Kinh tế chia sẻ – trụ cột quan trọng trong nền kinh tế số và sự lựa chọn của Việt Nam

0
572
doanh thu từ kinh tế chia sẻ toàn cầu có thể lên tới khoảng 335 tỷ USD trong năm 2025.
Doanh thu từ kinh tế chia sẻ toàn cầu có thể lên tới khoảng 335 tỷ USD trong năm 2025.

Theo khảo sát của Công ty Nielsen, cứ 4 người Việt được hỏi thì có 3 người cho biết thích mô hình kinh tế chia sẻ. Cùng với cuộc cách mạng về công nghệ thông tin, kinh tế chia sẻ đang là xu hướng mới, trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số, là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam.

Sự bùng nổ kinh tế chia sẻ trên thế giới

Trên thế giới, khái niệm “kinh tế chia sẻ” hoặc “mô hình chia sẻ” đã xuất hiện từ rất lâu, với rất nhiều định nghĩa khác nhau. Kinh tế chia sẻ (sharing economy) còn được gọi theo nhiều tên khác nhau như kinh tế cộng tác (collaborative economy), kinh tế theo cầu (on-demand economy), kinh tế nền tảng (platform economy), kinh tế truy cập (access economy), kinh tế dựa trên các ứng dụng di động (app economy), v.v… (Cristiano Codagnone and Bertin Martens, 2016). Nhìn chung, tất cả các tên gọi khác của mô hình kinh tế chia sẻ đều có bản chất là một mô hình kinh doanh mới của kinh doanh ngang hàng, tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ số giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số.

Kinh tế chia sẻ chỉ thực sự bùng nổ từ năm 2009, khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng, người dân buộc phải thay đổi cách tiêu dùng. Lợi thế của mô hình kinh tế chia sẻ là sử dụng vốn cộng đồng (xe ôtô và nhà ở của người tham gia) ứng dụng công nghệ (sử dụng công nghệ điện thoại, GPS, 3G, thanh toán online…), tiết kiệm chi phí, tăng lợi ích cho người cung ứng, người có nhu cầu và người trung gian…Điều này đã khiến mô hình kinh doanh này nhanh chóng phát triển vượt ra khỏi biên giới Mỹ, lan rộng khắp châu Âu và toàn thế giới, với doanh thu toàn cầu tăng nhanh từ 15 tỷ USD năm 2014, lên tới khoảng 335 tỷ USD trong năm 2025. Hàng triệu công ty chia sẻ tài sản lớn, như: Airbnb, RelayRides, DogVacay, LiquidSpace…

Mô hình RelayRides: Đây là mô hình chia sẻ xe ô tô tư nhân. Giá đặt ra trên nền tảng RelayRides thấp hơn giá của các công ty cho thuê xe khác khoảng 35%. Chủ sở hữu xe có thể cho thuê xe của mình trên nền tảng và thu về trung bình 300 – 500 USD/tháng, có thời điểm lên tới 1.000 USD/tháng. Đối tượng được thuê xe là những người được đánh giá là lái xe an toàn trong ít nhất 2 năm (không gây tai nạn, không bị phạt). Kết thúc quá trình giao dịch, người thuê và người cho thuê có thể đánh giá lẫn nhau.

