Trong khi tại Mỹ và EU chủ nghĩa bảo hộ đang gây nhiều lo ngại, thì tại Châu Á xu hướng tự do hóa thương mại lại được thúc đẩy mạnh mẽ. Sau 06 năm đàm phán, tại Hội nghị thượng đỉnh ở Bangkok, Thái Lan ngày 4/11/2019, 10 thành viên ASEAN cùng với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc và New Zealand tuyên bố đã đạt được bước đột phá trong đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – một trong những thỏa thuận thương mại khu vực lớn nhất trên thế giới. Thoả thuận này bao gồm một số nền kinh tế lớn và phát triển nhanh nhất thế giới. Thế nhưng, có lẽ “sức hấp dẫn” của Hiệp định này phần nào bị suy giảm khi Ấn Độ tuyên bố rút khỏi RCEP. Theo một số thông tin Tokyo, Nhật Bản không chấp nhận kết quả đó và quyết tâm đưa Ấn Độ trở lại bàn đàm phán RCEP.
Tại sao Nhật Bản muốn Ấn Độ tham gia RCEP?
Đại diện Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết nước này quyết định rút khỏi Hiệp định khu vực này do những đánh giá của quốc gia này đối với tình hình và nội dung của chính Hiệp định. Căn cứ vào các điều khoản của Hiệp định, có lẽ việc Ấn Độ rút khỏi Hiệp định thể hiện thái độ bài hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Kể từ khi thông báo rút lui của Ấn Độ, Tokyo đã truyền đi tín hiệu mạnh mẽ rằng quyết định này từ phía Ấn Độ không phải là quyết định cuối cùng và Nhật Bản sẵn sàng làm mọi cách để đưa New Delhi trở lại thỏa thuận. Thứ trưởng kinh tế Hideki Makihara trong buổi phỏng vấn với Bloomberg tuần trước nước này kiên quyết không tham gia RCEP mà không có sự tham gia của Ấn Độ. Hiện tại New Delhi đang nhận được sự vận động ngoại giao mạnh từ Tokyo, tiêu biểu như các chuyển thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono đã thăm Ấn Độ; dự kiến Thủ tướng Shinzo Abe sẽ đi thăm người đồng cấp Narendra Modi vào giữa tháng 12.
Sở dĩ, Nhật Bản có thái độ kiên quyết đưa Ấn Độ trở lại RCEP bởi những lợi ích của nước này trong lĩnh vực kinh tế, chiến lược và chính trị. Tokyo cho biết trước khi các cuộc đàm phán RCEP bắt đầu, Nhật Bản đã từ chối một thỏa thuận ASEAN + 3, bao gồm cả Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, để ủng hộ thỏa thuận rộng lớn hơn. Trong khi đó, trong trường hợp được ký kết, RCEP sẽ “bao phủ” khoảng 50% dân số thế giới, và Ấn Độ có thể sẽ là thị trường lớn nhất trong những thập kỷ tới. Phía Nhật Bản tiết lộ đó còn là vấn đề cân bằng quyền lực. Nói một cách khác, nếu Ấn Độ không phải là một phần của RCEP, Trung Quốc sẽ ngày một gia tăng ảnh hưởng trong khu vực nói chung và trong khuôn khổ Hiệp định nói riêng. Giờ đây, có lẽ chỉ Ấn Độ với quy mô dân số và tiềm lực kinh tế là quốc gia duy nhất đủ năng lực để đối trọng lại Trung Quốc. Trong trường hợp một RCEP được ký kết mà không có Ấn Độ, các doanh nghiệp Nhật bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand nhiều khả năng duy trì chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á và Trung Quốc. Điều này tạo điều kiện cho kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ hơn trước kia. Ngược lại, nếu có thêm Ấn Độ, các doanh nghiệp sẽ thêm lựa chọn để thiết lập các chuỗi cung ứng và nhà máy tại quốc gia Nam Á này.
Cuối cùng, xét về địa chính trị, Nhật Bản rất muốn “lôi kéo” một nước Ấn Độ giàu tiềm lực nhằm hình thành một trật tự kinh tế và chính trị ở Đông Á. Nếu Ấn Độ không tham gia thỏa thuận thương mại RCEP, có nghĩa là chiến lược đó của Nhật phần nào bị giảm hiệu quả. Do đó, Tokyo quyết tâm trì hoãn một thỏa thuận RCEP để có thêm thời gian vận động Ấn Độ. Hiện tại, Nhật Bản đang phát tín hiệu quyết tâm theo đuổi mục tiêu này. Một quan chức Nhật Bản cho biết Nhật Bản có lẽ sẽ không đi đến ký kết Hiệp định RCEP mà không có Ấn Độ. Nhưng cũng thật khó cho Tokyo nếu phải đứng ngoài một thỏa thuận thương mại khu vực khi các đối tác còn lại muốn đi đến hồi kết. Vì các yếu tố trên, tương lai của Hiệp định RCEP và tương lai của chính khu vực Châu Á, vốn đang có nhiều bất ổn vẫn còn vô định./.
(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)