OPEC+ cần một kế hoạch mới để hỗ trợ giá dầu?

0
151
Nỗ lực hiện tại có thể không đủ để duy trì giá dầu thô Brent trên 60 USD/thùng. (Nguồn: CNBC)

Các quốc gia thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hiện đang ở một tình thế khó có thể dự đoán trước được những động thái tiếp theo.

Nỗ lực hiện tại có thể không đủ để duy trì giá dầu thô Brent trên 60 USD/thùng. (Nguồn: CNBC)

Sự quan ngại về tình trạng biến đổi khí hậu có thể có nghĩa là nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm sút trong những thập niên tới, trong khi tầm ảnh hưởng của OPEC trên thị trường “vàng đen” đang suy giảm nhanh chóng.

Ngày 13/11 vừa qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một cơ quan dự báo liên chính phủ, đã dự đoán rằng vào năm 2030, OPEC và Nga, một nước sản xuất dầu liên minh trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng “vàng đen”, sẽ chỉ cung cấp 47% lượng dầu thô thế giới.

Tuy nhiên, OPEC đang có một vấn đề cần phải giải quyết ngay lập tức. Đó là việc nhu cầu dầu toàn cầu bất ngờ chững lại trong năm 2019. Công ty nghiên cứu Sanford C. Bernstein ước tính rằng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2019 có thể chỉ tăng 0,8%, mức tăng thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Theo kế hoạch, OPEC và các nước sản xuất dầu liên minh, dẫn đầu là Nga, sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) trong hai ngày 5-6/12. Câu hỏi đầu tiên là liệu các nước trên có công bố một kế hoạch mới để hỗ trợ giá dầu hay không? Và nếu các nước trên thực hiện được điều này thì câu hỏi thứ hai là liệu họ có thể duy trì kế hoạch đó lâu dài hay không?

Về mặt kỹ thuật, OPEC và các nước sản xuất dầu liên minh (còn gọi là OPEC+) đã triển khai một kế hoạch hỗ trợ giá dầu. Hồi tháng 12/2018, OPEC+ đã tuyên bố cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày, với ý định đẩy giá dầu thô tăng lên. Sau đó, thỏa thuận này đã được gia hạn đến tháng 3/2020. Tuy vậy, một số thành viên OPEC, bao gồm cả Iraq và Nigeria, đã thường xuyên sản xuất dầu nhiều hơn mức cho phép của thỏa thuận cắt giảm sản lượng “vàng đen” mà các nước đã nhất trí thực hiện vào cuối năm 2018.

Nga được cho là sẽ giúp OPEC bước sang một kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, điểm khởi đầu mà Nga đồng ý cắt giảm sản lượng là cao bất thường và sản lượng dầu của nước này trong năm nay đã vượt quá hạn ngạch cho phép. Chuyên gia Aaron Brady của công ty nghiên cứu và dữ liệu IHS Markit cho biết, ngành công nghiệp dầu mỏ Nga “thực sự rất không thoải mái trước việc cắt giảm sản lượng”. Kết quả là sản lượng dầu trung bình hàng ngày của Nga trong năm 2019, sau khi OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng, cao hơn mức trung bình năm 2018 trước khi thỏa thuận này được thực hiện.

Trong khi đó, Saudi Arabia đã điều chỉnh sản lượng dầu một cách phù hợp với yêu cầu. Ví dụ, trong hai tháng 7 và 8/2019, Saudi Arabia đã cắt giảm sản lượng hơn gấp đôi so với con số yêu cầu của thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà OPEC+ nhất trí hồi cuối năm 2018.

Tuy vậy, những nỗ lực như vậy đã cho thấy là không đủ để nâng giá dầu. Về mặt lý thuyết, giá dầu sẽ tăng sau khi OPEC+ cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu của Venezuela và Iran, hai quốc gia sản xuất dầu sở hữu trữ lượng “vàng đen” lớn nhất và lớn thứ tư thế giới.

Trong khi đó, các tàu chở dầu đã bị bắt giữ ở vùng Vịnh trong thời gian qua. Còn Iraq, nước sản xuất dầu lớn thứ hai của OPEC, đang trong tình cảnh bất ổn do các cuộc biểu tình. Đáng chú ý nhất là vào tháng 9/2019, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã khiến sản lượng dầu của Saudi Arabia giảm khoảng 50%. Con số này lớn hơn nhiều so với các thiệt hại do tình hình năm 1979 ở Iran hay Kuwait vào năm 1990.

Tuy nhiên, thị trường dầu dường như đã không bị tác động nhiều bởi tình hình trên. Theo nhận định của Giám đốc IEA Fatih Birol, trong quá khứ, những căng thẳng địa chính trị như vậy đã đẩy giá dầu đi lên. Giá dầu thô Brent đã giảm từ mức cao gần 75 USD/thùng hồi tháng 4/2019 xuống còn khoảng 60 USD/thùng hiện nay.

Một lý do khác dẫn tới tình trạng trên là các doanh nghiệp sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đã tiếp tục tăng sản lượng. Nguồn cung dầu mới đang hình thành ở những nơi khác dường như đang đẩy giá dầu diễn biến theo hướng khác. Sản lượng dầu của Na Uy – một quốc gia sản xuất dầu lớn trên thế giới – dự kiến cũng tăng đột biến…

Như vậy, OPEC+ hiện tại sẽ phải quyết định xem có nên duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu đã đồng ý vào năm 2018 hay không, hay cần cắt giảm sản lượng dầu mạnh hơn. Nỗ lực hiện tại có thể không đủ để duy trì giá dầu thô Brent trên 60 USD/thùng. Tuy nhiên, hiện nhu cầu hạ thấp các mục tiêu về sản lượng dầu là không nhiều.

Anh Quân

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here