ra vào vùng biển của Anh của các tàu cá EU. Theo tuyên bố chính trị, hai bên có thời hạn đến cuối tháng 6/2020 để đạt được thỏa thuận đánh bắt thủy sản. Sau đó, họ sẽ còn sáu tháng để đàm phán hạn ngạch năm 2021. Người châu Âu muốn gắn các cuộc đàm phán thương mại và đánh bắt thủy sản để gây áp lực lên London.

Về dịch vụ tài chính

Lĩnh vực tài chính có một tầm quan trọng lớn trong nền kinh tế nước Anh (khoảng 10% GDP năm 2018). Ở giai đoạn này, những vấn đề đó không phải là vấn đề được ưu tiên của London và Brussels trong các cuộc thảo luận sắp tới, và mọi tính toán dường như đang tập trung nhiều hơn vào thương mại hơn là dịch vụ.

Một nguồn tin từ châu Âu cho biết “Sẽ không có cuộc đàm phán nào với Vương quốc Anh về các dịch vụ tài chính”. Liệu đây có phải là một điểm bắt đầu? Thủ tướng Ailen Leo Varadkar cho rằng, “Bạn có thể sẽ phải nhượng bộ trong các lĩnh vực như đánh bắt thủy sản để nhận được sự nhượng bộ từ chúng tôi trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính”. Trong khi các giấy phép giao dịch tự do ở thị trường châu Âu sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2020, các ngân hàng và công ty bảo hiểm của Anh sẽ phải tuân theo nguyên tắc hệ thống tương đương. Nếu người Anh chấp nhận các tiêu chuẩn châu Âu, họ có thể tiếp tục hoạt động trong lãnh thổ EU. Ngược lại, các quy định công nhận dịch vụ tương đương hàng năm này có thể bị tước trong vòng ba mươi ngày, và điều này đã xảy ra với Thụy Sĩ, nước đã không được EU công nhận tương đương về thị trường chứng khoán vào giữa năm 2019.

Việc tham dự vào các dự án/chương trình của EU

Không còn là thành viên EU, Vương quốc Anh sẽ vẫn có thể tiếp tục tham gia các chương trình của EU nếu đáp ứng các quy định. Trong số đó, có dự án Euratom với mục tiêu phát triển nghiên cứu về hạt nhân dân sự hoặc Chương trình trao đổi sinh viên, giáo sư và các nhà nghiên cứu khoa học Erasmus.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here