Tại sao Fed “đảo ngược” chính sách tiền tệ

0
211
Ảnh minh họa

Sau bốn lần nâng lãi suất trong năm 2018, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ba lần hạ lãi suất trong năm 2019, đánh dấu sự đảo ngược mạnh mẽ trong chính sách tiền tệ mà ngân hàng này thực hiện.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ba lần hạ lãi suất trong năm 2019.

Sự xoay chuyển đó cho thấy đánh giá của các quan chức Fed rằng những rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế đã có sự thay đổi lớn trong năm qua, do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, căng thẳng thương mại gia tăng và sức ép lạm phát yếu. Các quan chức Fed có thể tin rằng ba lần hạ lãi suất trong năm 2019 đã giúp nền kinh tế “hạ cánh mềm”. Để không gây ra sự thay đổi lớn trong triển vọng của nền kinh tế, Fed dự kiến giữ nguyên lãi suất cho đến hết năm 2020.

Một năm trước, Fed đã nâng biên độ lãi suất lên 2,25-2,5%, lần nâng thứ tư trong năm 2018 và là lần nâng thứ chín kể từ cuối năm 2015, khi ngân hàng này bắt đầu lộ trình bình thường hóa chính sách tiền tệ. Khi đó, các quan chức Fed cho rằng họ cần nâng lãi suất ít nhất hai lần trong năm 2019 để làm chậm lại tốc độ tăng trưởng và ngăn chặn việc lạm phát tăng. Chủ tịch Fed, Jerome Powell, tại một cuộc họp báo vào đầu tháng này đã nhắc lại rằng đến giai đoạn cuối năm 2018, Fed vẫn cho rằng kinh tế tăng trưởng với tốc độ khoảng 3%. Ông cho biết, Fed đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm sự hỗ trợ từ phía lãi suất và dường như đó là quyết định đúng đắn.

Tuy nhiên, do những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế của Mỹ gia tăng trong những tháng sau đó, Fed đã thay đổi lập trường vào đầu năm 2019, cam kết sẽ “kiên nhẫn” trước các quyết định tăng lãi suất trong tương lai.

Hồi tháng Ba, Fed nói sẽ không tăng lãi suất trong năm 2019 và thông báo kế hoạch dừng thu hẹp bản cân đối kế toán trong tháng Chín, một bước đi khác nhằm tránh việc quá thắt chặt chính sách tiền tệ. Sau đó, hồi tháng Bảy, Fed đã hạ lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập niên, trong lúc những lo ngại về căng thẳng thương mại gia tăng, kinh tế toàn cầu giảm tốc và sức ép lạm phát thấp. Sau khi thị trường trái phiếu Mỹ hồi tháng Tám phát đi những tín hiệu cảnh báo về khả năng suy thoái của nền kinh tế, Fed đã hạ lãi suất vào tháng Chín và tháng 10. Những điều chỉnh chính sách này đã đưa lãi suất xuống biên độ 1,5-1,75%.

Ông Powell cho rằng những thách thức mà kinh tế Mỹ phải đối mặt trong năm nay là điều không ai có thể lường trước. Ông nói thêm rằng việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng yếu hơn và căng thẳng thương mại kéo dài đã gây sức ép lên kinh tế Mỹ. Trong năm qua, Fed đã điều chỉnh lập trường chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế trước những diễn biến này. Theo Bộ Thương mại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 2,1% trong quý III/2019, tăng nhẹ so với mức 2% trong quý II/2019, nhưng giảm mạnh so với con số 3,1% của quý I/2019.

Vào giữa tháng 10, Fed cũng thông báo sẽ bắt đầu mở rộng bản cân đối kế toán bằng việc mua khoảng 60 tỷ USD trái phiếu chính phủ mỗi tháng, trong nỗ lực nhằm tăng cường hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Powell nhấn mạnh rằng động thái này khác với chương trình mua trái phiếu, hay nới lỏng định lượng, mà Fed đã triển khai trong cuộc khủng hoảng tài chính, chỉ nhằm tạo thuận lợi cho việc cho vay ngắn hạn để kiểm soát lãi suất chuẩn.

Ông Powell mô tả các quyết định hạ lãi suất là sự điều chỉnh giữa chu kỳ, tương tự như những điều chỉnh vào năm 1995 và 1998, không phải là sự bắt đầu của chu kỳ nới lỏng chính sách kéo dài. Trong cả hai giai đoạn vào năm 1995 và 1998, Fed cũng đã hạ lãi suất ba lần, tổng cộng 75 điểm cơ bản, để ngăn chặn sự đi xuống của nền kinh tế và duy trì đà tăng trưởng trước khi tăng lãi suất trở lại.

Tuy nhiên, ông Powell cho rằng vẫn có những khác biệt căn bản, đặc biệt là về lạm phát, giữa thời điểm hiện nay và hai giai đoạn hạ lãi suất vào những năm 1990. Theo ông, lạm phát đang tăng chậm, dù tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 50 năm và được cho sẽ vẫn duy trì ở mức này, do đó việc tăng lãi suất là không mấy cần thiết.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân, chỉ số lạm phát mà Fed theo dõi, trong tháng 11/2019 đã tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, song vẫn dưới mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Ông Powell nêu rõ quan điểm rằng lạm phát cần ổn định trước khi nâng lãi suất.

Vậy Fed có cần tiếp tục điều chỉnh lãi suất?

Mức lãi suất trung bình theo dự báo mà các quan chức Fed đưa ra trong tháng 12/2019 này sẽ là 1,6% vào cuối năm 2020, cho thấy sẽ không có lần cắt giảm nào trong năm tới.

Theo ông Joseph Brusuelas, nhà kinh tế trưởng của RSM US LLP, một hãng kiểm toán, thuế và tư vấn, điều này củng cố quan điểm cho rằng, với cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm tới, Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trên quan điểm thận trọng và dành dư địa trước khả năng cuộc chiến thương mại gia tăng hay có cú sốc xảy ra với nền kinh tế.

Nhà kinh tế Tiffany Wilding tại PIMCO, một hãng quản lý đầu tư toàn cầu, tin rằng những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế Mỹ kể từ sau lần hạ lãi suất vào tháng 10 có thể khiến Fed tin tưởng hơn rằng những điều chỉnh giữa chu kỳ đã giúp nền kinh tế “hạ cánh mềm” và việc hạ thêm lãi suất là không cần thiết.

Ông Eric Rosengren, Chủ tịch Fed tại Boston, tuần trước cũng nói rằng ông không thấy có lý do phải điều chỉnh chính sách tiền tệ, khi nền kinh tế Mỹ hiện đang có những thuận lợi để bước vào năm 2020. Theo ông, do chính sách tiền tệ có độ trễ và các nhà hoạch định chính sách của Fed đã ba lần hạ lãi suất trong năm 2019, Fed cần kiên nhẫn khi cân nhắc những điều chỉnh chính sách, trừ phi có sự thay đổi lớn trong triển vọng kinh tế.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần gây sức ép lên Fed trong việc hạ lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuần trước, ông nói rằng đồng USD rất mạnh so với các đồng tiền khác và gần như không có lạm phát, nên giờ là lúc Fed hạ lãi suất và nới lỏng định lượng.

Lê Minh 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here