Mô hình Airbnb: Mô hình Airbnb chia sẻ nhà ở, căn phòng không dùng đến cho người đi du lịch. Thông qua nền tảng này, chủ sở hữu căn nhà cho thuê và người thuê nhà sẽ gặp được nhau và ký kết hợp đồng thuê nhà. Giá thuê nhà định ra trên nền tảng Airbnb, luôn thấp hơn giá thuê phòng khách sạn khoảng 3 lần. Theo ước tính, chỉ trong 1 đêm đã có đến 40.000 người thuê chỗ ở từ một dịch vụ cung ứng 250.000 phòng tại 30.000 thành phố ở 192 nước và mọi thanh toán đều qua mạng internet. Những người cần thuê và chủ cho thuê được “mai mối” nhờ Airbnb – một công ty có trụ sở tại San Francisco (Mỹ). Sau giao dịch người thuê và người cho thuê cũng có thể đánh giá lẫn nhau trên nền tảng này. Hiện nay, Airbnb được định giá gần 20 tỷ USD và đã hiện diện ở rất nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nền tảng Uber: Nền tảng Uber tận dụng các ô tô, xe gắn máy ít được đưa vào lưu thông và người lao động không kiếm được việc làm trong cộng đồng. Thời gian đầu, Uber chỉ kinh doanh trong lĩnh vực xe hạng sang, sau đó mở rộng ra các lĩnh vực khác như xe bình dân, xe SUV, vận chuyển… Mức giá của Uber thường rẻ hơn các dịch vụ cung cấp bởi công ty truyền thống. Hiện nay, Uber được định giá 18,2 tỷ USD. Tham gia mô hình này, chủ sở hữu xe ô tô, xe gắn máy thực hiện việc đăng ký trên nền tảng, làm bài kiểm tra khả năng lái xe. Khách hàng muốn đặt xe thông qua nền tảng này sẽ click vào nền tảng Uber, chọn địa chỉ nơi đi, nơi đến và nhấn nút đặt xe, ứng dụng này sẽ lựa chọn ngẫu nhiên một phương tiện gần với khách hàng nhất. Khi đã kết nối, lái xe và người đặt xe liên lạc và thông báo điểm đón thông qua điện thoại di động. Sau sử dụng dịch vụ, người lái xe và người sử dụng dịch vụ cũng có thể đánh giá lẫn nhau trên nền tảng.

Mô hình TaskRabbit: Còn gọi là mô hình giúp đỡ nhau trong cộng đồng, được đầu tư 38 triệu USD vào năm 2012. Mô hình này được hiểu một cách đơn thuần là những người có công việc cần thực hiện, nhưng không đủ khả năng (thiếu thời gian, kỹ năng…) sẽ đẩy thông tin lên nền tảng để tìm kiếm người lao động phù hợp (kỹ năng, mức giá, vị trí). Người có nhu cầu cần làm việc sau khi hoàn thành công việc sẽ được thanh toán online. Kết thúc công việc, người lao động và người thuê cũng có cơ hội đánh giá lẫn nhau trên nền tảng.

Mô hình KickStarter: Còn gọi là mô hình gọi vốn từ cộng đồng để thực hiện các dự án. Người có dự án nghệ thuật, phát triển phần mềm, nghiên cứu khoa học công nghệ sẽ đăng tải nội dung dự án của mình lên nền tảng để cộng đồng người dùng KickStarter xem xét cấp vốn. Người cấp vốn có thể thu lại những sản phẩm như áo phông, phần mềm sử dụng, sản phẩm mẫu… của dự án mà họ cấp vốn, tùy theo mức tiền mà họ bỏ ra để ủng hộ. Mô hình này thu hút sự tham gia của số đông những người trẻ khởi nghiệp. Số vốn KickStarter đã thu hút cho hơn 100.000 dự án đạt gần 1 tỷ USD.

Mô hình cho vay trong cộng đồng Peer lending: Là mô hình trong đó các đối tượng trong cộng đồng cho vay lẫn nhau, không thông qua trung gian là ngân hàng. Các khoản vay trên nền tảng này thường có lãi suất thấp hơn nhưng người cho vay lại thu được nhiều hơn gửi vào ngân hàng, theo công ty là do chi phí tổ chức của công ty thấp hơn của ngân hàng.

Bartering giữa các doanh nghiệp: Các doanh nghiệp có những tài sản, máy móc thừa, nhà kho chưa dùng đến, sản phẩm tồn kho… có thể trao đổi với nhau để cả 2 bên cùng có lợi, đồng thời tiết kiệm thời gian do không phải thông qua việc chuyển tiền. Hoặc các doanh nghiệp có những kỹ năng chuyên môn riêng biệt có thể thực hiện đào tạo cho một nhóm doanh nghiệp, chia sẻ kỹ năng của mình, nhận về thông tin hữu ích… Thị trường chia sẻ doanh nghiệp với doanh nghiệp có thể còn lớn hơn so với thị trường chia sẻ giữa người dân.

