Bất chấp những khó khăn chung về kinh tế thế giới, trong 9 tháng đầu năm 2019, Việt Nam vẫn được coi là quốc gia có nền kinh tế ổn định và tăng trưởng nhanh tốp đầu khu vực và thế giới, với những điểm sáng tích cực nổi bật, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, cụ thể:
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,98%, cao nhất cùng kỳ trong 9 năm gần đây; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,37%. Thị trường tiêu thụ được mở rộng, nguồn cung hàng hóa dồi dào. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%; khách du lịch quốc tế tăng 10,8%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 382,72 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2% và xuất siêu 5,9 tỷ USD, với 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện; Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 20184; năng lực cạnh canh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN. Chỉ số xếp hạng về an toàn thông tin mạng của Việt Nam tăng 50 bậc, xếp thứ 50/175 quốc gia, vùng lãnh thổ
Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động là 2 chỉ số đo lường sức khỏe môi trường kinh doanh và tạo động lực tăng trưởng chính đến nền kinh tế đã ghi nhận mức kỷ lục mới, với gần 102,3 nghìn DN đang ký thành lập mới, tăng 34% về số vốn đăng ký và tăng 26,6% về vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới (đạt 12,6 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây). Điều này cũng cho thấy “sức khỏe” tốt hơn của các DN mới ra nhập thị trường. Đồng thời, cả nước còn có 27,6 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Sự lạc quan kinh doanh và tích cực đầu tư được khẳng định, với kết quả 81,7% DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được Tổng cục Thống kê khảo sát khẳng định kinh doanh của mình trong quý III/2019 là ổn định và tich cực, tốt hơn quý II/2019; 87,9% cho rằng dự kiến quý IV/2019 xu hướng sẽ tốt lên hoặc ổn định so với quý III/2019. Vốn đầu tư nước ngoài được tiếp tục cải thiện với quy mô vốn FDI thực hiện ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3%; tổng giá trị góp tăng 82,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,5%, thấp nhất trong 3 năm gần đây. Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư xã hội (đạt 45,3%) đã khẳng định rõ sự đúng đắn và hiệu quả trong thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD7. Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng “tích cực”. Tổng thu NSNN vượt 3,3% dự toán; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi NSNN khoảng 3,4% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP; tỷ lệ nợ xấu nội bảng còn 1,91%; bảo đảm an toàn hệ thống…
Các vấn đề xã hội tiếp tục được cải thiện, với số người có việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm dần. Đến nay, cả nước có trên 52% tổng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. cả nước và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm chỉ còn khoảng 3,73 – 4,23%…
Đặc biệt, theo Báo cáo Chỉ số đói nghèo toàn cầu (GHI) 2019 của Cơ quan viện trợ Concern Worldwide từ Ailen và tổ chức Welt Hunger Hilfe của Đức, Việt Nam đứng thứ 62, tăng 2 bậc so với vị trí thứ 64 trên tổng số 119 nền kinh tế trong bảng xếp hạng toàn cầu. Với vị trí năm nay, Việt Nam tốt hơn một số nước láng giềng Đông Nam Á như Myanmar, Indonesia, Philippines, Campuchia và Lào. Điểm GHI được tính toán dựa trên 4 chỉ số, bao gồm suy dinh dưỡng, gầy so với chiều cao, thấp còi ở trẻ em và trẻ em tử vong. Cụ thể, chỉ số GHI của Việt Nam đã giảm từ 28,3 trong năm 2000 xuống còn 15,3 trong năm 2019. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi gầy so với chiều cao đã giảm từ 9% năm 2000 xuống còn 6,4% trong năm nay và tỷ lệ thấp còi ở trẻ em đã giảm gần một nửa từ 42,9% năm 2000 xuống 24,6% năm 2019. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm suy dinh dưỡng và xóa đói nghèo. Năm ngoái, Chính phủ đã phát động chương trình “Thanh toán nạn đói” nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và tăng trưởng chậm thông qua cải thiện dinh dưỡng và sản xuất thực phẩm bền vững. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) gần đây đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam nỗ lực hơn nữa tài trợ cho các chương trình liên quan đến dinh dưỡng, xây dựng các kế hoạch đa ngành để giải quyết các yếu tố cơ bản của suy dinh dưỡng và sớm thực hiện can thiệp.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Chính phủ dự kiến cả nước sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển KTXH năm 2019. Đây là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Thế và lực của ta không ngừng được củng cố; uy tín quốc tế được nâng lên.
Để vững vàng về đích, đạt tất cả các mục tiêu kế hoạch năm 2019, theo chỉ đạo của Chính phủ, các cấp, các ngành cần tiếp tục thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình trong nước và thế giới để kịp thời có phản ứng chính sách và phản ứng thị trường phù hợp, không để bị động, bất ngờ; ưu tiên hàng đầu là tiếp tục cải cách mạnh mẽ, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đã được giao; Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo các Quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt. Tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, góp phần hạn chế tín dụng đen; Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, có biện pháp hiệu quả chống thất thu đối với các hoạt động chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại; thu hồi nợ đọng thuế; bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an ninh, an toàn thông tin mạng; phát huy sự đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng quốc gia về một Việt Nam hùng cường.
TS. Nguyễn Minh Phong