Việt Nam coi các nước Trung Đông – châu Phi là những đối tác kinh tế thương mại quan trọng

0
77

Tại Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông – châu Phi năm 2019 đang diễn ra tại Hà Nội,, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chỉ ra những thách thức, khó khăn và trở ngại khi doanh nghiệp hai bên kết nối giao thương. Đó là thiếu thông tin và sự hiểu biết sâu về thị trường, tập quán kinh doanh và pháp luật của nhau; xa cách về địa lý; mạng lưới các cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại thường trú còn mỏng, các cơ chế hợp tác song phương chưa phát huy hết vai trò trong thúc đẩy kinh tế. “Mặc dù là 1 nền kinh tế mở với 16 hiệp định thương mại tự do nhưng đến nay Việt Nam chưa ký kết hiệp định thương mại tự do với bất kỳ nước nào trong khu vực” – Phó Thủ tướng lưu ý.

Chiều 9/9, tại Phiên thảo luận về “Đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ Việt Nam – Trung Đông – châu Phi: Thuận lợi và khó khăn”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định, Việt Nam coi các nước Trung Đông – châu Phi là những đối tác kinh tế thương mại quan trọng. Thông tin về tình hình kinh tế trong nước tới các đại biểu là Đại sứ, đại biện, đại diện, lãnh sự của các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông – châu Phi và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Thứ trưởng cho biết, trong năm 2018, GDP Việt Nam đạt hơn 240 tỷ USD, tăng 7,08% so với năm 2017. Tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2018 đạt 480,17 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2017. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 313,21 tỷ USD, tăng 11,7%; Trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 166,96 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2017. Với những thành tựu trên, Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế và trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian qua đã có những đột phá mạnh mẽ và hứa hẹn nhiều biến chuyển mới trong thời gian tới. Việt Nam đã ký kết và thực thi các hiệp định mở cửa thương mại quan trọng, trong đó tiêu biểu là Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (năm 2000), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) (năm 2007), ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc…

Nhờ tham gia các hiệp định FTA, các doanh nghiệp Việt Nam được đón nhận nhiều cơ hội để cải thiện tình hình kinh doanh, tự do sáng tạo, làm giàu cho mình và cho đất nước. Các doanh nghiệp Việt Nam có thêm các cơ hội khẳng định vị thế doanh nghiệp, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn, cơ hội thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, các nguồn viện trợ phát triển, các định chế tài chính quốc tế hay tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý thông qua các dự án đầu tư.

Những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Trung Đông – châu Phi có những bước phát triển đáng ghi nhận và là điểm sáng trong quan hệ song phương. Năm 2018, tổng kim ngạch trao đổi hai chiều đạt 20,5 tỷ USD, tăng 10,2%; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 11,7 tỷ USD (XK sang Trung Đông đạt 8,8 tỷ USD và sang châu Phi đạt 2,9 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 8,8 tỷ USD (NK từ Trung Đông đạt 5,1 tỷ USD và từ châu Phi đạt 3,7 tỷ USD).

Về cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nướcTrung Đông – châu Phi có tính chất bổ sung cho nhau. Việt Nam xuất khẩu sang khu vực các mặt hàng như: điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; giày dép; máy vi tính, sản phẩm điện, điện tử; sữa và sản phẩm sữa; nông sản (gạo, hạt tiêu, cà phê, chè, hạt điều, rau quả…); thực phẩm chế biến; cao su; sản phẩm sắt thép; sản phẩm gỗ; gốm sứ; dây điện và cáp điện; hàng thủ công mỹ nghệ.

Ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ khu vực Châu Phi – Trung Đông các mặt hàng như: dầu thô, dầu diesel, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, kim loại thường, phân bón, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may da giày; hàng nguyên liệu thô như điều thô, bông, gỗ, đồng, quặng, thức ăn gia súc… phục vụ các ngành công nghiệp chế biến trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng cũng đã có một số bước phát triển tích cực. Một số dự án hợp tác dầu khí tiêu biểu nhất có thể kể đến gồm: Dự án Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn được thành lập bởi các nhà đầu tư gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Dầu khí Kuwait (KPC) và đối tác Nhật Bản; Dự án hợp tác dầu khí giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Mubadala của UAE với một số Hợp đồng dầu khí tại một số lô ngoài khơi Việt Nam; Công ty Dầu khí Quốc tế Qatar (QPI) là đối tác tham gia cùng Tập đoàn Siam Cement (SCG) của Thái Lan đầu tư dự án hoá dầu Long Sơn; Dự án khai thác dầu khí tại Algieria với sự tham gia của PVN, Công ty Dầu khí Thái Lan (PTTEP) và Công ty Dầu khí Quốc gia Algieria (SONATRACH)… Ngoài ra, Việt Nam cũng đang thúc đẩy các dự án hợp tác về các lĩnh vực khác với các đối tác châu Phi – Trung Đông như: khai khoáng, phân bón…

Về đầu tư, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết năm 2018, đã có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Phi và Trung Đông đầu tư vào Việt Nam với tổng số 447 dự án, giá trị trên 2,87 tỷ USD. Riêng 7 tháng đầu năm 2019, đã có25 quốc gia thuộc khu vực này đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký hơn 206,8 triệu USD.

viet nam coi cac nuoc trung dong chau phi la nhung doi tac kinh te thuong mai quan trong
Bên lề hội nghị, các doanh nghiệp tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm tiêu biểu. Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông – châu Phi năm 2019 sẽ diễn ra trong hai ngày 9-10/9/2019 tại Hà Nội.

(congthuong.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here