Ngày 25/11, theo truyền thông Thái Lan, Vụ trưởng Vụ Nội thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan Whichai Phochanakij cho biết, cuộc gặp của Tiểu ban xử lý chính sách và quản lý gạo quốc gia do Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit chủ trì trong tuần trước đã thông qua các kế hoạch hỗ trợ giá thóc với tổng ngân sách 70 tỉ baht (hơn 2,3 tỉ USD) do vụ mùa sắp thu hoạch dự kiến sẽ làm tràn ngập thóc trên thị trường.
Theo đó, các chương trình này bao gồm kế hoạch cho vay dành cho những nông dân đồng ý lùi thời gian gặt lúa; kế hoạch cho vay dành cho các hợp tác xã nông nghiệp để thu hoạch thóc và đưa thêm giá trị vào gạo; các khoản cho vay ưu đãi dành cho nông dân, các cơ sở nông nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp cộng đồng để xây kho chứa gạo và lùi việc bán thóc để bình ổn giá gạo; và chương trình trợ cấp với lãi suất 3% dành cho thương nhân buôn gạo đồng ý lưu kho từ 2-6 tháng.
Kế hoạch cho vay dành cho nông dân đồng ý lùi thời điểm bán gạo sẽ tiêu tốn khoảng 10 tỉ baht, và kế hoạch cho vay dành cho các cơ sở nông nghiệp, kể cả các hợp tác xã nông nghiệp, để thu hoạch thóc và đưa giá trị gia tăng vào gạo sẽ tốn khoảng 15 tỉ baht.
Trong kế hoạch cho vay dành cho nông dân đồng ý lùi thời điểm bán gạo, Chính phủ sẽ chi 1.500 baht/tấn mà không có giới hạn đối với những nông dân tự lưu kho. Những nông dân để gạo tại cơ sở nông nghiệp sẽ được 500 baht/tấn, trong khi các cơ sở nông nghiệp sẽ nhận được 1.000 baht/tấn.
Nông dân cũng có thể nhận được 11.000 baht/tấn đối với gạo Hom Mali trồng ở các tỉnh Đông Bắc và một số tỉnh nhất định ở miền Bắc, 8.700 baht/tấn đối với gạo nếp và 9.900 baht/tấn đối với gạo Hom Mali trồng ở những khu vực khác, nếu họ đưa sản lượng của mình ra thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp theo kế hoạch lưu kho-thế chấp.
Các chương trình nói trên có hiệu lực ngay lập tức do Ủy ban Chính sách Lúa gạo Quốc gia do Thủ tướng làm chủ tịch đã phê chuẩn trên nguyên tắc. Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp Thái Lan ước tính sản lượng thóc thường niên của nước này vào khoảng 24,5 triệu tấn trong 2019-2020, giảm 2,78% so với mức 25 triệu tấn của vụ trước.
Trong khi đó, mới đây, việc gạo Hom Mali của Thái Lan không giành lại được danh hiệu Gạo ngon nhất thế giới sau 2 năm liên tiếp thua hai đối thủ cạnh tranh từ Việt Nam và Campuchia, bị giới truyền thông sở tại coi là hồi chuông cảnh tỉnh đối với Chính phủ để bắt đầu thảo luận về sự phát triển của gạo Thái Lan một cách nghiêm túc. Với những thách thức mới, Chính phủ Thái Lan nên đặt việc phát triển lúa gạo là một vấn đề trong chương trình nghị sự quốc gia.
Việc gạo Thái Lan đánh mất vị trí trên thị trường quốc tế phản ánh việc thiếu nghiên cứu và phát triển hơn nữa các giống lúa Thái, nhất là khi đã có những cải thiện thực chất ở những nước láng giềng như Việt Nam, Campuchia. Tuy nhiên, truyền thông Thái Lan vẫn tin tưởng, gạo thơm của nước này vẫn có thể cạnh tranh với gạo Việt Nam trên thế giới nhờ vào danh tiếng được xây dựng trong 2 thập niên qua.
Giới chuyên gia dự báo, nếu chỉ dựa vào danh tiếng cũ mà không đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển để giúp cải thiện năng suất và đáp ứng nhu cầu chung, gạo Hom Mali của Thái Lan có thể sẽ biến khỏi các thị trường gạo thế giới trong vòng 5 năm nữa.
Ngọc Quang