Car Pooling – đi chung xe: Mô hình này xuất hiện vào năm 1970, người dân đi chung xe với nhau để tiết kiệm tiền di chuyển. Tại Đức, mô hình car pooling phổ biến đến mức quốc gia này đã xây dựng một làn đường riêng dành cho các xe chở đông người.

…Và sự lựa chọn của Việt Nam

Theo khảo sát của Công ty Nielsen cho thấy, cứ 4 người Việt được hỏi thì có 3 người cho biết thích ý tưởng kinh doanh về mô hình này (chiếm 75%). Nghiên cứu mới đây của Vụ Kinh tế – Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cũng từng đưa ra nhận định, kinh tế chia sẻ đang là xu hướng mới song hành cùng cuộc cách mạng về công nghệ thông tin trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế số, là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam hiện nay.

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trong ASEAN cho phép thí điểm mô hình kinh doanh ứng dụng dịch công nghệ kết nối vận tải (ví dụ như Uber, Grab) bắt đầu từ năm 2014. Tuy nhiên sau 4 năm hoạt động, đến tháng 4/2018, Uber đã rút khỏi thị trường Đông Nam Á và đổi lấy 27,5% cổ phần của Grab. Ngay sau khi Uber rút khỏi thị trường, Việt Nam đã chứng kiến một sự phát triển mạnh mẽ, thể hiện mô hình kinh tế chia sẻ là một mảng thị trường tiềm năng, đến tháng 5/2018, ứng dụng VATO xuất hiện trên thị trường, hay là nhiều các hãng taxi công nghệ khác như Gonow của Viettel hay là ứng dụng mới phát minh hiện nay T.Net của FPT và ngoài ra còn tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp truyền thống thay đổi phương thức hoạt động kinh doanh từ thủ công sang ứng dụng công nghệ. Airbnb là một mô hình kết nối người cần thuê nhà với những gia đình có phòng trống cần cho thuê thông qua ứng dụng di động tương tự như Uber, Grab. Đây là loại hình dịch vụ tương đối mới, hoạt động theo mô hình nền tảng phi tập trung, tất cả việc thanh toán chỉ sử dụng thẻ tín dụng và thông qua Airbnb. Ngoài ra còn nhiều dịch vụ cung cấp nền tảng (platform) được ứng dụng rộng rãi, cụ thể là Triip.me sử dụng mô hình kinh doanh như Airbnb, trong đó sử dụng nguồn lực của cộng đồng để thiết kế nên các tour du lịch trên toàn thế giới; thay đổi phong cách hướng dẫn du lịch, phân tích giúp đỡ khách du lịch tìm hiểu sâu hơn về địa điểm và con người nơi họ muốn đến, đồng thời giúp họ kết nối với người dân địa phương trên toàn thế giới, hay là các dịch vụ ăn uống (foody), lao động, hàng hóa tiêu dùng; Dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ (peer-to-peer lending) điển hình như cung cấp nền tảng kết nối giữa bên cho vay và người đi vay như lendbiz.vn, tima.vn…; Đón nhận xu hướng cung ứng dịch vụ trên thị trường, ngày 05/6/2018, Công ty Cổ phần Đổi mới Công nghệ Tài chính Fiin đã chính thức ra mắt dịch vụ cho vay ngang Cổng thông tin kinh tế Việt Nam – VNEP. Đây là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực P2P Lending sử dụng nền tảng công nghệ tiên tiến tại Việt Nam. Sự phát triển mỗi ngày của công nghệ kéo theo sự sáng tạo trong mở rộng quy mô loại hình dịch vụ như tại Grab, dịch vụ vận tải không còn chỉ giữa người với người nữa mà mở rộng hơn sang dịch vụ vận chuyển hàng hóa, vận chuyển thức ăn đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội Hay là sự kết nối người dùng với các nhà cung cấp dịch vụ khác của Rada với nhiều lĩnh vực cụ thể về sửa chữa thiết bị gia đình, xây dựng điện nước, sân bay, vận chuyển đường dài, sửa chữa thiết bị ô tô, xe máy… Sau một năm từ tháng 4/2016 đến 4/2017, hơn 20.000 giao dịch thành với 56.000 khách hàng, hơn 1.000 nhà cung cấp và 3.500 thợ/đơn vị cung cấp và Rada bắt đầu thu tiền từ các giao dịch thành công hay các ứng dụng giúp việc theo giờ, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa của Okiaf,…

