Theo báo cáo của McKinsey&Company, lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á và được cân bằng với tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng. Thị trường bán lẻ nói chung hiện tại có giá trị doanh thu hàng năm khoảng 108 tỷ USD, được dự báo sẽ có tăng trưởng lũy kế hàng năm (CAGR) khoảng 7,3% trong vòng 5 năm tới. Hàng tạp hóa thực phẩm phụ và các thiết bị điện tử tiêu dùng là hai mặt hàng chiếm thị phần lớn nhất của thị trường bán lẻ, lần lượt là 44% và 17%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của McKinsey&Company, cả hai lĩnh vực này đều có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai. Năm 2018, việc áp dụng các hình thức trao đổi thương mại hiện đại trong lĩnh vực hàng tạp hóa và thực phẩm phụ của Việt Nam chỉ vào khoảng 8%, thấp hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á khác. McKinsey&Company dự báo tỷ lệ này sẽ tăng lên tới 26% vào năm 2025, trong bối cảnh thị trường hàng hóa thực phẩm đang trên con đường hiện đại hóa đáng kể, dự kiến sẽ tăng từ con số 4 tỷ USD hiện tại lên 20 tỷ USD vào năm 2025.
Tương tự, mức độ tiếp cận thị trường thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ vào khoảng 3% tổng lượng doanh số bán lẻ. McKinsey&Company dự báo tỷ lệ này sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong vòng 5 năm tới và tăng trưởng đáng kể trong dài hạn. Động lực chính cho sự tăng trưởng này là từ việc Việt Nam có số lượng lớn tầng lớp người trẻ tuổi và sự tiếp cận ở mức độ rất cao với điện thoại thông minh (ước tính có tới hơn 80% người trẻ từ 15 tuổi trở lên sử dụng điện thoại di động thông minh).
Mặc dù thị trường bán lẻ có tiềm năng lớn như vậy, nhưng theo McKinsey&Company, để có thể thành công, các nhà đầu tư nước ngoài phải luôn ghi nhớ ba xu hướng chính đang diễn ra tại thị trường bán lẻ Việt Nam.
Thứ nhất, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có lòng tin đối với các mặt hàng có thương hiệu, đặc biệt là các thương hiệu của Việt Nam. Một nghiên cứu mới đây cho thấy hơn 69% người tiêu dùng được hỏi cho rằng các mặt hàng có thương hiệu Việt Nam đáp ứng và phù hợp nhất các nhu cầu của họ. Một nửa trong số người được hỏi khẳng định sẽ lựa chọn hàng Việt Nam thay vì mặt hàng nước ngoài, xuất phát từ yếu tố tự hào dân tộc và niềm tin rằng chất lượng hàng Việt Nam phù hợp với giá tiền.
Thứ hai, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng ưu thích các cách thức, phương thức mua bán ứng dụng công nghệ hiện đại, bằng chứng là sự tăng trưởng nhanh của các nền tảng phương thức bán lẻ như vậy trong những năm qua tại Việt Nam.
Và cuối cùng, các nhà đầu tư cũng cần ghi nhớ xu hướng hợp nhất các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam đang diễn ra.
McKinsey&Company cũng chỉ ra một số yếu tố thành công chính thường gặp ở những doanh nghiệp bán lẻ thành công. Các yếu tố này bao gồm việc phải đầu tư xây dựng mở rộng quy mô trên cơ sở một mạng lưới rộng lớn; định hình các kế hoạch có giá trị hấp dẫn; “mài giũa”, củng cố hơn nữa các thương hiệu cuốn hút, đáng tin cậy; thúc đẩy sự đổi mới trên các nền tảng, kênh mua bán phổ biến. Những yếu tố này cần phải được hỗ trợ từ các hoạt động mạnh mẽ và các yếu tố hỗ trợ kinh doanh khác; đồng thời không được bỏ qua các kiến thức, hiểu biết về địa phương có liên quan.
Thế Vũ