Kinh tế internet – Động lực tăng trưởng của Đông Nam Á

0
89
Kinh tế Internet là động lực tăng trưởng ở Đông Nam Á.

Nền kinh tế Internet Đông Nam Á sẽ chạm 100 tỷ USD năm nay và dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2025. Theo báo cáo mới nhất của Google, Temasek Holdings và Bain & Co., kinh tế internet của khu vực Đông Nam Á đã tăng gấp ba lần trong bốn năm qua trên nền tảng là sự thay đổi cơ bản trong cách thức người dân mua sắm, ăn uống và đi lại.

Kinh tế Internet là động lực tăng trưởng ở Đông Nam Á.

Thương mại điện tử, gọi xe

Hiện nay ở Đông Nam Á có 360 triệu người dùng internet, tăng 100 triệu người so với bốn năm trước, góp phần tăng 39% giá trị của nền kinh tế internet, từ 72 tỷ USD năm 2018 lên 100 tỷ USD vào năm 2019. Với tốc độ hiện nay, nền kinh tế internet của khu vực sẽ trị giá 300 tỷ USD vào năm 2025. Thương mại điện tử là mảng tăng trưởng nhanh nhất.

Nền kinh tế internet của khu vực tăng trưởng nhanh nhất ở 6 thị trường ASEAN, bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Phần lớn động lực tăng trưởng đến từ Indonesia. Thương mại điện tử tại đây được dự báo tăng từ 21 tỷ USD lên 82 tỷ USD.

Theo các báo cáo, hai mảng thương mại điện tử và dịch vụ gọi xe với sức lan tỏa chóng mặt đã thay đổi cơ bản hành vi của người tiêu dùng và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người Đông Nam Á, đặc biệt là những người sống ở các thành phố lớn, nơi có được sự tiện lợi trong việc truy cập vào các dịch vụ và sản phẩm thông qua internet.

Hiện nay, có khoảng 150 triệu người Đông Nam Á lựa chọn hình thức mua sắm trực tuyến, lĩnh vực này được định giá khoảng 38,2 tỷ USD năm nay – gấp 7 lần so với 5,5 tỷ USD trong năm 2015. Nhờ các lễ hội mua sắm với khuyến mại hấp dẫn, dịch vụ giải trí và giao hàng nhanh, quy mô mảng này được dự báo tăng gấp 4, từ 38,2 tỷ USD năm nay lên 153 tỷ USD năm 2025.

Thị trường gọi xe dẫn đầu bởi hai “đại gia” Grab và Gojek. Quy mô mảng này cũng được dự báo chạm 40 tỷ USD năm 2025, gấp 3 lần hiện tại. Cả hai hãng đều coi giao nhận đồ ăn là động lực tăng trưởng và nguồn lợi nhuận chính.

Nền kinh tế internet ở Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đang tăng trưởng ở mức từ 20% đến 30% hàng năm, trong khi đó, con số này ở Indonesia và Việt Nam là khoảng 40%/năm. Ước tính với giá trị khoảng 40 tỷ USD vào năm 2019, nền kinh tế internet của Indonesia có quy mô gấp 4 lần kể từ năm 2015 với tốc độ tăng trưởng trung bình 49%/năm. Là nền kinh tế internet lớn nhất và phát triển nhanh nhất trong khu vực, Indonesia đang trên đà vượt qua mốc 130 tỷ USD vào năm 2025.

Ông Stephanie Davis, Giám đốc điều hành Google Đông Nam Á cho biết, Đông Nam Á có một nền kinh tế kỹ thuật số vô cùng ấn tượng khi người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển sang sử dụng công nghệ kỹ thuật số để thực hiện phần lớn các nhiệm vụ trong cuộc sống hàng ngày, tạo nên những bước tăng trưởng chưa từng có. Tuy nhiên, theo ông Davis, vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể khai thác hết tiềm năng của kỹ thuật số như cung cấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ phát triển, thực hiện các chính sách và quy định “thông minh” hơn.

Những con số dự báo tăng trưởng trên khiến nhà đầu tư cảm thấy hấp dẫn với khu vực Đông Nam Á, bất chấp nhiều thách thức trên toàn cầu. Nghiên cứu cho thấy các công ty Internet tại Đông Nam Á đã huy động được 7,6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng so với 7,1 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Bùng nổ ở Việt Nam

Ở Việt Nam, kinh tế internet cũng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng GDP. Việt Nam có lượng người dùng internet đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á với 61 triệu người, sau Indonesia (152 triệu) và Philippines (68 triệu). Kinh tế internet của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trung bình là 38%/năm kể từ năm 2015 và thương mại điện tử là động lực chính đằng sau những con số tăng trưởng ấn tượng với các thị trường phát triển Sendo, Tiki cạnh tranh với các công ty trong khu vực như Lazada và Shopee.

Tổng giá trị các giao dịch trong nền kinh tế Internet tại Việt Nam được dự báo tương đương hơn 5% GDP 2019. Con số này trong khu vực Đông Nam Á là 3,7%. Thương mại điện tử là động lực chính đằng sau sự bùng nổ ở Việt Nam. Các nền tảng thương mại điện tử trong nước tại đây cũng đang tăng cường cạnh tranh với đối thủ nước ngoài. Tại Việt Nam, các nền tảng thương mại điện tử lớn bắt đầu sử dụng các chiến lược truyền thông rất thú vị, chẳng hạn như trình chiếu trực tiếp những đoạn video “mở hộp” và “review” ngay trong ứng dụng, với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng nhằm thu hút người xem. Một số thương hiệu còn chủ động tạo điều kiện cho người mua và người bán vừa trao đổi, vừa “mặc cả” giá bán, kết hợp với nhiều chương trình đấu giá tương tác, tạo nên sự hấp dẫn rất lớn đối với người mua.

Trong lĩnh vực gọi xe, các báo cáo đánh giá, quy mô của thị trường này tại Việt Nam đã lên tới 1 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 57% – cao nhất ở Đông Nam Á. Tới năm 2025, dự báo sân chơi này sẽ đạt ngưỡng 4 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 38%/năm. Điều này giải thích tại sao, chỉ trong một thời gian ngắn, liên tục các ông lớn quốc tế lẫn trong nước như Grab, Go-Viet, FastGo hay Be… tham gia vào thị trường này.

Cũng trong lĩnh vực gọi xe nói chung, thị trường giao nhận đồ ăn đang bị “xâu xé” bởi các gương mặt quen thuộc như Now, GrabFood. Những cái tên cũ hơn nhưng lại kém phát triển bắt buộc phải nhường thị phần như Go-Food, Loship, hay biến mất hẳn là Lala. Thị trường phát triển sôi động đã tạo nên một sân chơi đầy cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, dù hiện chỉ đứng ở vị trí thứ 3 (sau Singapore và Indonesia về tổng số vốn gọi được), Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục vươn lên.

Phạm Hằng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here