Khắc phục thách thức

Bên cạnh những lợi ích về tiết kiệm chi phí giao dịch, minh bạch hóa thông tin và tăng cơ hội kinh doanh, hiệu quả sử dụng tài sản và đầu tư xã hội; đa dạng hóa việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động, tọa nguồn thu NSNN bổ sung…; thực tế cũng cho thấy cần khắc phục một số thách thức để mô hình kinh tế chia sẻ phát triển lành mạnh ở Việt Nam: Đăng ký ngành nghề và điều kiện kinh doanh; sự cạnh tranh công bằng và quản lý thuế. Cũng như chất lượng dịch vụ, sản phẩm; thanh toán không biên giới, an toàn lao động, bảo hiểm…; hài hòa lợi ích giữa mô hình kinh tế chia sẻ với kinh doanh truyền thống, giữa người lao động

Theo Công văn số 1850/TTg-KTN ngày 19/10/2015, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện Đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”. Và ngay sau đó, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” theo quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/1/2016 cho loại xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, được cấp phù hiệu xe hợp đồng theo đúng quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT với thời gian thí điểm là 2 năm (từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2018) tại 5 tỉnh, thành phố lớn bao gồm: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh.

Nhìn chung, hầu hết văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể liên quan đến kinh tế chia sẻ như trong Luật Đầu tư năm 2014, Luật doanh nghiệp 2014, và các qui định pháp luật khác như Luật thuế, Luật thương mại điện tử (Luật giao dịch điện tử 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành), các chính sách qui định về nghĩa vụ tài chính và các chính sách khác.

Ngày 12/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 999/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký, nhằm mục tiêu: Tạo lập và bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

Đề án ra đời là minh chứng cho thấy sự nhanh nhạy trong quản lý  Nhà nước và khẳng định quan điểm Chính phủ ủng hộ và có phản ứng chính sách kịp thời thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới. Đặc biệt, Chính phủ coi kinh tế chia sẻ là một bộ phận hợp thành trong nền kinh tế, nên xác định rõ quản lý nhà nước cần đảm bảo cho các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển, trong đó có các hoạt động kinh tế chia sẻ; nhấn mạnh yêu cầu cần thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, địa phương và người dân về mô hình kinh tế chia sẻ; tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh; tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo và đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ.

Đề án cũng xác định những giải pháp quản lý Nhà nước cần thiết, đồng bộ để phát triển kinh tế chia sẻ, nổi bật là: Thực hiện quyền và trách nhiệm của người cung cấp và thụ hưởng dịch vụ, cũng như của doanh nghiệp công nghệ/doanh nghiệp cung cấp nền tảng trong kinh tế chia sẻ; xây dựng và phát triển hệ sinh thái cho kinh doanh, đầu tư theo mô hình kinh tế chia sẻ, với các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp và các nền tảng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế chia sẻ; quy định rõ trách nhiệm giữa các bên trong kinh tế chia sẻ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý đối với mô hình kinh doanh này. Tăng cường các giải pháp về thanh tra, kiểm tra quản lý hoạt động thanh toán điện tử đối với việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới nhằm đảm bảo chủ quyền thanh toán đối với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ quyền riêng tư của công dân, tổ chức, đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng; thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường dịch vụ (trong đó có dịch vụ Internet) và về thương mại điện tử nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và người dân kinh doanh tốt trên nền tảng công nghệ số, vì sự phát triển xã hội ngày càng hiệu quả và bền vững hơn…/.

TS.Nguyễn Minh Phong – ThS.Nguyễn Trần Minh Trí

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here